CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC CHÍNH SÁCH DÂN TỘC NHẰM ĐÁP ỨNG TÍNH THỰC TIỄN

23/12/2022

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH 15, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh, khi triển khai các hoạt động, Hội đồng Dân tộc luôn chú trọng công tác giám sát, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để đánh giá kết quả xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước...

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC GIÁM SÁT LÀ KHÂU TRỌNG TÂM, THEN CHỐT TRONG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI TRONG GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Báo cáo về quá trình Hội đồng Dân tộc tổ chức thực hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong thời gian qua; phương hướng, tổ chức giám sát trong thời gian tới tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH 15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, trong thời gian qua, khi triển khai các hoạt động, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) luôn chú trọng công tác giám sát, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để đánh giá kết quả xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, xác định các vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, từ đó kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của đồng bào các dân tộc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ khóa XIV, HĐDT đã tổ chức 10 chuyên đề giám sát, khảo sát và đã có 112 kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội: 29; Chính phủ và các bộ, ngành: 54; địa phương: 29); nhiều kiến nghị của HĐDT đã được tiếp thu, xử lý như: Chính phủ đã sửa đổi ban hành Nghị định số 76/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 116/2010/NĐ-CP trên cơ sở tích hợp 03 Nghị định (Nghị định 116, Nghị định 61và Nghị định 642); Quốc hội có nghị quyết giao Chính phủ xây dựng, ban hành tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) theo trình độ phát triển.

Đặc biệt, qua theo dõi, giám sát và việc thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, HĐDT đã kiến nghị với UBTVQH, Quốc hội, Chính phủ và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao trong việc ban hành 02 nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120). Đây được xem là bước tiến mang tính lịch sử trong việc thực hiện khoản 5, Điều 70 Hiến pháp năm 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”. Đồng thời cùng với Nghị quyết số 24 (năm 2003) của Đảng, Nghị định số 05 (năm 2011) của Chính phủ về công tác dân tộc, 02 Nghị quyết của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện xây dựng, ban hành và thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc bảo đảm toàn diện, đồng bộ, thống nhất.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nêu rõ, cùng với các hoạt động giám sát đã được luật định trước đó (tham gia giám sát tối cao của Quốc hội; giám sát chuyên đề của UBTVQH và các Ủy ban của Quốc hội; giám sát, khảo sát chuyên đề, chất vấn, phiên giải trình theo chương trình của HĐDT) thì sang nhiệm kỳ khóa XV, việc tham gia giám sát các quy định có liên quan đến chính sách dân tộc ngay tử bước xây dựng luật và các dự thảo văn bản của HĐDT đã được luật hóa, bảo đảm các quy định liên quan đến chính sách dân tộc được ban hành đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và đồng bộ, thống nhất với các luật hiện hành có quy định liên quan đến chính sách dân tộc.

Một số kết quả chủ yếu thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc khóa XV

Đề cập một số kết quả chủ yếu thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc khóa XV, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh 5 nội dung chính.

Một là, việc giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Từ cuối năm 2021 đến tháng 5/2022, HĐDT tiến hành giám sát chuyên đề “Về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021”, kết quả giám sát đã báo cáo UBTVQH (Báo cáo số 458/BC-HĐDT ngày 16/6/2022). Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, qua giám sát, cùng với đánh giá về kết quả đạt được, ghi nhận Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật, Báo cáo giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đó là:

(1) Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực này nhưng chưa quy định cụ thể về cơ chế bảo đảm thực hiện các chính sách dân tộc (nhất là cơ chế về nguồn lực);

(2) Sự phân công, phối, kết hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, quyết định, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc chưa tạo được sự gắn kết và thống nhất, đồng bộ;

Toàn cảnh Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH 15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

(3) Các văn bản quy phạm pháp luật do nhiều chủ thể ban hành, chủ yếu là văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý thấp... chưa thể hiện rõ tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn; tính ổn định, tính dự báo và tính khả thi của một số chính sách dân tộc chưa cao. Việc bố trí kinh phí, nguồn lực thực hiện nhiều chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra. Chất lượng thực hiện các chính sách dân tộc còn chưa đồng đều, có nơi chưa hiệu quả (như chất lượng giáo dục, y tê ở vùng đồng bào DTTS&MN còn thấp...);

(4) Vẫn còn hiện tượng chậm hoặc chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tổ chức triển khai, thi hành luật nói chung và chính sách dân tộc nói riêng; đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thụ hưởng chính sách.

(5) Các quy định liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong các luật chuyên ngành thường quy định mang tính định hướng chính sách, như “ưu tiên”, “ưu đãi”, “khuyến khích”, “tạo điều kiện” đối với vùng DTTS&MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... nên rất khó cho việc thể chế hóa, áp dụng thực hiện.

Hai là, việc xây dựng các báo cáo liên quan đến chuyên đề giám sát văn bản quy phạm pháp luật

Hằng năm, HĐDT có báo cáo tham gia thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của HĐDT, xây dựng báo cáo tình hình giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc 6 tháng, hàng năm báo cáo UBTVQH. Trên cơ sở theo dõi thực hiện, HĐDT đôn đốc các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện theo nhiệm vụ đã được giao.

