LUẬT SƯ PHAN CÔNG TIẾN: CẦN TỔ CHỨC NHIỀU ĐỢT LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

14/02/2023

Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01 đến hết ngày 15/3/2023. Quan tâm đến vấn đề này, ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law cho rằng thời gian của việc lấy ý kiến Nhân dân tương đối ngắn, do đó đề xuất nên tổ chức nhiều đợt, hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể, đặc biệt là các Luật sư, Luật gia, chuyên gia pháp lý.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law

Phóng viên: Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01 đến hết ngày 15/3/2023. Luật sư có đánh giá như nào về sự cần thiết của việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật này?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law: Trong thời gian thực hiện Luật Đất đai năm 2013 vừa qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; các tranh chấp liên quan đến đất đai đang diễn ra ngày càng nhiều; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; hàng loạt các vấn đề nhức nhối như “sốt đất”, các dự án đầu tư xây dựng chưa đạt tiêu chuẩn xuất hiện tràn lan khiến cho quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực trạng trên đã thúc đẩy việc phải nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 để khắc phục những bất cập trong quy định pháp luật, cũng như bổ sung thêm những quy định mới để phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.

Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến của toàn thể Nhân dân là điều vô cùng quan trọng, bởi chính người dân là chủ thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những khó khăn, bất cập mà Luật Đất đai năm 2013 chưa thể giải quyết được, cũng như là những người trực tiếp thi hành những quy định mới của Luật Đất đai sau khi sửa đổi, bổ sung. Hơn ai hết, họ nắm rõ nhất những vấn đề còn tồn tại trong suốt 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013.

Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến Nhân dân còn tận dụng được những quan điểm, ý kiến từ những nhà nghiên cứu, chuyên gia, Luật gia, Luật sư, nhà chính sách… quan tâm, liên quan đến lĩnh vực đất đai tham gia góp ý. Đây là nguồn tư liệu quan trọng có giá trị cao, cần được xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng. Do vậy, lấy ý kiến của Nhân dân sẽ giúp Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều phẩm chất hơn, bám sát vào thực tiễn xã hội hơn, có giá trị duy trì trật tự, ổn định xã hội, phát triển kinh tế hơn và gần gũi, bám sát thực tế hơn.

Phóng viên: Theo dự kiến, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10/2023. Hiện nay, việc lấy ý kiến nhân dân đã trôi qua hơn 1 tháng với số lượng ý kiến đóng góp còn khiêm tốn, theo luật sư, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật này cần phải thực hiện như thế nào để tránh tính hình thức và đảm bảo hiệu quả?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law: Việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy Nhà nước muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đóng góp của Nhân dân – những người trực tiếp thực hiện các quy định pháp luật về đất đai. Hơn ai hết, người dân là chủ thể nắm rõ nhất những quyền lợi cũng như bất cập, hạn chế đối với những quy định của pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 27/1 vừa qua do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan về triển khai lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường thông tin, đến nay mới có 2 bộ và 10 tỉnh ban hành kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về nội dung trên. Điều này cho thấy mặc dù đã 01 tháng trôi qua nhưng việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn rất hạn chế, chưa được triển khai đồng bộ, rộng khắp.

Tôi cho rằng, việc lấy ý kiến của Nhân dân lần này chỉ trong khoảng thời gian hơn 02 tháng là tương đối ngắn. Đặc biệt việc lấy ý kiến rơi vào khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, hầu hết các cơ quan, đơn vị, Nhân dân đều nghỉ, dừng các hoạt động công tác.

Luật Đất đai là một đạo luật khó và tác động đến hầu hết ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều điều luật (153 điều), bổ sung thêm nhiều điều luật mới (36 điều) và bãi bỏ 8 điều luật so với Luật Đất đai 2013. Do đó việc nghiên cứu, xem xét, đánh giá tính phù hợp của cả một dự thảo luật tốn rất nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, việc tiếp cận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với từng người dân sẽ có sự khác nhau. Việc xem xét dự thảo luật đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hoặc các đồng bào, dân tộc thiểu số sẽ gặp phải nhiều rào cản về ngôn ngữ, về thông tin, về công nghệ…. Việc tổ chức lấy ý kiến quá trong thời gian ngắn có thể khiến cho hoạt động này thiếu đi sự hiệu quả, thiết thực.

Về hình thức lấy ý kiến nhân dân, theo quan điểm của tôi, việc quy định các hình thức lấy ý kiến như hiện nay còn thiếu tính cụ thể, bởi khi nhìn vào quy định như vậy, người dân có thể khó lựa chọn những hình thức đóng góp ý kiến phù hợp với điều kiện của mình. Cần phải quy định cụ thể cơ quan nào trực tiếp tiếp nhận ý kiến đóng góp, địa chỉ ở đâu; hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm như thế nào, do ai tổ chức, tổ chức ở đâu, thời gian là bao lâu; việc góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử được thực hiện như thế nào, ai là người thu thập ý kiến…

Do đó, tôi đề xuất việc tổ chức lấy ý kiến nên theo từng vấn đề, tổ chức nhiều đợt, hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể như Công chức nhà nước, Cơ quan tiến hành thủ tục hành chính, doanh nghiệp, chủ đầu tư, các công ty chuyên về lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt là các Luật sư, Luật gia, chuyên gia pháp lý – những người trực tiếp áp dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, những người thường xuyên phải tham gia giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai. Hơn ai hết, Luật sư, chuyên gia pháp lý là nhóm người nắm rõ nhất những bất cập, khó khăn khi áp dụng pháp luật, do vậy những ý kiến, đóng góp của họ thường có chiều sâu và có tính chuyên môn hơn so với một số nhóm đối tượng khác. Việc nhắm tới từng nhóm đối tượng cụ thể với từng vấn đề cụ thể không chỉ làm tăng tính trách nhiệm đối với việc đưa ra ý kiến đóng góp đối với dự thảo luật, mà còn làm tăng thêm tính chuyên môn khi có thể đi sâu vào từng vấn đề cụ thể thay vì đánh giá một cách chung chung, khái quát về cả một dự thảo luật.

