THỔI “ĐỘNG LỰC MỚI” CHO NGÀNH VĂN HÓA

19/12/2022

Với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” , Hội thảo Văn hóa 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức vừa qua đã trở thành “điểm sáng” thổi “động lực” cho những người hoạt động trong ngành Văn hóa . Dưới đây là ghi nhận của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sau Hội thảo.

CHIỀU NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’

SÁNG NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’

Thực hiện đường lối đổi mới, đất nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Hội thảo Văn hóa 2022

Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất tổ chức Hội thảo về chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Đây là 3 yếu tố then chốt có mối quan hệ biện chứng, thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa; đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo khung khổ cho việc tổ chức, vận hành nền văn hóa quốc gia; là công cụ hữu hiệu để quản lý, bảo đảm cho việc phân bổ hợp lý các nguồn lực để phát triển văn hóa. Nguồn nhân lực, vật lực, tài lực là điều kiện cần để tạo ra những sản phẩm văn hóa, giá trị văn hóa; trong đó, con người luôn là nguồn lực trung tâm, quan trọng nhất, tạo ra cơ chế, chính sách, là chủ thể quyết định việc khai thác và sử dụng các nguồn lực khác.

Phóng viên: Là người gắn bó trong lĩnh vực nghệ thuật, qua theo dõi Hội thảo Văn hóa 2022, chị có đánh giá như thế nào về các nội dung đưa ra tại Hội thảo? Chị có mong muốn gì sau khi Hội thảo này kết thúc?

Ca sĩ Bùi Hoàng Yến

Ca sĩ Bùi Hoàng Yến: Tôi đã dành 1 ngày trọn vẹn để theo dõi trực tuyến Hội thảo này. Hội thảo Văn hóa 2022 đã tập trung đánh giá 3 vấn đề lớn, rất quan trọng và cấp thiết, đang được nhiều người quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Đó là thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Là một người làm việc trong lĩnh vực sân khấu, theo tôi nếu thể chế đáp ứng tốt và bám sát thực tế, sẽ hỗ trợ cho chế độ chính sách được thông suốt, từ đó nguồn lực trong lĩnh vực này cũng sẽ tốt hơn. Trong đó, nguồn lực con người là yếu tố rất quan trọng. Để nguồn lực có thể đáp ứng tốt trong hoạt động nghệ thuật thì phải đào tạo và có chế độ chính sách phù hợp. Trong khi hiện nay, rất nhiều nghệ sĩ trẻ có tài năng nhưng không mặn mà với nghệ thuật, vì mức chi trả lương cho họ còn thấp. Chưa kể, tính chất công việc này cũng vất vả và nhiều cám dỗ.

Thời gian qua, nhất là khi bệnh dịch bùng phát, mọi hoạt động bị ngừng trệ một thời gian dài, đã có  nhiều nghệ sĩ bỏ nghề để tìm cách mưu sinh. Vì thế, tôi cho rẳng, vấn đề chế độ chính sách đãi ngộ đối với các nghệ sĩ là rất quan trọng, vì khi có chế độ thích hợp, họ sẽ yên tâm cống hiến, sáng tạo nghệ thuật. Qua đó, lớp nghệ sĩ trẻ như chúng tôi sẽ nhìn nhận, lựa chọn nghệ thuật và họ yên tâm học tập, rèn rũa, tiếp tục giữ gìn, phát huy, gắn bó với nghề.

Cũng là một nghệ sĩ trẻ, tôi rất vui mừng khi nhận thấy Quốc hội, Nhà nước thực sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Sự có mặt của Nhạc sĩ Quốc Trung tại phiên thảo luận bàn tròn của Hội thảo là một sự cổ vũ, động lực rất lớn cho giới nghệ sĩ chúng tôi, đặc biệt là những nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Những ý kiến phát biểu của anh ấy cũng chính là những gì mà nghệ sĩ chúng tôi muốn nói lên. Và lần này, tiếng nói ấy đã chạm được đến cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước – Quốc hội. Tôi tin tưởng, những kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia sẽ được tiếp thu và cụ thể bằng những chính sách phù hợp tạo một động lực mới mạnh mẽ cho giới ngành văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng tiếp tục phát triển đúng hướng.

Nhạc sĩ Phạm Trang

Nhạc sĩ Phạm Trang: Một thực trạng tồn tại khá phổ biến trên thực tế thời gian qua ở nước ta, đó chính là vấn nạn vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, sách, hội họa... vẫn thường xuyên diễn ra. Trong ngành công nghiệp sáng tạo, âm nhạc là lĩnh vực bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất, sau đó đến lĩnh vực điện ảnh và xuất bản. Mật độ, cách thức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã đến mức trở thành “khuôn mẫu” trên thế giới, bởi có quá nhiều chiêu trò, biến hóa khiến các chủ thể quyền và giới sáng tạo phải bó tay.

Tình trạng vi phạm bản quyền đã khiến người sáng tạo và nhà sản xuất bị mất đi rất nhiều cơ hội thu về lợi ích, ảnh hưởng không nhỏ đến động lực sáng tạo. Chính vì vậy, chỉ khi chính sách bảo vệ quyền tác giả được thực thi tốt thì mới có thể giảm thiểu tình trạng vi phạm, đồng thời tạo được môi trường hưởng thụ văn hóa lành mạnh, văn minh, giàu tính nhân văn và thượng tôn pháp luật.

Tôi cho rằng, chính sách quyền tác giả giữ một vai trò hết sức quan trọng, không những nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền tác giả và tác phẩm văn hóa - nghệ thuật của những người sáng tạo, mà còn nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội, khuyến khích việc sáng tạo, phổ biến, chuyển tải các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật đến với công chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần vào chiến lược phát triển giáo dục xây dựng con người mới trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hội thảo Văn hóa 2022, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra vấn đề này và đưa ra nhiều giải pháp mới. Tôi mong rằng, đây sẽ là những giải pháp khả thi cao và sớm được áp dụng trong thực tiễn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn!

Thu Phương