QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 27/12/2022
* Chiều 28/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Văn phòng Quốc hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã xem video clip tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Công đoàn Văn phòng Quốc hội năm 2023 và 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2022.
Theo đó, năm 2022, với khối lượng công việc thực hiện rất lớn, yêu cầu cao về chất lượng, gấp về tiến độ, có sự biến động về số lượng cán bộ, công chức nhưng với tinh thần chủ động, đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao, Văn phòng Quốc hội đã tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, phục vụ theo đúng tiến độ, chương trình, kế hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ DỰ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2022, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2023 CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
* Chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác Đảng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Văn phòng Quốc hội, Phó Bí thư Chi bộ Văn hoá, Giáo dục, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Vũ Minh Đạo cho rằng, giáo dục chính trị, tư tưởng là công tác quan trọng, then chốt trong công tác Đảng.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, Chi bộ Văn hóa, Giáo dục đã không ngừng đổi mới phương thức tổ chức việc học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị và quy định của Đảng và tăng cường nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, Đảng viên; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Xem nội dung chi tiết tại đây: GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG LÀ CÔNG TÁC QUAN TRỌNG, THEN CHỐT TRONG CÔNG TÁC ĐẢNG
* Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo số 1894/TTKQH-TK về việc triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Thông báo nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Quốc hội họp trù bị vào chiều ngày 4/01/2023, khai mạc vào thứ Năm, ngày 5/01/2023 và dự kiến bế mạc vào thứ Hai, ngày 9/01/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TRIỆU TẬP KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ HAI QUỐC HỘI KHÓA XV: QUỐC HỘI HỌP TẬP TRUNG ĐỂ XEM XÉT QUYẾT ĐỊNH 5 NHÓM NỘI DUNG QUAN TRỌNG, CẤP BÁCH
* Sáng 28/12, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên họp tổng kết công tác năm 2022 và dự kiến công tác năm 2023. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đánh giá cao những hoạt động của Ủy ban; các hoạt động, giám sát, khảo sát của Ủy ban trong năm qua vừa rộng, nhưng cũng vừa cụ thể trong các lĩnh vực. Trong bối cảnh công nghệ số, vai trò của văn hóa, giáo dục ngày càng quan trọng, các ý kiến tại cuộc họp đề nghị Ủy ban làm sao thống nhất quan điểm của toàn xã hội qua hệ thống luật pháp trong các lĩnh vực này; quan tâm hơn tới giáo dục mầm non, việc phân luồng trong giáo dục…
Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC TỔNG KẾT CÔNG TÁC 2022
* Sáng 28/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tiếp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Jeju (Hàn Quốc) Kim Kyung-hak đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh mong muốn thời gian tới thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư...
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá rất cao chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch HĐND tỉnh Jeju, chỉ sau một thời gian rất ngắn gặp nhau tại Jeju với những nội dung trao đổi. Chuyến thăm này đã thể hiện cam kết của ông Kim Kyung-hak trong việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Việt Nam.
Về phần mình, bày tỏ niềm vui lớn khi được gặp lại Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh và cảm ơn bà đã dành thời gian quý báu đón tiếp Đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh Jeju Kim Kyung-hak cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc đã có mối quan hệ hợp tác và tình bạn hữu nghị lâu đời trong quá khứ, đồng thời nhấn mạnh, đây chính là thời kỳ để quan hệ ngoại giao giữa hai nước và quan hệ ngoại giao giữa các địa phương với nhau dựa theo những thành tựu đó tiếp tục phát triển hơn nữa.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ THANH: THÚC ĐẨY QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN GIỮA VIỆT NAM - HÀN QUỐC
* Một trong những dấu ấn nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2022 là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Các nội dung được lựa chọn tại phiên chất vấn đã đúng và trúng vấn đề nóng, phản ánh sát diễn biến thực tế đời sống và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Cổng TTĐT Quốc hội giới thiệu một số điểm nhấn trong hoạt động chất vấn tại Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Xem nội dung chi tiết tại đây: HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI NĂM 2022: THỰC TẾ - THIẾT THỰC - TÂM HUYẾT - THẲNG THẮN - TRÁCH NHIỆM CAO
* Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Quốc hội điện tử tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Campuchia, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần phát huy cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là với một số nước có công nghệ tiên tiến và có mối quan hệ chặt chẽ.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để có cơ sở vững chắc cho việc triển khai Quốc hội điện tử, cần sớm tổ chức xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển Quốc hội điện tử hướng tới Quốc hội số trong đó xác định tầm nhìn, mục tiêu, yêu cầu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo lộ trình, đảm bảo việc thực hiện được đồng bộ, kế thừa, kết nối, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn trong thời gian tới Quốc hội Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục trao đổi thêm kinh nghiệm xây dựng Quốc hội điện tử.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÁT HUY CƠ CHẾ HỢP TÁC SONG PHƯƠNG TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ
* Thảo luận tại Hội thảo "Trao đổi kinh nghiệm giữa Cơ quan lập pháp hai nước", do Quốc hội Việt Nam và Quốc hội, Thượng viện Campuchia tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng cần hợp tác, thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý lũ lụt và hạn hán, giảm nhẹ thiên tai và quản lý tài nguyên nước giữa Việt Nam – Campuchia.
