TỔNG THUẬT CHIỀU 15/02: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VÀ BẾ MẠC PHIÊN HỌP

15/02/2023

1868 lượt xem

Tiếp tục Chương trình làm việc phiên họp thứ 20, 15h50 chiều 15/02, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội… và bế mạc Phiên họp.

TỔNG THUẬT SÁNG 15/02: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU DỰ ÁN LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp

Theo đó, tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật chi tiết nội dung Phiên họp:

17h08: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ sau 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành phiên họp đầu tiên của năm mới Quý Mão, cũng là phiên đầu tiên thực hiện theo Quy chế hoạt động mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nêu rõ, phiên họp đã bám sát hoàn thành nội dung theo kế hoạch đề ra, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận cố gắng nỗ lực lớn của các cơ quan hữu quan đóng góp vào kết quả của phiên họp.

Điểm lại các kết quả của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đối với 3 dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần này về cơ bản đủ điều kiện để trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách. 

Về các dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định,  tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua được hai nghị quyết là Nghị quyết về hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp và Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký; đồng thời cho ý kiến bước đầu về dự thảo Nghị quyết liên quan đến các vấn đề thi đua, khen thưởng. 

Liên quan đến địa giới hành chính, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét quyết định thành lập thêm được 1 thành phố, 2 thị xã, 34 phường, 11 thị trấn và điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn của 10 tỉnh. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là bước quan trọng để hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương,  thực hiện Nghị quyết Trung ương về vấn đề phát triển đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là các địa phương được tăng lên khá cao. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia; thông qua Nghị quyết giao danh mục mực uống cho 129 nhiệm vụ dự án của chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của tháng 12/2022 và tháng 1/2023;  cho ý kiến đánh giá về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ 3.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng về kết quả của phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bám sát nội dung chương trình và kết thúc đúng với lịch trình, trong đó có những nội dung vượt ngoài mong đợi, tạo tiền đề tích cực cho các công việc tiếp theo. 

Trên cơ sở các kết luận nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký và các cơ quan hữu quan hết sức khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, đặc biệt là hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành sớm. 

Lưu ý trong thời gian tới còn nhiều nhiệm vụ như chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Hội nghị công tác Hội đồng nhân dân toàn quốc, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chuẩn bị cho các phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3, tháng 4/2023, có thể có phiên họp chuyên đề pháp luật, tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn, triển khai hoạt động giám sát…Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát các chương trình, kế hoạch và kết quả giao ban đầu năm khẩn trương tổ chức triển khai các công việc, trước mắt sắp xếp lịch và chuẩn bị kỹ nội dung cho buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ để thống nhất nội dung phối hợp công tác cho cả năm nay.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã gửi lời cảm ơn các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan đóng góp vào kết quả của phiên họp.

16h57: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định hoan nghênh sự chuẩn bị của Ban Công tác đại biểu cho dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Sau phiên họp hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị chính thức phân công Ban Công tác đại biểu là cơ quan soạn thảo, Ủy ban xã hội là cơ quan chủ trì thẩm tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành riêng 02 Nghị quyết. Nội dung cần quy định cụ thể nhưng có tầm khái quát. 

Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban Công tác đại biểu và Ủy ban xã hội tiếp tục phối hợp nghiên cứu và làm rõ các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cũng như các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay. Đặc biệt là các nội dung về quy trình, thủ tục tổ chức phong trào thi đua; quy trình thủ tục bình xét thi đua gắn với đánh giá cán bộ hàng năm; quy trình thực hiện các hoạt động thi đua thường xuyên, chuyên đề; vấn đề thẩm quyền công nhận có danh hiệu thi đua…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, thiết kế Nghị quyết nên ngắn gọn, vấn đề nào đã được quy định rõ trong luật, trong định của Chính phủ thì không quy định lại trong nghị quyết. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng và tính phù hợp…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban Công tác đại biểu thực hiện các công việc theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, thực hiện và hoàn thiện báo cáo đánh giá thực tiễn, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo đánh giá về thủ tục hành chính, báo cáo về bình đẳng giới, thực hiện lấy ý kiến của các cơ quan, các đối tượng chịu tác động, hoàn thành các thủ tục khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để khẩn trương triển khai, hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.

16h55: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nội dung lần đầu thực hiện, nên còn bỡ ngỡ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản chính thức về công tác đánh giá cán bộ.

16h39: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Cho ý kiến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết, sớm hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong thời gian tới. 

Về hình thức văn bản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban hành Nghị quyết; giao Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Xã hội của Quốc hội là cơ quan thẩm tra. 

