CÔNG TÁC HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG VÀ PHÁT HUY HIỆU QUẢ

20/12/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Một trong 13 nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân. Trong năm 2022, nhiệm vụ này đã được tăng cường, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THỐNG NHẤT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HĐND

HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NĂM 2022 CỦA HĐND CÁC TỈNH PHÍA NAM

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ KỲ HỌP THỨ TÁM, HĐND TP.HỒ CHÍ MINH

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (thứ 2 từ trái sang) chủ trì Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố phía Nam năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tăng cường quan tâm hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, UBTVQH đã hướng dẫn việc tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân 07 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái, Ninh Bình về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân; Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk về quy trình thủ tục chuyển đại biểu HĐND cấp xã theo tập thể dân cư do tái định cư; Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận áp dụng pháp luật kỷ luật hành chính đối với nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hình thức xử lý kỷ luật đối với đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016-2021; Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh; Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về thẩm quyền của HĐND tỉnh trong quy định của pháp luật Đất đai.

Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022 tại 3 miền Bắc - Trung – Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp  thứ Tám, HĐND Tp.Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công Lãnh đạo Quốc hội tham dự, chỉ đạo tại nhiều Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các khu vực trong cả nước, cử đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân tại các tỉnh, thành phố. Cụ thể: Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ nhất tại Thành phố Đà Nẵng (ngày 06/3/2022); Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực Bắc Trung bộ lần thứ nhất tại tỉnh Thừa Thiên Huế (ngày 26/3/2022); Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất tại tỉnh An Giang (ngày 05/4/2022); Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ nhất tại tỉnh Hòa Bình (ngày 09/4/2022); Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực Đông Nam bộ tại tỉnh Bình Dương (ngày 21-22/4/2022); Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ tại tỉnh Ninh Bình (ngày 22-23/4/2022);… Đồng thời, đã chỉ đạo ban hành Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Một trong những điểm nhấn đặc biệt trong năm 2022 là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân có cơ sở, chủ động, tích cực, phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND với tỷ lệ 100% thành viên tán thành tại Phiên họp chuyên đề tháng 8/2022

Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân và chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Nguyên tắc hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân là: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định; Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; Được tiến hành thường xuyên, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; Báo cáo kết quả giám sát kịp thời và đúng thời hạn; Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Tại Nghị quyết cũng đưa ra tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; căn cứ vào chương trình kỳ họp, ỷ kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn theo các tiêu chí sau đây để đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định: Vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri quan tâm; Vấn đề đã được người bị chất vấn trả lời trực tiếp tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hoặc trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với nội dung trả lời; Vấn đề khác nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước hoặc qua khảo sát, giám sát phát hiện hạn chế, bất cập cần được chất vấn đề làm rõ và đưa ra những yêu cầu, giải pháp để kịp thời khắc phục;...

Người bị chất vấn được lựa chọn phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn. Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay. Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. 

Việc ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 113), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Điều 57), đảm bảo việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát là một trong hai chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân được thống nhất, chuẩn hóa, khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế. Đồng thời, Nghị quyết được ví như “cẩm nang” cho việc hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân một cách thuận lợi, tiện ích hơn./.

Lê Anh