PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: TỔNG KẾT 10 NĂM THI HÀNH HIẾN PHÁP LÀ DỊP ĐỂ TÔN VINH VÀ GIÁO DỤC TINH THẦN THƯỢNG TÔN HIẾN PHÁP, PHÁP LUẬT

10/02/2023

Sáng 10/02, tại Nhà Quốc hội, phát biểu kết luận buổi làm việc với các cơ quan về việc tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, thông qua tổng kết lần này nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, tuyên truyền và giáo dục ý thức, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nhìn nhận những kết quả đạt được, những điểm chưa thực hiện được, bài học kinh nghiệm để có đề xuất, phương hướng triển khai thi hành Hiến pháp ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ BUỔI LÀM VIỆC VỀ CHUẨN BỊ LẬP DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024

Cùng dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi làm việc về chuẩn bị tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013

Tại buổi làm việc các đại biểu đã nghe trình bày dự thảo kế hoạch tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và Đề cương Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Qua trao đổi và thảo luận, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với các dự thảo đồng thời nhấn mạnh, việc tổng kết nhằm đánh giá tình hình 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, hướng đến đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện Hiến pháp. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với các hoạt động kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) và tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026).

Thống nhất rằng, nội dung tổng kết phải được tiến hành một cách thiết thực, hiệu quả, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn mới và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương trong thời gian vừa qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trình bày các dự thảo do Thường trực Ủy ban Pháp luật chuẩn bị 

Các đại biểu cũng cho rằng cần ban hành kế hoạch tổng thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có trách nhiệm tổ chức tổng kết triển khai thi hành Hiến pháp về các nội dung quy định của Hiến pháp liên quan đến tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; xây dựng báo cáo về việc triển khai thi hành Hiến pháp thuộc trách nhiệm của ngành mình gửi Chính phủ để tổng hợp chung. Chính phủ với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, ban hành Kế hoạch riêng phân công cụ thể các cơ quan hữu quan (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc triển khai thi hành Hiến pháp, làm cơ sở để xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp.

Nhất trí rằng trong quá trình này, cần có sự tham gia tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp chính quyền địa phương, huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc tham gia tổng kết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, việc tổng kết 10 năm cần có sự kế thừa kết quả sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 nhưng lần này cần nâng lên một bước để bảo đảm bài bản, chặt chẽ hơn, quy mô hơn. Vì vậy nội dung tổng kết cần bảo đảm thực chất, hướng đến tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 tốt hơn, hiệu quả hơn nữa như cần đánh giá về nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục Hiến pháp; rà soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà trọng tâm là các văn bản do các cơ quan ở Trung ương ban hành để thi hành Hiến pháp; đánh giá việc các cơ quan nhà nước thực hiện điều chỉnh tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ; đề xuất những giải pháp để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, nhấn mạnh hơn đến tổ chức thi hành của các cơ quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết thực hiện nhiệm vụ được giao, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ nghiên cứu bài bản để có văn bản chuẩn bị kĩ lưỡng về việc tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp.

Góp ý về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng cần có rà soát các văn bản của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý để tổ chức triển khai việc tổng kết thi hành Hiến pháp bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Nhấn mạnh việc tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp là sự kiện quan trọng, cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị dự thảo kế hoạch cần xác định các mục tiêu, yêu cầu của việc tổng kết bảo đảm rõ ràng, khả thi. Dự kiến các nội dung tổng kết cũng cần tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhất trí với quan điểm tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp cần được tổ chức kĩ lưỡng và đề nghị có thêm thời gian tổng kết, báo cáo 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị cân nhắc thêm về thời gian và lộ trình thực hiện bởi Hiến pháp năm 2013 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, được tiến hành sơ kết 5 năm triển khai thực hiện vào năm 2019 và tính đến năm 2024 mới là tròn 10 năm tổ chức thực hiện. Mặt khác thực tế công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật thời gian qua bị ảnh hưởng do 2 năm đại dịch COVID-19. Do đó, để có thêm thời gian cho các cơ quan tiến hành rà soát, tổng kết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất báo cáo tổng kết vào năm 2024.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với các cơ quan trong việc nghiên cứu xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp.

Qua nghe trình bày dự thảo và trao đổi cho thấy các ý kiến cơ bản thống nhất về sự cần thiết, nội dung đề cương, mục đích, yêu cầu. Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện dự thảo kế hoạch, gửi xin ý kiến chính thức của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan bảo đảm một cách kĩ lưỡng, xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội, trình cấp có thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung làm việc

Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp là nội dung vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn và là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Việc tổng kết này là dịp để nhìn lại 10 năm qua đã thực hiện được những gì, những gì chưa làm được và còn cần phải làm những gì để thúc đẩy thực hiện Hiến pháp tốt hơn, xây dựng phát triển đất nước nhanh và bền vững. Thông qua tổng kết để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, tuyên truyền và giáo dục tinh thần, ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Để tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch và đề cương tổng thể có tính chất định hướng trong triển khai thực hiện. Trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, thời hạn, phân công trách nhiệm… Trên cơ sở kế hoạch tổng thể đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan hữu quan ban hành kế hoạch cụ thể của cơ quan mình để thực hiện, xây dựng báo cáo của cơ quan mình, ngành mình bám sát các nội dung được Hiến pháp quy định. Chính phủ sẽ có báo cáo tổng hợp chung và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra.

Nội dung báo cáo tổng kết 10 năm có kế thừa nội dung sơ kế 5 năm và có nâng cấp, bổ sung các nội dung phù hợp với thực tiễn; trong quá trình này có đề xuất thi đua khen thưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Song hành với việc tổng kết này, các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có thể tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các viện, trường về nội dung tổng kết; tổ chức các hoạt động kỷ niệm, các cuộc thi, hội thi, nghiên cứu khoa học, xuất bản các ấn phẩm chuyên đề ... hưởng ứng kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam gắn với việc tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất các hoạt động chuẩn bị tổng kết sẽ được tiến hành ngay song để có thêm thời gian sẽ đề xuất trình Quốc hội báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp vào tháng 5/2024.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì và phát biểu chỉ đạo

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu ý kiến

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng tình với dự thảo kế hoạch và đề cương báo cáo tổng kết; nhấn mạnh mục tiêu tổng kết là nhằm tiếp tục thực hiện Hiến pháp tốt hơn; kết quả tổng kết cần thể hiện sâu sắc hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đặt vấn đề về thời điểm tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp vào năm 2024 để bảo đảm có thêm thời gian cho các cơ quan thực hiện các hoạt động rà soát, đánh giá triển khai thực hiện; đồng thời vừa bảo đảm khoảng thời gian 10 năm Hiến pháp chính thức có hiệu lực

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu ý kiến 

Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu

Các đại biểu tại buổi làm việc

Bảo Yến - Phạm Thắng