KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2: QUỐC HỘI SẼ XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 -2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

03/01/2023

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nội dung quan trọng dự kiến được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Đây là vấn đề cấp thiết, cần được Quốc hội sớm quyết định nhằm góp phần cụ thể hóa và triển khai thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua.

TRIỆU TẬP KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ HAI QUỐC HỘI KHÓA XV: QUỐC HỘI HỌP TẬP TRUNG ĐỂ XEM XÉT QUYẾT ĐỊNH 5 NHÓM NỘI DUNG QUAN TRỌNG, CẤP BÁCH

Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 5/1/2023

Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 5/1/2023 và dự kiến bế mạc ngày 9/1/2023. Quốc hội tiến hành họp tập trung tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.

Theo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định 05 nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, đồng thời góp phần hóa giải được những mâu thuẫn, khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. 

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Quy hoạch, phạm vi nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.

Quan tâm tới nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho rằng, tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này là vô cùng kịp thời, cần thiết.

Theo đại biểu, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, góp phần cụ thể hóa và triển khai thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua. Đây là nhiệm vụ rất phức tạp và cấp bách; là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém lâu nay trong công tác quy hoạch, đặc biệt là tình trạng tổ chức không gian phát triển còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ nét các vùng động lực và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Đại biểu tỉnh Đồng Tháp khẳng định, việc sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ là cơ sở quan trọng để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Tán thành với sự cần thiết phải sớm xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lân thứ hai, PGS.TS Doãn Hồng Nhung – Giảng viên cao cấp, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện khá đa dạng trên thế giới. Với các nước có trình độ phát triển khác nhau thì phạm vi, nội dung.... cũng được tập trung vào những yêu cầu khác nhau nhưng về cơ bản đều có những nguyên tắc chung.

Theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung lập Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bám sát vào Kết luận số 45-KL/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đồng thời, dựa trên các căn cứ về pháp lý như: Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15/6/2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018; Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030;..../.

Lê Anh