Về tên gọi, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với tên gọi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu: Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết; tổ chức thi đua khen thưởng nên giao Ban Công tác đại biểu; nghiên cứu tách thành 2 văn bản: Nghị quyết về thi đua khen thưởng và nghị quyết về Kỷ niệm chương, trong đó chú ý đến thiết kế cụ thể về nội dung, hình thức Kỷ niệm chương.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật Thi đua khen thưởng cho phép hình thức thi đua khen thưởng nào thì quy định hình thức đó trong dự thảo Nghị quyết…

16h37: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cần xác định rõ Hội đồng thi đua khen thưởng thực hiện các chức năng tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát động phong trào thi đua, bình xét danh hiệu thi đua, tuy nhiên, sau khi bình xét thì cần xác định rõ người có trách nhiệm ký quyết định khen thưởng, công nhận danh hiệu.

Theo Phó Chủ tịch, quy trình, vai trò bình xét, trao tặng, công nhận cần được xác định một cách rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể, đảm bảo khả thi khi triển khai thực hiện.

16h29: Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Phạm Huy Giang phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp, Trưởng ban Thi đua khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho biết, Ban luôn phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết. Hiện tại, dự thảo Nghị quyết tương đối hoàn chỉnh và tiệm cận với Luật Thi đua, khen thưởng.

Trong quá trình đề xuất sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trân trọng và biết ơn UBTVQH đã luôn quan tâm giúp đỡ và Ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong các điểm mới của Luật, nội dung khen thưởng cơ quan dân cử là một trong những thành công của Luật kỳ này.

Về vấn đề có tổ chức thi đua trong Quốc hội hay không, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho rằng, về phía cơ quan tham mưu lĩnh vực thi đua, Ban rất mong mỏi vấn đề này, trong Quốc hội cần tổ chức các phong trào thi đua, có phát động thi đua, có cả thi đua thường xuyên và thi đua chuyên đề. “Nếu chúng ta tổ chức thi đua, thì chúng ta sẽ có đánh giá thi đua cho các tập thể, cá nhân. Trên cơ sở đó, chúng ta đề nghị các hình thức khen thưởng thường xuyên, khen thưởng năm, bên cạnh các loại hình khen thưởng khác như khen thưởng theo chuyên đề, khen thưởng đột xuất hay khen thưởng đối ngoại”, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang phân tích thêm.

Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang nhấn mạnh cần khen thưởng theo nhiệm kỳ của ĐBQH, đây là nội dung hoàn toàn có thể đề xuất trong dự thảo Nghị quyết này. Riêng đối với ĐBQH, có thể đánh giá theo nhiệm kỳ của ĐBQH chuyên trách, theo từng chức danh phân công cho đại biểu khi thực hiện nhiệm vụ.

Liên quan đến đánh giá, qua quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng, qua quá trình tiếp cận trực tiếp với các Ủy ban, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang nhận thấy, thời gian qua chưa thực hiện đánh giá ĐBQH như đối với một cán bộ theo Luật Cán bộ. Nếu thực hiện việc đánh giá các ĐBQH, đặc biệt các ĐBQH chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, của Văn phòng Quốc hội, khi đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng với đó các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, thì có công nhận với các danh hiệu thi đua.

Đối với tập thể, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho rằng cũng đánh giá tương tự như vậy, trên cơ sở đó, đề xuất các hình thức khen thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng.

16h27: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Cơ bản nhất trí với các nội dung trong tờ trình, báo cáo thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị bổ sung đối tượng được xét trao tặng kỷ niệm chương. Theo đó, cần quy định thêm việc trao tặng cho các đại biểu Quốc hội đã nghỉ công tác theo đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, có thể trao tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân có đóng góp cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội.

16h22: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban đã có văn bản góp ý và được tiếp thu đầy đủ. Về vấn đề ban hành nghị quyết hay pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị ban hành Nghị quyết sẽ phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Về tên gọi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chưa đồng tình với phương án cơ quan soạn thảo trình và đề xuất tên gọi: Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặc dù tên gọi dài nhưng đầy đủ hai nội dung Luật Thi đua, khen thưởng giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Về hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu cho rằng không nên hiểu theo hướng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể thêm các hình thức khen thưởng khác mà Luật Thi đua, khen thưởng không quyết định. Trong đó, không nên quy định trong dự thảo nghị quyết danh hiệu cờ thi đua, bằng khen của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

Liên quan đến cơ quan tham mưu, có 2 phương án, đại biểu đề nghị chọn phương án 2 giao nhiệm vụ này cho Ban Công tác đại biểu.

16h17: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc nên xác định đây là Nghị quyết hay Pháp lệnh, tên Nghị quyết thế nào để đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp với nội dung văn bản, ban hành một Nghị quyết hay hai Nghị quyết?

Nhấn mạnh việc đẩy mạnh phong trào thi đua là cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề như: Có nên thêm các hình thức khen thưởng ngoài luật hay không? Việc thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng nên được quy định thế nào? Cơ quan tham mưu giúp việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua, khen thưởng nên là Văn phòng Quốc hội hay Ban Công tác đại biểu?