Phóng viên: Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Với những nội dung trong dự thảo luật, Luật sư đặc biệt quan tâm tới vấn đề nào? Đâu là những nội dung cần chú trọng để hoàn thiện dự thảo Luật?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law: Liên quan tới nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cá nhân tôi đặc biệt quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, vấn đề khai thác thông tin đất đai. Khi người dân tham gia các giao dịch về đất đai, các thông tin về nguồn gốc đất, hiện trạng sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, diện tích đất… đóng vai trò rất quan trọng. Nếu những thông tin không được công khai, minh bạch, rõ ràng, rủi ro là điều không thể tránh khỏi, dẫn đến những tranh chấp phát sinh về sau. Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai một cách đầy đủ, công khai giúp người dân có thể khai thác, sử dụng thông tin để bảo vệ quyền lợi của họ trong các tranh chấp đất đai, giúp giải quyết các vụ việc tranh chấp một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tránh để việc kiện tụng kéo dài, mất nhiều thời gian, công sức.

Thứ hai là vấn đề thu hồi đất. Đây là một vấn đề khó giải quyết khi cần phải dung hòa lợi ích giữa người dân có đất bị thu hồi với Nhà nước và doanh nghiệp. Vấn đề mấu chốt là dự án có mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là dự án nào? Đây là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm bởi họ cần phải được biết các dự án đó có đem lại lợi ích quốc gia, công cộng cho mọi người và cho chính bản thân họ hay không. Gần đây sự phát triển nóng của ngành bất động sản với rất nhiều dự án bất động sản triển khai trên toàn quốc đã tạo ra những nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản, gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn đến toàn bộ xã hội.

Tuy nhiên hiện nay, cả trong Luật Đất đai năm 2013 và Dự thảo mới vẫn đang định nghĩa dự án thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng theo kiểu liệt kê (Điều 62) mà chưa đi vào bản chất mục đích của các dự án. Cách định nghĩa này tạo khó khăn trong việc tạo ra sự đồng thuận giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo dự án của mình thỏa mãn các tiêu chí được quy định trong pháp luật về đầu tư, xây dựng và được cơ quan nhà nước phê duyệt là hoàn toàn đủ điều kiện để được thu hồi đất trong khi chưa đi sâu vào yếu tố vì lợi ích quốc gia, công cộng. Yếu tố lợi ích cần phải được thảo luận, đánh giá từ cả ba bên, trong khi trên thực tế tiếng nói, quan điểm từ phía người dân là rất hạn chế.

Thứ ba, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, dự thảo Luật đã có quy định mới so với Luật Đất đai 2013, quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sẽ do một đầu mối giải quyết duy nhất là Tòa án nhân dân. Việc quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về Tòa án còn nhiều điểm cần thảo luận. Tòa án là cơ quan tư pháp, thực hiện chức năng xét xử. Đây là cơ quan có nhiều kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình giải quyết tranh chấp. Vì vậy, các tranh chấp đất đai được Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ đảm bảo tốt nhất các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; đảm bảo khách quan kết quả giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người dân nếu như cho phép người dân được quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp (Tòa án nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân) trong một số loại việc nhất định. Bên cạnh đó, việc giải quyết một số tranh chấp đất đai đặc thù tại Uỷ ban nhân dân, trong một số trường hợp, sẽ có những ưu việt hơn so với Tòa án. Cụ thể: Thời gian giải quyết sẽ nhanh hơn; thủ tục trình tự đơn giản hơn; người dân không phải nộp tạm ứng án phí, án phí và các chi phí tố tụng tốn kém; cơ quan hành chính nhanh chóng xác minh, kiểm tra về hồ sơ tài liệu, thông tin, nguồn gốc đất …Do vậy, vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cần phải được thảo luận kỹ trước khi quyết định chính thức.

Thứ tư, cần làm rõ các định nghĩa, khái niệm và áp dụng pháp luật. Ví dụ, trong quá trình hành nghề, đã rất nhiều lần tôi có các kiến nghị giải thích pháp luật đối với các vấn đề quan trọng để các cơ quan áp dụng pháp luật. Cụ thể: Định nghĩa, phạm vi cụ thể của đất bãi bồi; thời điểm người dân được công nhận quyền sử dụng đất là thời điểm có quyết định cấp Giấy chứng nhận hay thời điểm cấp Giấy chứng nhận; định nghĩa cụ thể về đất công ích, phạm vi quản lý và cơ chế cụ thể của đất công ích… Tuy nhiên những vấn đề này vẫn chưa được đề cập đến trong dự thảo Luật Đất đai lần này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Minh Thành