THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO HÀ KIM NGỌC: NGOẠI GIAO VĂN HÓA TRỞ THÀNH MỘT BỘ PHẬN QUAN TRỌNG CỦA NỀN NGOẠI GIAO TOÀN DIỆN

17/12/2022

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, ngoại giao văn hóa đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam giúp thực hiện hai mục tiêu là phục vụ đường lối đối ngoại và phát triển văn hóa.

TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’

ĐBQH NGUYỄN THỊ LỆ THỦY: ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA LÀ ĐẦU TƯ CHO SỰ THỊNH VƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, GỐC RỄ CỦA DÂN TỘC

Ngày 17/11, Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh. Hội thảo được chủ trì bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng đất nước

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta luôn rất quan tâm đến vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng đất nước.


Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Đại hội XIII đã đề ra các quan điểm, chủ trương mới về phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam và xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”; “Phát huy tối đa nhân tố con người. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”; và “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Song song đó, Đại hội XIII đã đề ra nhiệm vụ cho đối ngoại là tiếp tục phát huy “vai trò tiên phong” trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”, huy động các nguồn lực bên ngoài góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.

Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ trên thì đến nay, ngoại giao văn hóa (NGVH) đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam giúp thực hiện hai mục tiêu là phục vụ đường lối đối ngoại và phát triển văn hóa. Đại hội XIII đặt nhiệm vụ “mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.   

Các nước ngày càng coi trọng vai trò của ngoại giao văn hóa trong quảng bá hình ảnh quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, những định hướng trên của Đại hội XIII càng trở nên đúng đắn hơn trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt, các nước ngày càng coi trọng vai trò của NGVH trong quảng bá hình ảnh quốc gia, phát huy bản sắc dân tộc, tăng cường sức mạnh mềm, góp phần phát triển bền vững và nâng cao vị thế, ảnh hưởng của đất nước trên trường quốc tế.


 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường sử dụng sức mạnh mềm để tăng cường ảnh hưởng, tập hợp lực lượng. Mỹ xác định NGVH là bộ phận quan trọng đứng thứ ba trong bốn mục tiêu chính của CSĐN nhằm thúc đẩy quan hệ với các nước, đồng thời củng cố an ninh quốc gia, hỗ trợ tăng cường vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Truyền thông đại chúng và văn hóa đại chúng là hai công cụ quan trọng của Mỹ nhằm quảng bá văn hóa, lối sống Mỹ và tăng cường sức mạnh mềm. Trong khi đó, Trung Quốc nỗ lực xây dựng hình ảnh một quốc gia đáng tin cậy; tìm cách “quyến rũ” các nước đang phát triển với hình mẫu thành công của mình; phổ biến các tư tưởng, văn hóa Trung Hoa với hệ thống các Viện Khổng Tử… Vai trò của NGVH được Trung Quốc coi trọng, sử dụng không chỉ nhằm tăng cường sức mạnh tổng thể quốc gia và cạnh tranh ảnh hưởng mà còn nhằm mục tiêu đoàn kết, thúc đẩy tự tôn dân tộc.

Không chỉ các siêu cường, các quốc gia tầm trung, các nước vừa và nhỏ cũng tăng cường sử dụng sức mạnh mềm nhằm tăng vai trò, mở rộng ảnh hưởng và xây dựng cho mình một vị thế riêng trên trường quốc tế, tạo lợi thế trong phát triển kinh tế. Như chúng ta đều biết, Pháp hàng năm dành một khoản ngân sách khoảng 1 tỷ USD cho NGVH, duy trì 140 trung tâm văn hóa trên toàn thế giới thông qua hệ thống các Trung tâm/Viện Pháp. Đức có hệ thống Viện Geothe. Anh có hệ thống British Council. NGVH đã giúp Nhật Bản nâng cao hình ảnh, lòng tin, tạo thuận lợi trong tiếp cận thị trường quốc tế. Hàn Quốc nổi tiếng với "làn sóng Hàn Lưu" đã tạo nên một nền công nghiệp văn hóa trị giá tới 114 tỷ USD. Indonesia coi trọng NGVH để thúc đẩy công nghiệp văn hóa cũng như công nghiệp sáng tạo và lập hẳn một Bộ công nghiệp sáng tạo và du lịch.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nêu rõ: Từ kinh nghiệm triển khai NGVH của thế giới và thực tiễn của ta, tháng 11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược NGVH đến năm 2030, trong đó xác định NGVH là sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững mội trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.


Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Chiến lược cũng đánh giá kết quả hơn 10 năm thực hiện Chiến lược NGVH đến năm 2020 đã góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam và nâng tầm giá trị văn hóa Việt; tham gia thu hút đầu tư, du lịch, đóng góp vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước; đồng thời góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia. Các festival, lễ hội văn hóa và danh hiệu/di sản UNESCO đã góp phần thu hút mạnh mẽ khách du lịch lịch và giúp nhiều địa phương chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa trên một trong những trụ cột là phát triển du lịch và khai thác giá trị di sản.

Theo báo cáo Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu (Global Soft Power Index Report) của Brand Finance, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 47 trong top 100 quốc gia có chỉ số quyền lực mềm cao nhất thế giới, là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được tăng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu năm 2021. Trong Báo cáo các quốc gia tốt nhất thế giới (The best countries của Mỹ), năm 2021, Việt Nam cũng tăng 3 bậc, lên thứ 40 thế giới, trong đó chỉ số về di sản văn hóa xếp thứ hạng khá cao, thứ 25 thế giới.

