GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN QUYẾT LIỆT TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TÀI CHÍNH

13/01/2023

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận về bổ sung dự toán nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; Bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021; Điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương. ác đại biểu cho rằng, cần quyết liệt tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính.

QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ, tại hội trường về nội dung điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Theo đó, giữa Kỳ họp bất thường, Chính phủ đã trình trình Quốc hội việc 24/54 địa phương đề xuất chuyển nguồn 5.016 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19 là đã được bố trí trong dự toán để chi cho phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Cụ thể, Chính phủ đề nghị tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2022 của 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng; tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn thêm 33,7 tỷ đồng để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn. Chính phủ cũng đề xuất bổ sung dự toán Ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) số tiền 14.713,5 tỷ đồng, trong đó phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ cho phòng chống dịch Covid-19 là 11.360,4 tỷ đồng; phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ khác là 3.353,1 tỷ đồng.

Một nội dung khác được đề xuất là giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền 2.268,3 tỷ đồng (trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng) và tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ tài chính (trong đó, Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng). Đồng thời cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.

Tại phiên thảo luận hội trường về nội dung này, đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Các đại biểu chỉ rõ, theo quy định tại Điều 19 của Luật Ngân sách nhà nước, Quốc hội có thẩm quyền điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước. Do vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước là đúng thẩm quyền.

Một số đại biểu phân tích, Nghị quyết số 129/2020/QH14 đã cho phép kéo dài tiếp tục thực hiện đến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương; do đó, trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì hiện nay có đủ căn cứ pháp lý để Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tiếp tục được hưởng cơ chế tài chính đặc thù. Trong điều kiện các dự án đầu tư của Bộ Tài chính đang thiếu vốn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, việc điều chỉnh, bố trí vốn để thực hiện các dự án của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan là cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương băn khoăn về thời gian giải ngân đối với việc điều chỉnh vốn vay lại năm 2022 của các địa phương. Đại biểu cho biết, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ trường hợp được Quốc hội cho phép, đề nghị Chính phủ rà soát khẩn trương triển khai thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và khả năng giải ngân trong thời gian chỉnh lý ngân sách năm 2022 đúng quy định của pháp luật. Song, thời gian chỉnh lý ngân sách hàng năm theo Thông tư số 85/2017 của Bộ Tài chính quy định kết thúc vào 31/1 năm sau.

Theo đại biểu, kể từ phiên thảo luận đến ngày 31/1/2023 chỉ còn 22 ngày, các địa phương chỉ còn 9 ngày nữa để giải ngân hết toàn bộ số vốn được điểu chỉnh tăng dự toán, điều này là khó khả thi. Nếu không kịp thì mục tiêu của việc điều chỉnh là tạo điều kiện cho các địa phương sẽ không còn ý nghĩa.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ đồng tình với việc bổ sung dự toán ngân sách, do yêu cầu về nguồn viện trợ không hoàn lại để phòng chống dịch bệnh xuất phát từ điều kiện thực tiễn của đất nước. Về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu nguyên nhân có những địa phương vay dư vốn, phải trả lại, còn có những địa phương vay thiếu vốn. Đại biểu cho rằng, cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, để có thể rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan là hai đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, cùng góp phần thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành, điều hòa ngân sách. Đại biểu đề nghị cần giải thích rõ tại sao giao chỉ tiêu xây dựng cơ bản cho hai đơn vị này thấp hơn Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng lại giao chỉ tiêu chi thường xuyên rất cao. Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính cần giải trình rõ vấn đề này.

Đối với việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, một số đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, thống nhất số liệu với Kiểm toán nhà nước trước khi đề xuất bổ sung dự toán thu, chi nguồn viện trợ không hoàn lại và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu. Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát chính xác số liệu, cập nhật kịp thời, làm rõ các nội dung chi cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch và xem xét trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, kéo dài việc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu, chi theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu số liệu điều chỉnh tăng, giảm dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; bảo đảm tổng mức bội chi của ngân sách địa phương không tăng, dư nợ của từng địa phương đúng trong hạn mức theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc tổng hợp kiến nghị của các các địa phương chậm, chưa tổng hợp đầy đủ, kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính việc điều chuyển nguồn chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư phát triển nhưng các dự án của Bộ Tài chính không có trong danh mục đầu tư công trung hạn, mà phải sử dụng nguồn chi thường xuyên cho chi đầu tư phát triển, đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam băn khoăn liệu việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền để thực hiện chi các dự án đó và các năm sau lại tiến hành điều chỉnh tiếp có phải là hiện tượng lách luật?

Đại biểu nêu rõ, nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc “gác cửa” chưa nghiêm, trong khi kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được. Do vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lo ngại về việc điều chuyển vốn vay của năm 2022 của các địa phương triển khai chậm, công tác lập, thẩm định chưa có chất lượng cao, chưa sát với thực tiễn.

Hồ Hương