Ba là, việc giám sát kết hợp với hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề hằng năm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, năm 2022, Thường trực HĐDT đã tiến hành khảo sát, đánh giá tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả khảo sát cho thấy khi thực hiện Quyết định 861, có 406 xã, 6.954 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, dẫn đến người dân sinh sống trên địa bàn này không tiếp tục được hưởng các chính sách: (1) Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; (2) Hỗ trợ học sinh đến trường; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mâm non và giáo viên dạy trẻ mầm non; miễn giảm học phí...; (3) Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang… Đây là những chính sách an sinh xã hội quan trọng, thiết thực, trực tiếp tác động đến đời sống xã hội của người dân, dẫn đến người dân gặp rất nhiều khó khăn khi thay đổi chính sách (nhất là trong bối cảnh tác động to lớn của đại dịch Covid-19). Qua khảo sát, HĐDT đã có văn bản gửi đến các địa phương có đông đồng bào DTTS đề nghị có báo cáo, đánh giá tác động cụ thể của Quyết định 861, trên cơ sở đó, có kiến nghị với UBTVQH, Chính phủ để giải quyết, tháo gỡ.

Bốn là, việc tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và góp ý và các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, các cơ quan, bộ là ngành gửi đến lấy ý kiến

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, trong năm 2022, HĐDT đã tham gia thẩm tra 20 dự án luật, 03 pháp lệnh, 16 nghị quyết; tham gia ý kiến vào nhiều văn bản của các ca quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ gửi đến lấy ý kiến của HĐDT. Các ý kiến tham gia của HĐDT luôn bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và các luật hiện hành có quy định liên quan đến chính sách dân tộc nhiều ý kiến được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, ghi nhận.

Năm là, việc triển khai thực hiện Đề án “Nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013”

Theo tiến độ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, tháng 5/2023, HĐDT sẽ báo cáo với Đảng đoàn Quốc hội về kết quả xây dựng Đề án.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phương hướng, nhiệm vụ tổ chức giám sát của Hội đồng Dân tộc trong thời gian tới

Từ những phân tích nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới tập trung vào 3 nội dung chính:

Thứ nhất, bám sát nội dung Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của UBTVQH; sự chỉ đạo của UBTVQH và các quy định có liên quan để triển khai hoạt động giám sát hằng năm đạt hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc năm 2022, báo cáo UBTVQH trước ngày 20/3/2023 đúng theo quy định của Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và các Ủy ban của Quốc hội trong việc thực hiện, nhất là đối với các lĩnh vực liên quan đến chính sách dân tộc, công tác dân tộc (Tài chính - ngân sách, Kinh tế, Khoa học, công nghệ và môi trường, Văn hóa, giáo dục, Xã hội...) để tranh thủ sự giúp đỡ và khai thác các kết quả thực hiện của các Ủy ban có liên quan đến lĩnh vực dân tộc. Huy động sự tham gia có hiệu quả các chuyên gia, nhất là các đại biểu Quốc hội chuyên trách công tác tại các cơ quan của Quốc hội đã nghỉ hưu có am hiểu sâu sắc về pháp luật, chính sách dân tộc.

Thứ ba, trên cơ sở kết quả xây dựng Đề án đồng bộ hóa chính sách dân tộc và kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, HĐDT phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống văn bản, chính sách, pháp luật, quy định có liên quan đến lĩnh vực dân tộc; thường xuyên cập nhật, bổ sung các văn bản mới ban hành; hệ thống hóa các văn bản chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc bảo đảm đầy đủ, khoa học làm căn cứ cho việc nghiên cứu, tổ chức hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm đã để xuất, kiến nghị một số vấn đề sau:

Một là, đề nghị Quốc hội, UBTVQH:

(1) Chỉ đạo thể chế hóa khoản 5 Điều 50 của Hiến pháp năm 2013 Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước; (2) Trong quá trình hoàn thiện pháp luật, chỉ đạo quy định rõ trong luật, nghị quyết, pháp lệnh giao các cơ quan có trách nhiệm quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các chính sách “ưu tiên, ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện…” đối với vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (3) Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điểu chỉnh về lĩnh vực dân tộc.

Hai là, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

(1) Tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; đồng thời có biện pháp khắc phục đối với những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có nội dung chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, thể chế hóa các nội dung chính sách “ưu tiên”, “ưu đãi”, “khuyến khích”, “tạo điều kiện”... trong các quy định của luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khâu tổ chức thực hiện chính sách. Rà soát tổng thể các chính sách đối với DTTS, vùng DTTS&MN trong các luật, văn bản dưới luật..., bãi bỏ những quy định không còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung các chính sách có hiệu quả nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của các chính sách dân tộc.

(2) Kịp thời ban hành các văn bản còn thiếu, giải quyết các vướng mắc trong thực thi pháp luật để khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 của Quốc hội; bảo đảm cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với vùng đồng bào DTTS&MN;

(3) Chỉ đạo thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 75 của Hiến pháp năm 2013 “Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc”. Có văn bẳn hướng dẫn cụ thể quy định về nguyên tắc, quy trình lồng ghép vấn đề dân tộc trong xây dựng luật, văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra trong việc thực hiện đảm bảo chính sách dân tộc tại quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật./.

Bích Ngọc