TIẾN SĨ PHẠM XUÂN HƯNG, NHÀ NGHIÊN CỨU ĐẠI HỌC KONKUK (HÀN QUỐC): KỲ VỌNG TĂNG MỨC ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA

16/12/2022

Quan tâm tới Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ diễn ra vào ngày mai, Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc) mong muốn, vấn đề tăng mức đầu tư cho văn hóa sẽ được mổ xẻ, tranh luận thật kỹ tại Hội thảo lần này, với nhiều giải pháp sớm được cụ thể hóa thành những chính sách thiết thực, hiệu quả chăm lo cho lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới.

ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: KỲ VỌNG NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ TRONG CẢI CÁCH THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ VĂN HÓA

Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc)

Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về mức đầu tư cho văn hóa trong thời gian qua?

Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc):  Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, tăng dần mức chi ngân sách cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa đang thấp so với yêu cầu thực tiễn và còn phân tán, hiệu quả chưa cao. Từ 2004, Đảng đã có kết luận tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách văn hóa nhà nước. Mặc dù vậy, đến nay chưa một tỉnh, thành nào đạt mức đầu tư cho văn hóa 1,8% tổng chi ngân sách. Hầu hết các tỉnh, thành chỉ đạt xấp xỉ 1% tổng chi ngân sách. Vì thế, vấn đề cấp bách hiện nay là phải tăng đầu tư ngân sách cho văn hóa chiếm 1,8% như định mức đề ra từ năm 2010.

Qua các báo cáo, tổng kết của các cơ quan chức năng thể hiện lĩnh vực văn hóa cũng cho thấy, còn thiếu sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương cho văn hóa; trong đó nguồn lực dành cho văn hóa thường bị cắt giảm đầu tiên khi cần cân đối ngân sách…

Ngay tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận, tình trạng di tích xuống cấp ở nhiều nơi. Nguyên nhân do nguồn lực ở địa phương không nhiều, đầu tư cho di tích còn khó khăn. Nhiệm kỳ trước đây, Quốc hội có chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, trong đó nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích. Bộ VHTTDL đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên, nguồn ngân sách cũng chưa đủ sức để khắc phục tình trạng này.

Rõ ràng khi nhắc đến vấn đề phát triển văn hóa, các khẩu hiệu chúng ta nêu ra luôn hay, hùng hồn, đề cao “văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội” nhưng trên thực tế lại gạt các tờ trình tôn tạo một di tích hoặc xây dựng hệ thống nhà văn hóa cấp thôn… Lý do được đưa ra là đầu tư cho văn hóa chẳng phải là việc cấp bách, có điều kiện làm sau cũng không muộn. Đúng vậy, văn hóa được coi “là nền tảng tinh thần của xã hội”, nhưng việc phân bổ nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa thực tế luôn thấp hơn các lĩnh vực được coi là quốc sách và nền tảng khác.

Thời gian qua, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi chương trình này kết thúc vào năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm, nhưng luôn ở mức thấp. Trong khi đó, năm 2022, Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế, nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện, hoặc chưa được giải ngân. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư, đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa - lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Tôi cho rằng, nhu cầu đầu tư, chăm lo cho văn hóa đòi hỏi cần phải có tỷ lệ kinh phí cố định, nếu chưa thấy hiệu quả có thể không đầu tư ồ ạt, nhưng không nên cắt giảm, bởi suy cho cùng đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài, hướng tới tương lai. Bởi, nếu văn hóa không theo kịp phát triển kinh tế-xã hội sẽ tạo ra nhiều hệ lụy phức tạp cần giải quyết về sau. Cần phải có nhận thức đầu tư cho văn hóa là đầu tư xây dựng nhân cách con người để hoàn thiện con người tài đức vẹn toàn, tránh con người phát triển lệch lạc, sinh tồn mà thiếu tính nhân văn; nhìn rộng ra sẽ tránh được suy thoái của dân tộc về văn hóa.

Hiện nay vẫn không ít người quan niệm lĩnh vực văn hóa là lễ lạt, cờ, đèn, kèn, trống... Tôi cho rằng, văn hóa cần phải hiểu cho đúng, văn hóa hàm chứa những tiềm năng, động lực to lớn, đôi khi notrở thành sức mạnh phi thường khi biết khai thác đúng lúc và phát huy đúng chỗ. Chính vì vậy, đầu tư thiết thực cho văn hóa là tạo dựng sức mạnh nội sinh bền vững cho dân tộc mỗi khi bước vào những thử thách cam go của thời đại.

Phóng viên: Theo ông giải pháp cho vấn đề này là gì? Ông có kỳ vọng gì đối với Hội thảo Văn hóa 2022 tới đây?

Tiến sĩ Phạm Xuân Hưng, Nhà nghiên cứu Đại học Konkuk (Hàn Quốc):  Tôi cho rằng, điều trước tiên là cần tháo gỡ điểm nghẽn về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và trong nhân dân, trong mỗi chủ thể vận hành văn hóa về vai trò và vị trí của văn hóa. Xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế là tạo môi trường văn hóa từ những lĩnh vực trung tâm và then chốt, đưa tư duy văn hóa vào trong mỗi bước đi, mỗi quyết sách về kinh tế, chính trị, hoạt động xã hội, bảo đảm cho văn hóa được thể hiện rõ nét, ngang bằng với các trụ cột phát triển khác.

Đồng thời, đẩy nhanh việc cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa và phải có chế tài đủ mạnh để tổ chức thực hiện khắc phục nhược điểm “còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa” mà Đại hội XIII đã chỉ ra.

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, nguồn lực đầu tư cho văn hóa để thực hiện các định hướng phát triển trong thời gian tới phải được chỉ đạo, triển khai phù hợp với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030  là “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa” như Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu, ít ra là phải bảo đảm phù hợp với Kết luận 30-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX là 1,8% ngân sách.

Bên cạnh đó, cần sớm triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có những chính sách ưu tiên nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội (cá nhân, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp) cho phát triển văn hóa.

Với tinh thần đó, tôi hy vọng tại Hội thảo Văn hóa 2022 lần này, vấn đề đầu tư như thế nào cho văn hóa sẽ được mổ xẻ, tranh luận thật kỹ, với nhiều ý kiến, giải pháp hiệu quả nhằm nâng mức đầu tư cho văn hóa, và sẽ sớm được cụ thể hóa thành những chủ trương, chính sách thiết thực, hiệu quả chăm lo cho lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương