Năm 2023 là năm đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp khi hai nước sẽ cùng nhau kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và tròn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Chia sẻ trước thềm năm kỷ niệm đặc biệt này, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết, mối quan hệ có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa giữa hai nước đang đạt được nhiều bước tiến tốt đẹp trong thời gian qua. Theo đại sứ, hai năm 2020 và 2021 vừa qua cũng là những thời điểm then chốt minh chứng cho mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.
Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống của người dân trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Pháp và Việt Nam vẫn duy trì các mối quan hệ đã có thông qua trao đổi, tiếp xúc dưới nhiều hình thức như điện đàm, thư tín hoặc các cuộc gặp gỡ song phương; trong đó, đặc biệt là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery
Cũng trong giai đoạn này, sự ủng hộ của Pháp đối với các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam có ý nghĩa quyết định để hiệp định này được ký kết và có hiệu lực vào năm 2020. Sự hỗ trợ của Việt Nam là rất quan trọng trong việc giúp Pháp trở thành Đối tác Phát triển của ASEAN trong cùng năm đó.
Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Pháp cũng duy trì kênh trao đổi giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là đối tượng du học sinh. Từ mùa hè năm 2020, chúng tôi đã nối lại việc cấp visa cho sinh viên Việt Nam sang du học tại Pháp; tăng cường số lượng học bổng dành cho sinh viên Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Pháp vẫn tiếp tục triển khai những dự án hợp tác song phương; trong đó có Dự án tuyến metro số 3 tại Hà Nội hay các dự án trong lĩnh vực biến đổi khí hậu có sự tham gia của Cơ quan phát triển Pháp (AFD). Các chuyến thăm của tàu tuần dương của hải quân Pháp sang Việt Nam vẫn được duy trì. Ngoài ra, nhiều dự án được triển khai trong các lĩnh vực mới như bảo tồn di sản và tăng cường việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam khẳng định, mặc dù trải qua một giai đoạn khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đây cũng là dịp Việt Nam và Pháp thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Tinh thần đó được thể hiện qua các đợt viện trợ khẩu trang của Việt Nam cho Pháp vào năm 2020 cũng như gói viện trợ vaccine của Pháp cho Việt Nam thông qua các kênh hợp tác song phương và cơ chế COVAX trong các năm 2021 - 2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher
Việt Nam và Pháp cũng ngày càng hợp tác chặt chẽ trong việc ứng phó với các vấn đề toàn cầu và các thách thức khu vực đang đặt ra, từ thách thức môi trường đến an ninh. Pháp vẫn là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển bền vững như giao thông, năng lượng, khí hậu và môi trường. Cơ chế Đối thoại chiến lược Quốc phòng vẫn được duy trì phát huy hiệu quả với nội dung trao đổi thực chất, không chỉ về các vấn đề an ninh truyền thống mà còn mở rộng đến lĩnh vực an ninh phi truyền thống như tác chiến không gian mạng… Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương do Pháp khởi xướng như Diễn đàn Paris về Hòa bình và bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương và các sáng kiến về hòa bình của Pháp. Hai nước cũng duy trì các trao đổi về nhiều vấn đề an ninh khu vực, có sự đồng quan điểm về tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982...
Bên cạnh đó, đại sứ Pháp tại Việt Nam cũng cho biết thêm, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác rất hiệu quả, tương tự như mối quan hệ chính trị của hai nước - chẳng hạn như hợp tác trong lĩnh vực y tế hoặc phát triển bền vững.
Pháp và Việt Nam đã kỷ niệm 30 năm quan hệ quốc phòng vào năm 2021 và trong tuyên bố chung vào cuối năm 2021, Thủ tướng của hai nước đã lưu ý cần tạo động lực mới cho khía cạnh này của quan hệ đối tác chiến lược song phương. Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án cơ cấu trong lĩnh vực quốc phòng, điều này cũng sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta và khẳng định mức độ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước chúng ta. Khi Việt Nam đảm nhận những trách nhiệm ngày càng tăng trên trường quốc tế và trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược trọng yếu, việc tăng cường hợp tác giữa hai nước chúng ta trong lĩnh vực này đang trở thành một ưu tiên.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho rằng, hai nước phải phát triển và tái cân bằng trao đổi thương mại của mình. Trao đổi này gia tăng liên tục (gần 7 tỷ EUR vào năm 2021) nhưng vẫn quá mất cân bằng, trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc từ Pháp không hề giảm ở Việt Nam. Việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu sẽ cho phép giải phóng tiềm năng thương mại, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông nghiệp hoặc dược phẩm. Do đó, mục tiêu đặt ra là rất rõ ràng: đạt được các bước tiến trong tiếp cận thị trường, loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam, năm 2023, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, sẽ được đánh dấu bằng các sự kiện cho phép chúng ta tăng cường hợp tác. Ví dụ, Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 12 về hợp tác phi tập trung vào tháng 4. Hợp tác phi tập trung là trụ cột cơ bản của mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Những hoạt động hợp tác này dẫn đến những thành tựu cụ thể, như hợp tác giữa Hà Nội với vùng Ile de France và vùng đô thị Toulouse, để khôi phục một số khu phố lịch sử hoặc quản lý phát triển đô thị, nhằm tạo ra một thành phố có môi trường sống tốt hơn cho người dân, hoặc Lào Cai với Vùng New Aquitaine, vì mục tiêu du lịch bền vững, bảo vệ môi trường hoặc dạy tiếng Pháp. Đại sứ Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, hai nước phải nỗ lực để tăng cường những trao đổi này, vốn cũng rất phong phú trong lĩnh vực đại học và y học.