TS. TRẦN CÔNG THẮNG: ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

21/12/2022

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (5/2023). Đây là dự án Luật phức tạp, có phạm vi tác động rộng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Góp ý vào dự thảo, TS. Trần CôngThắng, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển NNNT đề xuất sửa đổi chế độ sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)

TS. Trần CôngThắng cho biết, sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, đã đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia, từ một nước có một nền nông nghiệp lạc hậu vươn lên trở thành một nước có nền nông nghiệp hàng hóa, có vị trí đáng kể trong khu vực và trên thế giới. Lúa gạo là ngành hàng quan trọng của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Sản lượng lúa liên tục tăng từ 38,7 triệu tấn năm 2008 lên 43,85 triệu tấn năm 2021. Sản lượng lúa gạo bình quân đầu người của Việt Nam tương đối cao, đạt 445,1 kg/người/năm năm 2021, cao gấp 3,5 lần so với sản lượng lúa gạo bình quân đầu người của Ấn Độ (nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) và vượt qua Thái Lan (nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới). Với sản lượng lúa gạo hàng năm xấp xỉ 44 triệu tấn lúa, xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo, thuộc top 3 thế giới về xuất khẩu gạo, có thể thấy lúa gạo Việt Nam giữ vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cả thế giới. Vì thế, đất trồng lúa phải được quản lý chặt chẽ và đầu tư cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng

TS. Trần CôngThắng nhấn mạnh, Luật Đất đai 2013 đưa ra các quy định chặt chẽ về quản lý đất lúa như:  Điều 57 về Chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; Điều 58 về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa để thực hiện dự án đầu tư; Điều 191 về việc hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trước những đòi hỏi của thị trường và thực tiễn sản xuất; nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng đất lúa linh hoạt hơn, cho phép người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để lựa chọn phương án sản xuất hiệu quả nhất (ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương trên 40 tỷ đồng/năm). Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020, Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến năm 2020; trong đó, quy hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, giống phù hợp, thích ứng với BĐKH của các vùng sinh thái.

Lúa gạo giữ vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực 

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển đổi đất lúa, TS. Đinh CôngThắng nêu rõ, do: Tác động của Biến đổi khí hậu; Hội nhập và thương mại nông sản; Thay đổi thu nhập của hộ tiêu dùng;...

Trong đó, hiện tượng biến đổi khí hậu đã tác động nặng nề và ngày càng mạnh hơn đến sản xuất lúa gạo do nước biển dâng, hạn hán và lũ lụt. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, lũ lụt, hạn hán, quá nóng hoặc quá lạnh…), dịch bệnh gia tăng, năng suất cây trồng suy giảm. Những dự báo cho thấy, thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra có thể lên tới 3 - 5% GDP/năm trong thời gian tới. Do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn lúa và ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ XXI. Trong khi đó, năng lực chống chịu và thích ứng điều kiện mới và rủi ro của người nông dân ở khu vực nông thôn còn hạn chế và dễ bị tổn thương.

Đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nói riêng, chế độ sử dụng đất nông nghiệp nói chung trong thời gian tới để vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh lương thực gắn với sửa đổi Luật Đất đai, TS. Đinh CôngThắng kiến nghị:

Một là, cần thay đổi quan điểm “giữ đất lúa” sang “giữ đất nông nghiệp”: Thay đổi quan điểm từ duy trì 3,8 triệu ha đất lúa sang khuyến khích chuyển đổi phần diện tích đất lúa không hiệu quả sang các cây trồng mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Xem xét lại cân đối cung – cầu về dài hạn để có chiến lược cung hợp lý, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa xuất khẩu tốt, xét đến các nguồn lực tự nhiên như đất đai và nguồn nước ngày càng đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh.

Đồng thời, thay đổi quan điểm về an ninh lương thực từ “tự túc lúa gạo” sang quan điểm “tăng thu nhập và cải thiện dinh dưỡng cho người nông dân”

Quan điểm tập trung vào sản xuất lúa để đảm bảo tự túc lúa gạo không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi khái niệm an ninh lương thực không chỉ bao gồm tính sẵn có của lương thực mà còn bao gồm cả vấn đề dinh dưỡng, tiếp cận và khả năng chi trả.

Hai là, đề xuất thay đổi quy hoạch đất lúa phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh mới: Hiện nay, quan điểm về giữ đất lúa cũng đã được thay đổi. Cụ thể,  Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25-3-2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 nêu rõ, sử dụng linh hoạt quỹ đất trồng lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, giữ ổn định 3,5 triệu héc-ta đất trồng lúa, hằng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa. Nghị quyết cũng xác định việc giữ đất trồng lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế. Từ thực trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa một cách ồ ạt, không theo quy hoạch, cần tập trung một số vấn đề sau: Cần tập trung rà soát, phân định vùng trồng phù hợp; Hỗ trợ doanh nghiệp liên kết sản xuất- tiêu thụ với nông dân, bảo đảm sinh kế, lợi nhuận cho người trồng lúa;...

Ngoài ra, cho phép chuyển đổi một phần diện tích lúa gạo không hiệu quả sang cây con khác giúp tăng thu nhập cho người nông dân đồng thời thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và hài hòa với bối cảnh mới khi lượng tiêu dùng gạo sẽ giảm theo mức tăng thu thập, thị trường gạo bấp bênh và có xu hướng thu hẹp lại do những nước nhập khẩu gạo lớn, truyền thống của Việt Nam đều có chủ trương tự túc lương thực và giảm dần nhập khẩu.

Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Đồng thời hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu thu nhập, việc làm, tăng thu nhập cho người dân từ các nguồn khác nhau để tăng khả năng chi trả cho lương thực./.

Lê Anh

Các bài viết khác