ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM - SỨC SỐNG TRONG DÒNG CHẢY CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG
Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943
Đề án nêu rõ, nhận thức rõ văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tổ chức vào tháng 2 năm 1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua.
Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới. Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn to lớn của "Đề cương về văn hóa Việt Nam", đồng thời triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) với những nội dung cụ thể.
Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước thấm nhuần ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong 80 năm qua. Qua đó khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Qua đó khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đây là văn kiện có giá trị lịch sử vô cùng to lớn và sâu sắc của Đảng, được coi là Tuyên ngôn của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng.
Các hoạt động góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kỷ niệm; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị - xã hội nhằm tuyên truyền sâu rộng giá trị lịch sử, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam và các nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa; nêu cao truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc. Qua đó tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; khẳng định sự kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn; khắc sâu đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lòng biết ơn sâu sắc với các bậc tiền nhân, danh nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Việc vận dụng, tiếp thu và bổ sung, hoàn thiện những quan điểm, chủ trương của Đảng ta về văn hóa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 được thể hiện trong các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng. Đặc biệt, một nền văn học nghệ thuật mới đã hình thành trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh một giai đoạn rực rỡ và vẻ vang của dân tộc.
Các hoạt động kỷ niệm cũng góp phần cụ thể hóa nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị, kết luận chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021 và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa.
Theo Đề án, ở cấp Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Văn hóa Việt Nam - Cội nguồn và động lực phát triển", dự kiến diễn ra sáng 27/2. Hội thảo tập trung làm rõ, sâu sắc hơn nữa các nhóm vấn đề: Bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử của Đề cương; nội dung và giá trị toàn diện, to lớn, trường tồn của Đề cương; quá trình vận dụng, tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện những tư tưởng quan trọng của Đề cương trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo định hướng của Đề cương văn hóa.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề "Văn hóa - Hội tụ - Bản sắc và Phát triển" do Nhà hát Đương đại Việt Nam xây dựng nội dung, các nghệ sĩ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện; xây dựng phim tài liệu tập trung làm rõ bối cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam...
Cũng trong năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam với các hình thức phù hợp. Đó là tọa đàm, hội thảo khoa học; triển lãm nghệ thuật; nói chuyện chuyên đề; tổ chức thi tìm hiểu về Đề cương... Qua đó, làm rõ khẳng định và tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Thông qua các hoạt động kỷ niệm để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về đất nước và con người Việt Nam; cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân nỗ lực vượt lên khó khăn, thách thức, chung sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…/.