Bên cạnh các kết quả đạt được, tại Hội thảo, các đại biểu chỉ ra rằng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ. Cụ thể, thiếu quy hoạch xuyên biên giới về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên khu vực lưu vực sông Mê Kông. Việc phối hợp giữa các tỉnh biên giới trong phát triển hệ thống hạ tầng sử dụng nước trên lưu vực sông chưa đồng bộ, các hệ thống của các nước đang phát triển theo các mục tiêu khác nhau...
Xem nội dung chi tiết tại đây: THÚC ĐẨY TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIỮA VIỆT NAM – CAMPUCHIA
* Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 tới. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật này, TS.Nguyễn Văn Tuân - Hội Luật gia Việt Nam nêu quan điểm: Cần xác định đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội là ai cũng như xác định rõ mối liên hệ và có sự phân biệt giữa nhà ở xã hội với nhà ở thương mại và nhà ở công vụ...
Ngoài ra, TS.Nguyễn Văn Tuân đề nghị làm rõ khái niệm “sở hữu” trong điều về phạm vi điều chỉnh nói riêng và trong dự thảo Luật Nhà ở nói chung. Việc sử dụng các cụm từ “sở hữu”, “sở hữu nhà ở” và “quyền sở hữu nhà ở” đã phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về “quyền sở hữu” và “hình thức sở hữu” chưa?
Xem nội dung chi tiết tại đây: TS.NGUYỄN VĂN TUÂN: CẦN XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC THỤ HƯỞNG NHÀ Ở XÃ HỘI TRONG DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)
* "Hội thảo Văn hoá 2022" do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục phối hợp tổ chức đã tạo nên những góc nhìn đa chiều về văn hoá. Trong đó, để bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa dân gian, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, thể chế chính là vấn đề mấu chốt.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, chỉ cần thay đổi thể chế, cơ chế quản lý, từ một nước nghèo đói, thiếu ăn Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới; từ cơ chế kinh tế tập trung, kế hoạch hóa, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, hiệu suất lao động thay đổi hẳn. Vẫn những con người ấy, công cụ lao động ấy, nguồn lực ấy, nhưng khi sức lao động được giải phóng, năng lực sáng tạo được khơi thông, thì mọi điều đều có thể xảy ra...
Xem nội dung chi tiết tại đây: GS.TS TỪ THỊ LOAN: THỂ CHẾ - MẤU CHỐT BẢO VỆ, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA DÂN GIAN
* Sáng 28/12, tại Sở Y tế, Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình do đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận tập trung vào các vấn đề như: Quản lý, kiểm tra, sử dụng nguồn huy động trong công tác phòng chống dịch; việc phân bổ, sử dụng vắc xin phòng COVID-19; vấn đề quản lý, sử dụng kít test, trang thiết bị y tế; chế độ, chính sách cho lực lượng phục vụ chống dịch; trang thiết bị y tế; vấn đề thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành; thu phí dịch vụ xét nghiệm...
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH NINH BÌNH GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI SỞ Y TẾ
* Ngày 28/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên do bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn thực hiện giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/217/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Điện Biên Phủ.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã trao đổi những nội dung như: Điều kiện ăn ở, học tập của học sinh bán trú người dân tộc thiểu số; chất lượng giáo dục của học sinh sau khi triển khai Chương trình GDPT 2018; nguồn kinh phí từ ngân sách, nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chương trình GDPT 2018; chất lượng, số lượng giáo viên giảng dạy môn tự chọn (mỹ thuật, âm nhạc)...
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐIỆN BIÊN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK TẠI TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN
* Ngày 28/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An gồm ông Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đến trao quà tết cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng. Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Hưng Nguyễn Thành Phương cùng tham gia với đoàn.
Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Tân Hưng nói chung, xã Thạnh Hưng nói riêng nhân dịp tết đến, xuân về. Qua đó, giúp các đối tượng có thêm điều kiện để vui xuân, đón Tết Cổ truyền của dân tộc.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH LONG AN TẶNG QUÀ TẾT CHO ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH TẠI HUYỆN TÂN HƯNG