ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO MẬT THÔNG TIN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG THAM GIA GIAO DỊCH VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, gồm 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.
Nghiên cứu về quy định liên quan đến hàng hóa có khuyết tật, TS. Phạm Phương Thảo, Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, tại Việt Nam và trên thế giới, khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và lưu trữ là loại khuyết tật dễ xảy ra. Các dạng khuyết tật này có thể diễn ra đối với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng cho đến những hàng hóa xa xỉ phẩm. Nhiều khuyết tật ảnh hưởng trực tiếp tới việc sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng như các lỗi kỹ thuật liên quan đến phanh, dầu động cơ của xe máy, ô tô,… Một số khuyết tật có thể không trực tiếp ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng nhưng có thể gây ra những tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.
Nhấn mạnh, chế định trách nhiệm của tổ chức cá nhân kinh doanh đối với hàng hóa có khuyết tật là một trong những nội dung cơ bản của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hướng tới, TS. Phạm Phương Thảo cho rằng, Dự thảo luật cần quan tâm làm rõ khái niệm, quy định điều kiện phát sinh trách nhiệm hoặc đặt ra các trường hợp loại trừ, miễn trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật; quy định về chủ thể chịu trách nhiệm thu hồi;…
Theo đó, đối với khái niệm về hàng hóa có khuyết tật cần phải được xem xét trong một giới hạn hợp lý, nếu không sẽ khó xác định. “Trên thực tế ngoài trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật ra thì tùy từng lĩnh vực mà pháp luật quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thu hồi hàng hóa “không đảm bảo an toàn”, hàng hóa “không đảm bảo chất lượng”, hàng hóa “không đạt tiêu chuẩn”. Vậy trách nhiệm thu hồi ở đây có được hiểu đồng nhất với nhau không khi các loại trách nhiệm này đều có thể sẽ dựa trên yếu tố không đảm bảo an toàn của chất lượng sản phẩm để thu hồi…”, TS. Phạm Phương Thảo nêu vấn đề.
Cũng theo TS. Phạm Phương Thảo, quy định về miễn trách nhiệm đối với hàng hóa có khuyết tật như tại Dự thảo luật là chưa hợp lý. Bởi, nếu người tiêu dùng không có lỗi, khuyết tật lại không thể phát hiện tại thời điểm tiêu dùng do trình độ kỹ thuật, thì rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nên được quy định cho nhà sản xuất sản phẩm. Vì vậy, Dự thảo nên đặt ra một số trường hợp được miễn trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật như: khuyết tập do lỗi của người tiêu dùng; Khuyết tật do lỗi của bên thứ ba; Không thể phát hiện được khuyết tật với trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng;…
TS. Đỗ Giang Nam, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tiếp cận dưới góc độ khác, TS. Đỗ Giang Nam, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như trong Bộ Luật Dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được chi tiết hoá và hoàn thiện dưới góc nhìn luật so sánh, chẳng hạn như: mở rộng phạm vi điều chỉnh các chế định trách nhiệm sản phẩm và trách nhiệm nghiêm ngặt, mở rộng nguồn hành vi vi phạm, chủ thể chịu nghĩa vụ chứng minh, làm rõ các căn cứ xác định mối quan hệ nhân quả.
Liên quan đến việc chứng minh khuyết tật trong sản phẩm, TS. Đỗ Giang Nam cho rằng, việc chứng minh này thông thường đã rất khó cho nạn nhân, bởi họ luôn là bên yếu thế hơn so với nhà sản xuất khi không có đủ các nguồn lực và hiểu biết cần thiết để chứng minh.Trên thực tế, toà án Việt Nam đã nhiều lần bác yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại dựa trên trách nhiệm sản phẩm do nạn nhân không cung cấp đủ chứng cứ cần thiết. Đối với trí tuệ nhân tạo và các công nghệ có liên quan thì khó khăn này càng nhân lên gấp bội. Hầu hết người dùng thông thường đều không hiểu tường tận về các công nghệ hết sức phức tạp này. Do đó, kể cả khi được nhà sản xuất cho phép tiếp cận quy trình sản xuất, nạn nhân cũng khó có thể tìm ra khiếm khuyết. Bên cạnh đó, giữa sản phẩm và hệ thống vận hành của các công nghệ này đôi khi không có sự phân định rõ ràng, nên khuyết tật có thể không nằm ở sản phẩm mà lại nằm ở hệ thống vận hành….
Để giải quyết vấn đề này, theo TS. Đỗ Giang Nam trước hết cần cụ thể hoá các tiêu chí xác định sản phẩm có khuyết tật. Hiện nay, có bốn cách tiếp cận để xác định một sản phẩm có khuyết tật hay không: (1)Xét xem liệu có vi phạm một tiêu chuẩn an toàn chung; (2)So sánh sản phẩm không bằng một sản phẩm tương tự; (3)Lợi ích không cân bằng với rủi ro đem lại; (4)Sai sót có thể dễ dàng nhận thấy ngay từ khi sản xuất. Việt Nam cũng có thể tham khảo định nghĩa về khuyết tật sản phẩm theo Nghị định về trách nhiệm sản phẩm của Liên minh châu Âu. Theo đó, sản phẩm có khuyết tật khi chúng không đem đến sự an toàn cần thiết phải có mà một người tiêu dùng thông thường kỳ vọng, được xác định qua các căn cứ: bản chất của sản phẩm, các yếu tố môi trường xung quanh, hay quan điểm chung của cộng đồng sử dụng các sản phẩm đó.
Trước đó, thảo luận về nội dung này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét, nghiên cứu để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó trường hợp không phải bồi thường khi thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng;…
Đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang
Góp ý về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật tại Điều 33 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang nêu rõ, để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra, đại biểu tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, Điều 34 dự thảo Luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng. “Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự và thống nhất ngay trong dự thảo luật, đề nghị cần bổ sung vào Điều 34 quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng…”, đại biểu Nguyễn Danh Tú kiến nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, các quy định về sản phẩm hàng hóa có khuyết tật chưa được thể hiện đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu chính sách đã nêu của Chính phủ. Cùng với đó, cách tiếp cận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại hiện nay mới chỉ dừng lại trách nhiệm bồi thường thiệt hại thông thường nói chung, chưa làm rõ được bản chất đặc thù của loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại sản phẩm hàng hóa có khuyết tật như: Khái niệm hàng hóa sản phẩm có khuyết tật và phân loại hàng hóa sản phẩm có khuyết tật vẫn được giữ nguyên như luật hiện hành và cũng không có quy định Chính phủ quy định chi tiết về việc phân loại các sản phẩm khuyết tật. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định phạm vi, nội hàm khái niệm này bảo đảm rõ ràng, bao quát và khả thi…./.