ĐẠI BIỂU TRẦN VĂN LÂM: NĂM 2023 CẦN ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT
Năm 2022, kiềm chế lạm phát dưới 4%, hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. GDP bình quân đầu người năm 2022 của Việt Nam ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ số quan trọng liên quan đến lạm phát cũng vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Theo đó, chỉ số CPI tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước nhưng tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo quy luật biến động giá cả hàng năm, mặt bằng giá giai đoạn gần Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, năm nay, chỉ số giá tiêu dùng quý IV/2022 giảm cho thấy có những nhân tố quan trọng tác động đến lạm phát và hoạt động mua sắm để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán của người dân vẫn chưa thực sự sôi động. Hơn nữa, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI tháng 12 giảm nhẹ so với tháng trước.
Năm 2022, tại các Kỳ họp Quốc hội, các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã gợi mở, đề xuất nhiều chính sách để Chính phủ điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Như vậy, với các giải pháp nhằm theo sát thị trường, nắm bắt nhanh nhạy, điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã kiểm soát lạm phát dưới 4% theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Có được những con số ấn tượng trên, bên cạnh sự điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới đồng hành, chia sẻ, kịp thời ban hành thể chế; sửa đổi, bổ sung thể chế; giám sát, ban hành những chính sách quan trọng để Chính phủ đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Trong đó, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường để ban hành 1 luật sửa 9 luật; ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… nhanh chóng, kịp thời.
Quốc hội cũng giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề đặc cách, đặc thù, đặc biệt khác với Luật trong thời gian Quốc hội không họp. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành các nghị quyết về giảm thuế báo vệ môi trường đối với xăng dầu và mỡ nhờn đã góp phần giảm bớt sự tăng giá xăng dầu trong nước do giá xăng dầu thế giới tăng, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 Nghị quyết theo uỷ quyền của Quốc hội, có những vấn đề khác luật, có những vấn đề chưa được luật quy định thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cùng triển khai. Có những vấn đề Chính phủ đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí họp ngay, thậm chí là buổi tối họp, họp trực tuyến để kịp thời ban hành. Đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. "Từ cách làm này có thể là bài học tạo sự lan tỏa xuống địa phương để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND và UBND", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Đại biểu Tô Văn Tám Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đánh giá cao Chính phủ đã điều hành linh hoạt, chủ động tạo được kết quả đáng ghi nhận. Điểm sáng đáng chú ý đó là tăng trưởng kinh tế đạt trên 8%, vượt mục tiêu đề ra là 6-6,5%; 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt; kiểm soát được lạm phát; thành quả giảm nghèo được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt, công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính vẫn được coi là một đột phá chiến lược quan trọng. Công tác này luôn được Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trên tinh thần từ sớm, từ xa. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 và 17 văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo khung pháp lý tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023, áp lực lạm phát vẫn rất lớn, đòi hỏi Chính phủ điều hành thận trọng, linh hoạt.
Nhận định xu hướng giá cả năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, áp lực lạm phát còn rất lớn. Nguyên nhân là diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga - Ucraina vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Bên cạnh đó, năm 2023 một số sắc thuế hết hiệu lực; thực hiện tăng lương cơ sở từ tháng 7/2023; khởi công một loạt dự án lớn… sẽ làm giá cả một số mặt hàng tăng lên, đặc biệt là xăng dầu. Vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023.
Để đạt được mục tiêu Quốc hội giao năm 2023: tăng trưởng kinh tế đạt là 6,5%, lạm phát dưới 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với việc hỗ trợ phục hồi kinh tế và tăng lương, tăng thu nhập, Chính phủ cần đẩy mạnh kiềm chế lạm phát và nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường, đồng thời kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tài sản công. Cần triển khai ngay các chủ trương, chính sách khuyến khích xây và bán, trả góp, cho thuê mua nhà ở cho người thu nhập thấp, trước mắt ưu tiên cho người lao động, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức chưa có nhà ở, qua đó bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền kinh tế và khu vực công.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh.
Lo ngại áp lực lạm phát có xu hướng tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2023 do hàng hóa, dịch vụ tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều ý kiến cho rằng, kinh nghiệm của các quốc gia hiện nay cho thấy, nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì lạm phát sẽ trở thành rào cản ngược đối với tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh quan ngại trước tình trạng nhiều quốc gia đã vượt đỉnh lạm phát trong vòng 30 đến 40 năm qua. IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 4,7 % lên 8,8% năm 2022. Khi lạm phát tăng cao, buộc các nước phải uống liều thuốc đắng, đó chính là tăng lãi suất điều hành. Đã có hơn 90 ngân hàng trung ương trên các nước tăng lãi suất, từ đó tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng. IMF dự báo kinh tế sẽ suy giảm và có khả năng suy thoái trên thế giới.
Giá cả xăng, dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, vì vậy để kiềm chế lạm phát ở Việt Nam, vì vậy đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng, dầu, như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để chúng ta kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.
Cùng mối quan tâm giá xăng dầu trong năm 2023, đại biểu Chu Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ tiếp tục có các biện pháp kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá xăng, dầu, vật tư nông nghiệp và giá các loại hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, tăng cường hơn nữa việc đảm bảo tự chủ về nguồn nguyên vật liệu trong nước.
Đại biểu Chu Hồng Thái nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, việc chủ động về nguồn lương thực, thực phẩm và nguồn nguyên liệu, vật tư trong nước cũng sẽ góp phần giảm lạm phát. Song song với đó, cần có biện pháp để tránh tình trạng khi giá xăng, dầu tăng kéo theo các mặt hàng khác tăng theo, nhưng khi giá xăng, dầu được hạ xuống thì các mặt hàng khác lại “nằm yên bất động”, gây khó khăn cho đời sống của Nhân dân. Nhất là năm 2023 Chính phủ tăng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lại là lý do để các mặt hàng khác tăng theo, khiến cho chính sách tăng lương cơ sở có thể sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và đặc biệt là đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhưng không được chủ quan với rủi ro lạm phát./.