NĂM 2025, CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT CHÍNH THỨC ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG

26/12/2022

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong hai năm 2023 và 2024 sẽ không còn ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nữa. Thay vào đó là tổ chức triển khai để năm 2025 là chính sách pháp luật phải áp dụng vào cuộc sống. Bộ sẽ có những văn bản để gắn trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thực hiện.

LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CẦN CÓ THÊM BÁO CÁO VỀ Ý KIẾN CỦA CỬ TRI, DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG VIỆC XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trong phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, như là ban hành, tổ chức thực hiện pháp luật, tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01/2019 (Theo Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn).


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh.

Tại Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh, vấn đề quản lý chặt chẽ chất thải rắn sinh hoạt, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt gây ra được các cấp, các ngành và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Cũng tại các địa phương, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt được các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục; chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày từng bước được nâng lên. Việc đầu tư hạ tầng thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý rác thải từng bước được cải thiện. Công tác truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, thu hút sự tham gia của các thành phần trong xã hội.

Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận sự nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng trong thời gian qua đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định pháp luật. Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống văn bản pháp quy về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp tục được hoàn thiện; tạo căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải rắn sinh hoạt thống nhất theo định hướng thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, thu hồi năng lượng, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với những kết quả đạt được nêu trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ và địa phương và thể hiện cụ thể tại báo cáo số 1090 và 1095 của Uỷ ban gửi đại biểu. Ủy ban đánh giá cao nỗ lực của các bộ, địa phương trong việc tổ chức thực hiện, thực thi trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt.


Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương chưa ban hành hoặc rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, cụ thể như: Chưa ban hành văn bản hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ bám sát với thực tiễn, chưa hướng dẫn cụ thể về phương pháp định giá dịch vụ xử lý, chưa rõ danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được khuyến khích, cơ chế khuyến khích các dự án đốt rác phát điện chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn; quy định pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn bất cập, thiếu các cơ chế cụ thể để khuyến khích cho các Nhà khoa học, các doanh nghiệp khối tư nhân yên tâm và có động lực để tham gia đầu tư vào công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia theo quy định pháp luật cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm, trong đó có nội dung định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn cấp vùng, cấp quốc gia, làm ảnh hưởng việc chủ động bố trí, thu hút nguồn lực đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải. Công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch các khu xử lý chất thải tập trung ở nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, đa số không đáp ứng yêu cầu mục tiêu quy hoạch đặt ra, do không có sự đồng thuận của người dân khu vực quy hoạch và thiếu sự tập trung lãnh đạo, quyết liệt đúng mức của chính quyền địa phương. Việc thực hiện quy định pháp luật đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, đặc biệt là đấu thầu cung cấp dịch vụ xử lý rác thải tại một số địa phương gặp khó khăn, vướng mắc…


Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng bày tỏ băn khoăn trong quản lý xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Quan tâm đến tính thống nhất trong quản lý xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến công tác này chưa đạt kỳ vọng là do chính sách, văn bản hướng dẫn thi hành được xây dựng bởi nhiều Bộ ngành, gây ra chồng chéo trong quá trình vận dụng, không quy được trách nhiệm, khó khắc phục được hạn chế. Trước thực tế này, đại biểu Nguyễn Chu Hồi đặt câu hỏi, có cần thống nhất quản lý về xử lý rác thải, cũng như xử lý chất thải rắn sinh hoạt không? Nếu cần thống nhất quản lý thì sẽ phải sửa đổi chính sách, văn bản pháp luật nào?

Với băn khoăn trên của đại biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương khẳng định “Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra nhiều chính sách mới về quản lý rác thải rắn sinh hoạt và cũng là mô hình phù hợp với các nước có trình độ phát triển”. Để triển khai chính sách trong Luật đòi hỏi Bộ chủ quản phải có hướng dẫn rất cụ thể cho địa phương liên quan đến phân loại rác tại nguồn, các điểm tập kết, trung chuyển… Tuy nhiên, đọc báo cáo về danh mục các văn bản đã ban hành thì chưa có các văn bản này, dự kiến đến năm 2023 mới ban hành xong các văn bản, tạo cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương.

Quy định tại khoản 1 Điều 79 và khoản 1 Điều 75 về thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt xác định việc này phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Do vậy, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải từ nguồn chậm so với yêu cầu. Trước tình hình đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ những khó khăn, thách thức trong ban hành văn bản hướng dẫn nội dung trên. Trong trường hợp các địa phương muốn áp dụng việc phân loại rác từ nguồn thì áp dụng theo văn bản hướng dẫn nào?

Giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trước khi Nghị quyết số 09/NQ-CP về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2019 được ban hành, việc phân công quản lý Nhà nước về rác thải được giao cho nhiều Bộ và chính quyền các tỉnh, thành phố thực hiện. Thế nhưng, sau khi có Nghị quyết 09 thì trách nhiệm, đầu mối quản lý đã rõ ràng hơn, đặc biệt Chính phủ đã giao trách nhiệm trực tiếp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Những việc nào Bộ Tài nguyên và Môi trường nỗ lực thực hiện được sẽ chủ động triển khai, vì Bộ quan niệm không phải thời điểm điều khoản có hiệu lực thi hành mới bắt đầu triển khai xây dựng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn triển khai. Việc xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường sẽ phải hoàn thành trong năm 2022, văn bản nào chưa ban hành sẽ phải ban hành hết. Trong hai năm 2023 và 2024 sẽ không còn ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, thay vào đó là tổ chức triển khai, năm 2025 là năm chính sách pháp luật phải đi vào cuộc sống. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những văn bản để gắn trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thực hiện./.

Bích Lan