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ các nội dung này để đảm bảo nội dung trong văn bản rõ ràng, chi tiết và toàn diện.

16h04: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo ý kiến

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động và tích cực của Ban Công tác đại biểu trong việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  và các tài liệu kèm theo; nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đã tham gia. 

Về hình thức văn bản, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, nên  là hình thức văn bản nên là nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời. Nội dung về Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được quy định trong nghị quyết này là bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.  

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị phạm vi của dự thảo Nghị quyết chỉ quy định những nội dung được Luật Thi đua, khen thưởng, các luật có liên quan giao và phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng và các quy định khác của pháp luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Cán bộ, công chức; không làm phát sinh thủ tục hành chính để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, tránh hình thức, tránh khen thưởng tràn lan hoặc bỏ sót đối tượng khen thưởng khi triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, việc dự thảo Nghị quyết quy định hình thức khen thưởng riêng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Thi đua, khen thưởng.

Tuy nhiên, việc quy định danh hiệu thi đua “Cơ thi đua của Ủy ban thường vụ Quốc hội”, hình thức khen thưởng “Bằng khen của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” là vấn đề cần phải cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng về giá trị pháp lý, so sánh, tương quan với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác quy định trong Luật như “Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ”, sự hòa nhập trong hệ thống thi đua, khen thưởng Nhà nước… và không để hiểu lầm phát sinh danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng mới ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.  

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, các quy định về tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách cần tiếp tục được nghiên cứu và quy định phù hợp vì các quy định này trong dự thảo: chưa thể hiện tính đặc thù của từng nhóm đối tượng; hưa làm rõ sự khác nhau (tiêu chí, điều kiện thi đua, xét khen thưởng) giữa nhóm đối tượng là đại biểu Quốc hội với nhóm cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữa đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách, giữa các cơ quan của Quốc hội và với các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội….

Về quy trình, thủ tục. hồ sơ dự thảo Nghị quyết và thời điểm ban hành Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn tại Phiên họp này và thành lập Ban soạn thảo thì sẽ thực hiện quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Để bảo đảm thời gian có hiệu lực từ 01/01/2024, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Phiên họp tháng 9 hoặc tháng 10 năm 2023. 

15h58: Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh sự cần thiết và cơ sở ban hành Nghị quyết, đồng thời khẳng định, việc xây dựng Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể trong thi đua, khen thưởng và ghi nhận những đóng góp của đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động. 

Về quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp Luật Thi đua, khen thưởng và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng; phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Cán bộ, công chức. 

Dự thảo Nghị quyết gồm 06 chương, 38 điều đã thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW, cụ thể hóa quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Dự thảo Nghị quyết quy định về 6 nội dung cơ bản như sau: (1) về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; (2) công tác thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (3) công tác thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm sẽ tham gia thi đua thường xuyên và xét tặng danh hiệu thi đua ở cơ quan, đơn vị nơi mình công tác; (4) tặng kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối tượng đương nhiên được xét tặng (theo năm công tác) là đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công chức Văn phòng Quốc hội; (5) giao Ban Công tác đại biểu là cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu; (6) Hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích, ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức với hoạt động của Quốc hội hàng năm. 

Đề cập về một số nội dung xin ý kiến, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hình thức văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng.

Ban Công tác đại biểu cũng xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 2 phương án ban hành Nghị quyết:

Phương án 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 02 Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương theo Điều 71 và quy định việc thi đua, khen thưởng theo Điều 88 Luật Thi đua, khen thưởng. Phương án 2: Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 Nghị quyết về 2 nội dung.

Về tên gọi danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đề xuất 2 phương án.

Liên quan đến các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, qua thực tiễn nhiều nhiệm kỳ, do chưa có quy định về xét tặng danh hiệu thi đua nên đại biểu Quốc hội, cán bộ công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất khó khăn trong việc giải trình hoàn thiện hồ sơ và phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan chuyên môn về thi đua, khen thưởng, hạn chế trong triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng dẫn đến thiệt thòi, thiếu công bằng trong hệ thống chính trị. Có đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Quốc hội 2-3 nhiệm kỳ mà không được khen thưởng.

Về thẩm quyền tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc quy định thẩm quyền cho Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng là phù hợp với quy định của pháp luật.

Để đảm bảo đồng bộ trong đánh giá, quản lý, Ban Công tác đại biểu sẽ nghiên cứu, tham mưu Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ đánh giá, quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ban Công tác đại biểu xin ý kiến quy định rõ về thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương tại Chương III dự thảo Nghị quyết.

Để thực hiện theo quy định của pháp luật và đảm bảo tính đồng bộ, liên  thông, Ban Công tác đại biểu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao Ban Công tác đại biểu là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua, khen thưởng.

Về việc phân chia khối thi đua trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đề xuất 2 loại ý kiến.

15h57:  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc định cho biết, chiều ngày 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tới dự phiên họp có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.

Tiếp đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội