SIẾT CHẶT HƠN ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KINH DOANH DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ TRONG DỰ THẢO LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

27/12/2022

Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho các hoạt động kinh tế - xã hội, thời gian gần đây, số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tăng đáng kể. Tuy nhiên, một số sai phạm trong hoạt động thẩm định giá cho thấy cần phải sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành. Theo đó, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được siết chặt hơn.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC NINH LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU SỬA ĐỔI, LUẬT GIÁ SỬA ĐỔI

Số lượng doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tăng nhanh.

Hoạt động của công ty thẩm định giá là cung cấp dịch vụ thẩm định giá cho xã hội, giống như hoạt động của các công ty cung cấp các dịch vụ như Kiểm toán; Luật sư; Công chứng; Đấu giá…

Theo báo cáo của Cục quản lý giá - Bộ Tài chính, tính đến tháng 6/2022, cả nước có 431 doanh nghiệp được cấp mã Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, trong đó chỉ có hơn 300 doanh nghiệp đủ điều kiện và đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Đến nay, Bộ Tài chính đã cấp 2.352 Thẻ thẩm định viên về giá, trong đó năm 2022 có 1.464 thẩm định viên đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá. Số liệu trên cho thấy số lượng doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận và Thẻ thẩm định viên về giá trong thời gian vừa qua tăng quá nhanh. Sau khoảng 13 năm, số lượng doanh nghiệp thẩm định giá được cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá tăng gấp gần 10 lần (431/44); Số Thẻ thẩm định viên đã cấp tăng gần 16 lần (2.352/148).

Vài năm gần đây, số lượng doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tăng nhanh.

Sau khi áp dụng quy định mới tại Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/2/2022, Bộ Tài chính đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của 123 doanh nghiệp, trong đó riêng năm 2022 thu hồi 39 doanh nghiệp, đồng thời đình chỉ kinh doanh 68 lượt doanh nghiệp.

Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho các hoạt động kinh tế - xã hội, trong vài năm gần đây số lượng các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, một số sai phạm trong hoạt động thẩm định giá gần đây cho thấy cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá để có thể nâng cao chất lượng của hoạt động thẩm định giá vốn dĩ rất quan trọng trong hoạt động pháp triển kinh tế - xã hội hiện nay ở Việt Nam.

Siết chặt hơn điều kiện cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ thẩm định trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Nhằm kịp thời sửa đổi, khắc phục những vướng mắc về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5 có nhiều quy định cụ thể hơn về nội dung này. Theo đó, dự thảo luật dành Mục 2, chương V về dịch vụ thẩm định giá (từ Điều 48 đến Điều 65), quy định về: Thẻ thẩm định viên về giá; Đăng ký hành nghề thẩm định giá; Thẩm định viên về giá; Quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá; Doanh nghiệp thẩm định giá; Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá;  Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá…

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội góp ý vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, dự thảo Luật Giá (sửa đổi), các điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được siết chặt hơn nhiều so với quy định của Luật Giá hiện hành. Tại Điều 53, doanh nghiệp khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải có 5 người có thẻ thẩm định viên về giá (quy định của Luật Giá năm 2012, chỉ yêu cầu 3 người có thẻ thẩm định viên về giá) đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp. Chi nhánh của doanh nghiệp thẩm định giá phải có ít nhất 03 thẩm định viên về giá (quy định tại Luật Giá 2012 chỉ yêu cầu có 02 người) độc lập với doanh nghiệp thẩm định giá và các chi nhánh khác.

Băn khoăn về tình trạng có không ít doanh nghiệp thẩm định giá cũng như thẩm định viên về giá thiếu kinh nghiệm hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp vì lợi ích trước mắt mà gian dối, câu kết với khách hàng, làm sai lệch hồ sơ để thổi giá cao hoặc hạ thấp giá trị một cách bất thường, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất sửa đổi theo hướng: khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá doanh nghiệp phải có ít nhất 5 thẩm định viên về giá đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 48 luật này đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa.

Lý do được đại nêu ra là tránh việc mượn danh, thuê thẻ khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Đồng thời, đề xuất điều chỉnh từ "người có thẻ thẩm định viên về giá" thành "thẻ thẩm định viên về giá", theo đó yêu cầu điều kiện sẽ được sửa tương ứng Điều 47 thành Điều 48 của dự thảo luật.

Quy định cụ thể nâng cao chất lượng thẩm định viên về giá.

Góp ý vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý kiến khẳng định, để nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá, nâng cao chất lượng cảu thẩm định viên về giá  đóng vai trò quan trọng. Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định thẩm định giá là một nghề chuyên biệt đòi hỏi có kiến thức tổng hợp liên quan đến rất nhiều chuyên ngành khác nhau cũng như những am hiểu đời sống xã hội để đưa ra những cơ sở lượng hoá giá trị của đối tượng định giá. Người làm nghề thẩm định giá ngoài kiến thức chuyên môn về thẩm định giá cần phải có sự am hiểu chuyên sâu về tài sản thẩm định giá.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, việc phân cấp các loại thẻ thẩm định viên về giá là rất cần được quy định trong luật, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như chất lượng thẩm định viên về giá; đồng thời giúp có quan quản lý có thể dễ dàng quản lý các thẩm định viên về giá hơn.

Đại biểu đề xuất Luật Giá sửa đổi nên quy định phân loại thành nhiều loại thẻ hành nghề thẩm định giá như: Thẩm định viên thẩm định giá bất động sản; Thẩm định viên thẩm định giá trị doanh nghiệp; Thẩm định viên thẩm định giá tài sản là động sản; Thẩm định giá tài sản vô hình.

Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu áp dụng để việc quản lý thẩm định viên dễ dàng hơn đồng thời thẩm định viên cũng luôn có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn để đạt mức độ chuyên gia cao cấp nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp này. Do vậy, có thể dựa vào kinh nghiệm và trình độ thẩm định viên để chia thành: Trợ lý Thẩm định viên và Thẩm định viên cao cấp.

Đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người thẩm định giá.

Trong khi đó, đại biểu Khương Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng đối với những nội dung thẩm định giá và doanh nghiệp thẩm định giá, dự thảo luật có một nội dung rất cơ bản, đó là thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa, gồm thẩm định giá về tài sản, thẩm định giá về định giá doanh nghiệp nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng thẩm định viên theo lĩnh vực chuyên sâu.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét việc quy định tăng số lượng thẩm định viên giá để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với doanh nghiệp là 5 người và đối với chi nhánh là 3 người quy định tại Điều 51, 52 của dự thảo luật. Việc tăng số lượng không phải là điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ mà làm tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người thẩm định giá.

Quy định tại Điều 47 của dự thảo luật quy định về đăng ký hành nghề thẩm định giá yêu cầu phải có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá từ 36 tháng trở lên sẽ hạn chế sự phát triển của nguồn nhân lực thẩm định giá. Nhưng theo đại biểu Khương Thị Mai muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, người hành nghề cần vượt qua kỳ thi về kiến thức chuyên môn theo quy định, không nên quy định yêu cầu ràng buộc phải có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá từ 36 tháng trở lên.

Hơn nữa, sinh viên hiện nay đang học tại các trường đại học vẫn có thời gian làm bán thời gian tại các doanh nghiệp. Những người có chuyên môn sâu về tài chính, đầu tư về ngân hàng, chứng khoán đều có thể trở thành thẩm định viên giá giỏi nhưng chưa có thời gian về làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá. Vì vậy, luật nên hướng tới quy định nội dung nâng cao chất lượng kỳ thi thẩm định viên về giá để đánh giá đúng người có chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp thay vì hạn chế người được tham gia./.

Lan Hương