CHẤN CHỈNH BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THEO HƯỚNG TINH, GỌN, CÓ ĐỦ NĂNG LỰC THỂ CHẾ HÓA ĐƯỜNG LỐI, CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG

10/01/2023

Bàn về vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội bằng công tác tổ chức cán bộ, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng nhiệm vụ đặt ra với Quốc hội là kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là tăng cường công tác lập pháp, đổi mới quy trình ban hành luật để thể chế hóa đúng đắn và đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng.

Bàn về vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội bằng công tác tổ chức cán bộ, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Đại hội VI của Đảng đánh dấu sự đổi mới trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, trong đó có quan điểm đổi mới về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Báo cáo chính trị của Đại hội VI chỉ rõ: “Nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Nêu cao vị trí và vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tạo điều kiện cho các cơ quan dân cử thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Hiến pháp quy định. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và quản lý xã hội bằng pháp luật... Chấn chỉnh bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh, gọn, có đủ năng lực thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách cụ thể”.

Báo cáo chính trị tại Đại hội IX của Đảng đã đề cập thêm một nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội là quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiệm vụ đặt ra với Quốc hội là kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là tăng cường công tác lập pháp, đổi mới quy trình ban hành luật. Quốc hội cần làm tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, quyết định và phân bổ ngân sách nhà nước, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội đã thực hiện nhiều quy trình chặt chẽ nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội và công tác tổ chức cán bộ của Quốc hội. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn những nhiệm kỳ vừa qua, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội về công tác tổ chức cán bộ theo hướng, trước mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội xây dựng đề án công phu về các nội dung lớn của cuộc bầu cử, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến; đồng thời, triển khai nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị về đề án bầu cử. Tuy nhiên, Đảng không làm thay, cụ thể là không ấn định về cơ cấu đại biểu, không quy định cơ cấu “cứng” phân bổ cho cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, đổi mới công tác cán bộ, lựa chọn người đủ đức, đủ tài tham gia vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhân sự cấp chiến lược phải chịu trách nhiệm trước Đảng về thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tức là gắn việc lựa chọn nhân sự cấp chiến lược với thực hiện chính sách; nói cách khác là tích hợp phương thức lãnh đạo bằng công tác cán bộ với phương thức lãnh đạo bằng chính sách. Nhân sự cơ cấu vào các ủy ban của Quốc hội như hiện nay về cơ bản là phù hợp, bảo đảm sự kết nối giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm có 3 cơ quan giúp việc về các lĩnh vực công tác đại biểu, dân nguyện, lập pháp. Đặc biệt, Ban Công tác đại biểu làm tốt công tác tham mưu, việc phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân đi vào nền nếp; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Trong thời gian qua, Đảng đã lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Quốc hội, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các cơ quan của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thẩm tra các dự án luật, nghị quyết và các báo cáo, dự án khác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; thực hiện các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, cần có cơ chế tăng cường vai trò, sự tham gia của Đảng đoàn Quốc hội và tổ chức đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội từ sớm, từ xa trong tham mưu với Đảng để quyết định chủ trương, đường lối, chính sách; có quy định về sự phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và cơ quan trình nội dung nghị quyết ra Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm tạo sự đồng thuận trong hoạt động của Quốc hội. Đề cao vai trò của Bí thư, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả hoạt động của Quốc hội, mở rộng thêm phạm vi đánh giá và cụ thể hóa bằng việc đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách mà Đảng đã hoạch định.

Cùng với đó, cần đổi mới phương thức lãnh đạo qua các tổ chức đảng trong Quốc hội, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội đồng Dân tộc và 9 ủy ban thông qua các tổ chức đảng tại đây. Hội đồng Dân tộc và các ủy ban có thường trực, gồm chủ tịch/chủ nhiệm, phó chủ tịch/phó chủ nhiệm và ủy viên hoạt động chuyên trách. Cần sớm hoàn thiện tổ chức đảng trong Quốc hội để gắn kết, quản lý chặt chẽ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định rõ vai trò của tổ chức đảng ở Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong lãnh đạo cơ quan tương ứng của Quốc hội; có mô hình tổ chức đảng đặc thù trong Quốc hội khi tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Đối với việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội bằng công tác vận động, tuyên truyền, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, Quốc hội thông qua cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là vận động nhân dân thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đảng chú ý lắng nghe ý kiến, tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân. Để đổi mới hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng bằng công tác vận động, tuyên truyền, mỗi đảng viên tham gia Quốc hội phải ra sức rèn luyện đạo đức gắn với học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là về phát huy sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc,... để có phương pháp đúng đắn, hiệu quả trong việc vận động, tập hợp quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Đại biểu Quốc hội là cầu nối giữa cử tri và Quốc hội, lắng nghe tiếng nói của cử tri về những vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, tập hợp những ý kiến đó, chuyển tải đến Đảng; đồng thời, tập hợp, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thứ ba, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, hội đồng, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội có nhiệm vụ tham vấn minh bạch đối với nhu cầu, ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân về các chủ trương, đường lối và chính sách, đánh giá tác động của chính sách, pháp luật trong chương trình pháp luật, đánh giá thực hiện chính sách, tác động chính sách; từ đó, tham mưu với Đảng hoạch định “đúng” và “trúng”, kịp thời những vấn đề phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trong bối cảnh mới.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng nhấn mạnh, công tác dân nguyện không chỉ tham mưu thực hiện tốt công tác dân nguyện của Quốc hội, mà còn chủ động tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn, thư của công dân, đi sâu phân tích, đánh giá kiến nghị cử tri, đôn đốc các cơ quan giải quyết kiến nghị của cử tri; từng bước khắc phục được tình trạng chuyển đơn, thư qua lại giữa các cơ quan của Quốc hội, thực hiện khẩn trương, hiệu quả hơn việc trả lời và thực hiện kiến nghị của cử tri. Chú trọng nắm bắt tâm tư, ý chí, nguyện vọng của nhân dân về các chủ trương, đường lối, chính sách, thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời chuyển tải đến các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ngoài ra, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng cần thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội cần phải ra sức học tập đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thực hiện “nói đi đôi với làm”, trở thành tấm gương sáng trong cơ quan và bên ngoài xã hội; từ đó, tạo uy tín, sức hút tự nhiên đối với các tầng lớp nhân dân trong xã hội./.

Minh Hùng