LUẬT SƯ TRẦN VŨ: SỬA ĐỔI LUẬT ĐỂ BẢO ĐẢM CẠNH TRANH CÔNG BẰNG, MINH BẠCH CỦA CÔNG TÁC ĐẤU THẦU

03/02/2023

Quan tâm đến dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sắp được trình xem xét tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật sư Trần Vũ, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho rằng việc sửa đổi Luật trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch của công tác đấu thầu.

ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Năm 2023 vừa tới là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Nhiều kế hoạch đã được đặt ra để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Các bộ ngành, cơ quan, đơn vị đang khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết mới được thông qua theo đúng tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều dự án luật, Nghị quyết cũng đang trong quá trình thẩm tra, xem xét, cho ý kiến, chỉnh lý, bổ sung như dự án Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi)… Dự kiến các dự án Luật này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong các phiên họp sắp tới, nhằm đưa ra những điều chỉnh kịp thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Quan tâm đến dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật sư Trần Vũ, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho rằng việc sửa đổi Luật trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch của công tác đấu thầu, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Luật sư Trần Vũ, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội

Phóng viên: Thời gian qua, nhiều diễn biến trong thực tế đã cho thấy Luật Đấu thầu hiện hành còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Tới đây, sau một thời gian tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung, dự án Luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và sẽ được tiếp tục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Luật sư có đánh giá như thế nào về việc sửa đổi luật này trong bối cảnh hiện nay?

Luật sư Trần Vũ, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước một cách công khai, minh bạch là yếu tốt căn cốt xây dựng nền quản trị quốc gia vững mạnh. Thời gian qua, một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến quản lý vốn nhà nước được phơi bày đã thể hiện rõ yêu cầu thực tiễn phải hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động đấu thầu chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo ngăn chặn triệt để sai phạm.

Về vấn đề này, cùng với một số luật khác có liên quan, Luật Đấu thầu đóng vai trò chủ chốt tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.

Qua kiểm nghiệm thực tiễn với nhiều vụ việc nổi cộm, có thể thấy rằng, việc thi hành Luật Đấu thầu cũng phát sinh một số vướng mắc khi một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật này quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Một số Luật liên quan đã sửa đổi hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu. Quy định về chỉ định thầu và giao cho người có thẩm quyền quyết định, quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt khi gói thầu xuất hiện các yếu tố đặc thù, riêng biệt; chưa rõ các tiêu chí, nguyên tắc, thời điểm xác định tính độc lập về pháp lý, tài chính giữa các chủ thể tham gia đấu thầu nhằm bảo đảm công bằng trong đấu thầu…

Ngoài ra, Luật cũng chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước thay thế cho hàng hóa nhập khẩu; quy định về quản lý nhà nước với hoạt động đấu thầu và thi hành pháp luật trong hoạt động này còn hạn chế. Mặt khác, hiện nay Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có 3 Hiệp định có nội dung về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch của công tác đấu thầu.

Phóng viên: Việc sửa đổi Luật Đấu thầu là cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị triển khai hoạt động đấu thầu. Theo Luật sư, những nội dung sửa đổi nào đáng lưu ý trong dự thảo Luật lần này?

Luật sư Trần Vũ, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Từ thực tiễn giải quyết các vụ việc liên quan và theo dõi quá trình chỉnh sửa luật, tôi được biết, dự thảo Luật đang có nhiều thay đổi tích cực, tháo gỡ một số vướng mắc của luật hiện hành. Cụ thể, phạm vi điều chỉnh của Luật đã được mở rộng hơn, theo hướng bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Luật cũng bổ sung quy định về các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; nhưng tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu, khi chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu phải xác định cụ thể các điều, khoản, điểm sẽ thực hiện theo quy định của Luật này.

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) dự kiến sẽ được cho ý kiến tại phiên họp sắp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Một điểm tôi rất quan tâm về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Dự thảo Luật bổ sung 5 hình thức tương ứng với điều kiện cụ thể, gồm: Chỉ định thầu (áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp; cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ dự án); lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; mua sắm trực tiếp (để tránh việc chủ đầu tư lạm dụng áp giá cao, gây thất thoát, Dự thảo Luật bổ sung quy định về “tùy chọn mua thêm” để tạo cơ sở pháp lý cho chủ đầu tư mua thêm hàng hóa đã trúng thầu trước đó); đấu thầu quốc tế, đấu thầu nội khối (nhằm đảm bảo phù hợp theo quy định các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên); mua sắm tập trung (cho phép áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi để tận dụng về lợi thế về mua sắm với quy mô lớn; bổ sung quy định về thỏa thuận khung mở để có thể lựa chọn nhiều hơn một nhà thầu trúng thầu, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu).

Cùng với đó, một điểm thay đổi tôi khá tâm đắc là dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và thời gian trong đấu thầu. Trong đó tại Điều 17 Dự thảo bổ sung quy định về nội dung, nguyên tắc lập hồ sơ mời thầu (trên cơ sở luật hóa Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu. Về hình thức và nội dung áp dụng trong hợp đồng áp dụng trong lựa chọn nhà thầu (từ Điều 62 – 69 dự thảo Luật) cũng được điều chỉnh theo hướng tách bạch các trường hợp trượt giá hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng… Tôi hy vọng những thay đổi này sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt khi luật được thông qua và có hiệu lựuc thi hành.

Phóng viên: Luật sư có kiến nghị gì để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới?

Luật sư Trần Vũ, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Qua giải quyết các vụ việc liên quan đến đấu thầu quốc tế, tôi cho rằng dự thảo Luật cần có sự điều chỉnh phù hợp để tháo gỡ những bất cập trong vấn đề này. Cụ thể, Điều 11 trong Dự thảo cho phép người có thẩm quyền toàn quyền quyết định có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài hay không vào gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, trong khi căn cứ để quyết định khá chung chung. Cho dù gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà nhà thầu trong nước có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu hoặc có nhiều nhà thầu tham gia sơ tuyển, mời quan tâm hoặc đấu thầu rộng rãi trong nước – những gói thầu phải đấu thầu trong nước, thì cũng có thể tổ chức đấu thầu quốc tế nếu người có thẩm quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài để nâng cao chất lượng của gói thầu, dự án. Vì vậy, tôi cho rằng cần quy định theo cách định lượng hơn để tránh bị lạm dụng và làm giảm ý nghĩa của các quy định về điều kiện khác đấu thầu quốc tế.

Luật Đấu thầu hiện hành, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn đã quy định đầy đủ, rõ ràng các bước trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, trên thực tế lựa chọn Nhà thầu, tôi được biết, không hề dễ dàng để đánh giá chính xác năng lực của Nhà thầu, thậm chí, có những trường hợp tuy Nhà thầu có dấu hiệu không đảm bảo “năng lực nhân sự” nhưng có thể vẫn được phê duyệt trúng thầu. Ở đây đã có sự chồng chéo trong một số văn bản luật, gây khó khăn cho Chủ đầu tư trong việc đánh giá năng lực thực sự về nhân sự của Nhà thầu.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của Nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số Nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Ngoài ra, Khoản 5, Mục I Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg cũng quy định khi xây dựng hồ sơ mời thầu không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự của Nhà thầu như: “Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự ký hợp đồng với nhà thầu”… Những quy định này không thống nhất với quy định của Luật Lao động cũng như Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đây chính là một nút thắt cần khắc phục để hạn chế tình trạng một số nhà thầu có dấu hiệu không đủ năng lực nhân sự vẫn được Chủ đầu tư phê duyệt trúng thầu.

Ngoài ra, tôi cho rằng, Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải làm rõ quy định đối với nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập, làm rõ nội hàm và tính phù hợp, khả thi trong mối quan hệ với việc đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Hồ Hương