05 nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng, thời gian tới, tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục phối hợp triển khai mạnh mẽ và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược NGVH đến năm 2030, trên một số trọng tâm chính sau:

Thứ nhất, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ trên mọi mặt giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế. Thời gian qua, ta đã chú trọng  đưa nét đặc trưng, tinh tế, đặc sắc của văn hóa Việt Nam vào chương trình tổ chức các sự kiện, hội nghị quốc tế lớn ở Việt Nam như APEC 2017, ASEAN 2020... cũng như đã tổ chức được nhiều hoạt động Tuần/Ngày Việt Nam tại trên 15 nước là những nước có quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Nội dung và hình thức tổ chức Tuần/Ngày Việt Nam cũng thường xuyên được đổi mới, năm 2022 được Hội đồng giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại trao Giải nhì về sáng kiến, ý tưởng sử dụng truyền thông số trong tăng cường hiệu quả quảng bá văn hóa. Phấn đấu đến năm 2030, các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài sẽ trở thành các hoạt động NGVH có quy mô lớn.


Các đại biểu tham gia phần tham luận tại Hội thảo.

Thứ hai, thúc đẩy hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hoá tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; trong đó tiếp tục đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam và UNESCO đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Năm 2022 Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể, và như vậy Việt Nam lần đầu tiên hiện cùng một lúc đảm nhiệm vai trò thành viên của 03 cơ chế quan trọng của UNESCO. Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức đón thành công bà Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thăm Việt Nam thúc đẩy triển khai Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – UNESCO giai đoạn 2021 – 2025, cũng như tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO về di sản văn hóa và thiên nhiên tại Ninh Bình có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội. Truyền thông thế giới nhân dịp này đã đưa nhiều tin, hình ảnh không chỉ về các di sản văn hóa và thiên nhiên của Hà Nội, Ninh Bình, Huế mà cả về những nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Bà Tổng giám đốc có ấn tượng rất tốt với lãnh đạo và năng lực tổ chức của Việt Nam, chủ động đặt vấn đề Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức một hội nghị lớn của UNESCO tại Việt Nam (dự kiến vào năm 2025, với sự tham gia của khoảng hơn 1100 người đến từ 130 nước).

Thứ ba, ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối giúp tham mưu, đôn đốc, đồng hành với các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp hội nhập quốc tế, tiếp cận nhanh với tri thức mới của nhân loại, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực ưu tiên như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin, bên cạnh lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Đến nay, ta đã có 57 di sản/danh hiệu UNESCO, đứng đầu các nước Đông Nam Á về số di sản được UNESCO ghi danh. 63 địa phương đều sở hữu hoặc đồng sở hữu ít nhất 01 danh hiệu UNESCO. Nhiều địa phương đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn, trở thành thương hiệu quốc tế. Việc tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản sẽ góp phần khơi dậy tự hào dân tộc, tạo nguồn lực và không gian mới cho phát triển bền vững ở các địa phương.

Thứ tư, tiếp tục quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thông qua hình ảnh, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh. Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện míttinh, triển lãm, xuất bản sách và hội thảo quốc tế về Bác nhân kỷ niệm 35 năm UNESCO thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với hình thức mới, nâng tầm cả về quy mô, tầm vóc (được Tổng Bí thư ghi đề tựa sách, có Phó Thủ tưởng Thường trực, Trưởng ban Tuyên giáo và nhiều đồng chí lãnh đạo ban, ngành, địa phương, Đoàn ngoại giao và bà Tổng giám đốc UNESCO tham dự). Sự kiện còn được tiếp nối với những chuỗi hoạt động tại trụ sở của UNESCO và tại nhiều cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới.

Thứ năm, lời giải cho bài toán tìm nguồn lực cho phát triển ngoại giao văn hóa chính ở phương châm “lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” – họ vừa là chủ thể thụ hưởng vừa là đối tác. Vừa qua Bộ Ngoại giao đã đón thành công chuyến thăm của Tổng giám đốc UNESCO tại Hà Nội, Ninh Bình và Huế với nhiều sự kiện là nhờ có sự phối hợp, tham gia của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các địa phương và người dân. Sự kiện chuỗi míttinh, triển lãm, xuất bản sách, hội thảo quốc tế về Bác nhân kỷ niệm 35 năm UNESCO thông qua Nghị quyết tôn vinh Bác, cả ở trong và ngoài nước, đã thành công nhờ có sự đồng hành, tham gia của nhiều cơ quan và xã hội hóa (Bộ Ngoại giao cũng chỉ có kinh phí 300 triệu).

Thời gian tới, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế phối hợp về NGVH một cách hệ thống, đồng bộ, liên thông, huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân, theo hướng Chính phủ đóng vai trò chủ chốt triển khai các hoạt động NGVH cấp nhà nước, khu vực và quốc tế; các bộ, ban, ngành, địa phương chủ trì tổ chức các hoạt động NGVH trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của mình; các tập đoàn, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo; người dân, nhất là đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cần được khuyến khích tham gia đóng góp lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam./.

Bích Lan