ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH ĐÔN ĐỐC TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ LẬP PHÁP VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG THUỘC LĨNH VỰC TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH

13/02/2023

Tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, trước băn khoăn về tiến độ chuẩn bị các dự án luật, trong đó có nội dung về sửa đổi các luật về thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban chủ động rà soát các nội dung theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, kế hoạch của UBTVQH để đôn đốc các cơ quan hữu quan bảo đảm tiến độ đề ra. Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, mới đây, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đôn đốc triển khai nhiệm vụ lập pháp và một số nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG VIỆC NĂM 2023

Tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách bày tỏ băn khoăn về tiến độ chuẩn bị các dự án luật của các cơ quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với Ủy ban Tài chính – Ngân sách về kế hoạch công tác năm 2023 và dự kiến triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, triển khai kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có Báo cáo số 265/BC-CP ngày 9/8/2022 báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát và xây dựng mới đối với các nhiệm vụ lập pháp  được giao. Trong lĩnh vực xây dựng chính sách pháp luật về thuế, Báo cáo số 265/BC-CP của Chính phủ đã thể hiện rõ sự cần thiết và nhu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số Luật thuế quan trọng.

Báo cáo của Chính phủ cũng đã đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đối với từng Luật và dự kiến đề nghị bổ sung hoặc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2023, 2024 như: Dự kiến bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2023 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2023); dự kiến bổ sung vào Chương trình năm 2023 (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023 và thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2024) đối với Luật Thuế giá trị gia tăng; Dự kiến đưa vào Chương trình năm 2024 đối với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại buổi làm việc

Tính đến Kỳ họp thứ 5 sẽ là một nửa nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV nhưng cho đến nay Chính phủ hoàn toàn chưa trình hồ sơ kiến nghị để đưa vào hoặc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 các dự án sửa đổi, bổ sung một số luật thuế. Mặc dù sự cần thiết và lộ trình sửa đổi các luật thuế đã được phân tích rõ thông qua công tác rà soát các luật mà các cơ quan của Chính phủ đã triển khai.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho rằng nếu không khẩn trương đưa các nội dung này vào Chương trình xây dựng pháp luật một cách chính thức, thì khó có thể thực hiện được nhiệm vụ hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực thuế theo tinh thần Kết luận số 19/KL-TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng nhất trí cho rằng, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cần tiếp tục phối hợp, đôn đốc các cơ quan liên quan của Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất. Với mục tiêu sửa đổi đồng bộ các luật về thuế và đổi mới trong quản ký ngân sách nhà nước, tăng cường phân cấp, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Ngay sau buổi làm việc, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã tiến hành rà soát và có văn bản gửi các cơ quan hữu quan nhằm đôn đốc bảo đảm tiến độ chuẩn bị các nội dung thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Trong đó nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất với nhiều đánh giá của Chính phủ về các vướng mắc, bất cập trong các văn bản pháp luật về thuế hiện hành và nhất trí về sự cần thiết phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung các Luật thuế này để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Hơn nữa, từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, việc sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật về thuế mới chỉ dừng ở một số sửa đổi nhỏ, được lồng ghép trong các dự án một luật sửa nhiều luật hoặc lồng ghép trong nội dung sửa đổi các đạo luật khác (như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Luật Dầu khí số 12/2022/QH15,…). Các luật về chính sách thuế về cơ bản chưa được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện đối với từng đạo luật, trừ Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV trong khi các vướng mắc và nhu cầu sửa đổi một cách toàn diện trên thực tế đã được nhận diện một cách rõ ràng.

Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã có các văn bản, nghị quyết đề nghị Chính phủ kịp thời trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trên cơ sở kết quả rà soát theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật về thuế, cho đến nay, Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội hồ sơ đề nghị bổ sung các dự án sửa đổi, bổ sung các luật thuế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 cũng như để đưa vào Chương trình năm 2024. Việc Chính phủ chậm đề xuất bổ sung các dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có thể ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo tinh thần Kết luận số 19/KL-TW và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Đối với các văn bản luật khác, theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước 31/12/2022, Chính phủ cần hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật Ngân sách nhà nước; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Một số luật về thuế, bao gồm: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa báo cáo cụ thể về tiến độ triển khai nghiên cứu, rà soát theo phân công đối với các dự án Luật này, chưa có báo cáo nghiên cứu, rà soát đối với nội dung từng đạo luật.

Để bảo đảm tiến độ xây dựng pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ lập pháp trong lĩnh vực về thuế và tài chính ngân sách, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án Luật về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo tiến độ đã được Chính phủ đề xuất.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định. Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi Uỷ ban Pháp luật chậm nhất vào ngày 01/3/2023 để tổ chức thẩm tra.

Ngay sau buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã ký ban hành văn bản số 980/UBTCNS15 ngày 08/02/2023 về việc đôn đốc triển khai nhiệm vụ lập pháp và một số nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị có báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trong đó tập trung báo cáo rõ tiến độ, kết quả triển khai thực hiện việc nghiên cứu, rà soát đối với các luật: Luật Ngân sách nhà nước; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Một số luật về thuế bao gồm: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại các nghị quyết của Quốc hội như tại Khoản 8 Điều 3 Nghị quyết số 70/2022/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương giao Chính phủ “khẩn trương xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ cho cả thời kỳ ổn định ngân sách đối với Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”…Cũng như chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua do Ủy ban Tài chính – Ngân sách chủ trì thẩm tra trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và các năm 2021, 2022 thuộc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Văn bản nêu rõ yêu cầu báo cáo cập nhật về tình hình triển khai các nội dung nêu trên được gửi trước ngày 20/2/2023 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định./.

Bảo Yến