ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO MẬT THÔNG TIN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG THAM GIA GIAO DỊCH VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ VIỆC TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI THAM GIA BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1998, bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2000. Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, thị trường bán hàng đa cấp trải qua nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp lợi dụng một số đặc điểm của mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi bất chính, lừa đảo người tham gia bán hàng đa cấp. Để khắc phục những biến tướng của loại hình kinh doanh, bán hàng đa cấp, các văn bản pháp luật theo đó được điều chỉnh theo hướng ngày càng thắt chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh này.
Nhằm bảo vệ người dân khi mua sắm hàng hóa, sản phẩm, trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023 cũng đề cập quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa đối với hoạt động bán hàng đa cấp.
Người tiêu dùng cần được bảo vệ quyền lợi khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa (ảnh minh họa: Internet).
Theo Khoản 3 Điều 43 quy định “tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng của cá nhân bán hàng tận cửa quy định tại khoản 1 Điều này”. Tương tự, điểm đ khoản 1 Điều 45 quy định tổ chức bán hàng đa cấp phải “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người tiêu dùng đối với hoạt động của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp”.
Cho ý kiến vào vấn đề trên, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Viện Nhà nước và Pháp luật, về mặt pháp lý thì đây là 2 chủ thể khác nhau trong chuỗi cung ứng. Xem xét mối quan hệ giữa các chủ thể, có thể thấy rõ rằng, tổ chức kinh doanh (tổ chức bán hàng tận cửa/tổ chức bán hàng đa cấp) và cá nhân kinh doanh (cá nhân bán hàng tận cửa/người tham gia bán hàng đa cấp) là các chủ thể độc lập về mặt pháp lý. Trên thực tế, các cá nhân kinh doanh không phải là nhân viên hay người lao động của công ty bán hàng đa cấp. Vì vậy, không thể áp dụng nguyên tắc “trách nhiệm đối với hành vi của người làm công” trong Bộ luật Dân sự để ràng buộc tổ chức kinh doanh đối với hành vi của các cá nhân kinh doanh.
Ngô Vĩnh Bạch Dương nêu quan điểm, trên thực tế, sau khi mua hàng hóa, dịch vụ từ tổ chức kinh doanh, các cá nhân kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh một cách độc lập và phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của chính mình. Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng đã ghi nhận việc này và đã dành riêng Chương II để quy định trách nhiệm của tổ chức kinh doanh, trách nhiệm của cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc buộc tổ chức kinh doanh chịu trách nhiệm đối với hoạt động của các cá nhân kinh doanh vừa không phù hợp về mặt pháp lý, vừa không phản ánh chính xác mối quan hệ giữa hai chủ thể này trong chuỗi cung ứng.
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Viện Nhà nước và Pháp luật.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không có nhiệm vụ giải quyết các trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý phát sinh bên ngoài quan hệ mua – bán, sử dụng hàng hóa dịch vụ của người tiêu dùng. Điều này cũng đã được thể hiện rõ tại Điều 1 – Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo. Chính vì vậy, việc quy định buộc tổ chức kinh doanh chịu trách nhiệm đối với hoạt động của các cá nhân kinh doanh có thể coi là “ôm đồm” và không thực sự hướng tới mục tiêu cốt lõi của luật này là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Từ các đánh giá trên, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng cơ quan có liên quan xem xét bỏ quy định này khỏi dự án Luật.
Đóng góp ý kiến, bà Tạ Dịu Thương- Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam nhấn mạnh: Cách xác định chủ thể nêu trên cũng phù hợp với thực tiễn hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân kinh doanh độc lập, xác lập mối quan hệ với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thông qua hợp đồng bán hàng đa cấp. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng. Thay vào đó, hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp mua từ doanh nghiệp rồi bán lại cho người tiêu dùng. Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng chênh lệch giữa giá mua và giá bán hàng hóa và hoa hồng, tiền thưởng khác.
Theo quy định của hợp đồng bán hàng đa cấp, cũng như định nghĩa về bán hàng đa cấp tại Khoản 7 Điều 3 Dự thảo Luật, người tham gia bán hàng đa cấp được doanh nghiệp trả hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của những người khác trong mạng lưới. Người tham gia bán hàng đa cấp không phải là nhân viên của doanh nghiệp cũng như không đại diện cho doanh nghiệp trong giao dịch bán hàng cho người tiêu dùng.
Bà Tạ Dịu Thương - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam.
Với cách tiếp cận xuyên suốt như vậy, việc quy định tổ chức bán hàng đa cấp phải “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người tiêu dùng đối với hoạt động của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp” tại điểm đ Khoản 1 Điều 45 dự án Luật là chưa phù hợp. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không nên và không thể chịu trách nhiệm cho hành vi của một chủ thể khác trong mối quan hệ của chủ thể đó với người tiêu dùng.
Mối quan hệ bán hàng của cá nhân bán hàng đa cấp cho người tiêu dùng có liên quan tới hàng hóa của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Do đó, doanh nghiệp sẽ chỉ chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình được người tham gia bán hàng đa cấp bán cho người tiêu dùng. Trách nhiệm sản phẩm được quy định tại các pháp luật liên quan như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp cũng đã được quy định tại Khoản 2 Điều 33 dự thảo Luật. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị loại bỏ trách nhiệm quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 45 dự án Luật./.