ƯU ĐÃI TRONG LỰA CHỌN NHÀ THẦU: RÀ SOÁT QUY ĐỊNH CỤ THỂ, TRÁNH TÙY NGHI KHI ÁP DỤNG

21/02/2023

Để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chính sách ưu đãi trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định mới. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia, cần rà soát quy định cụ thể các ưu đãi, không quy định chung chung dẫn đến khó áp dụng trong thực tế …

QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI) PHẢI CHẶT CHẼ, KHẢ THI - KHẮC PHỤC TRIỆT ĐỂ BẤT CẬP CỦA LUẬT HIỆN HÀNH

NHẬN DIỆN VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP ĐỂ SỬA ĐỔI, HOÀN THIỆN LUẬT ĐẤU THẦU

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Sau 8 năm thực hiện, Luật Đấu thầu cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Một số quy định của Luật chưa phù hợp với thực tiễn hoặc quy định chưa đầy đủ dẫn đến  khó khăn trong lựa chọn nhà thầu, nhất là trong trường hợp cấp bách, phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình khẩn cấp;  Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm công; Quy định về phân cấp, phân quyền, xác định quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trong một số trường hợp chưa đầy đủ, rõ ràng;…

Để kịp thời khắc phục những bất cập nêu trên, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.

Liên quan đến quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa, hoàn thiện các quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 về áp dụng ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp có sử dụng lao động thuộc nhóm yếu thế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Đồng thời, để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chính sách ưu đãi trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định như:

(1) Áp dụng ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp có sử dụng lao động thuộc nhóm yếu thế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

(2) Bổ sung quy định về ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; ưu tiên, ưu đãi cho các sản phẩm thân thiện môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

(3) Quy định các hình thức ưu tiên, ưu đãi cho từng đối tượng cụ thể gồm: cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu thuộc đối tượng được ưu đãi; cộng thêm số tiền vào giá dự thầu hoặc vào giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi để so sánh, xếp hạng nhà thầu;  ưu tiên đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu; ưu tiên cho các doanh nghiệp cấp nhỏ, siêu nhỏ tham dự thầu các gói thầu xây lắp có giá dưới 05 tỷ đồng.

Tán thành với những quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu quy định tại dự thảo Luật, tuy nhiên một số ý kiến Đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ nên quy định đối với một số sản phẩm hàng hóa cụ thể, đặc thù, cần khuyến khích sản xuất trong nước; đồng thời, đề nghị rà soát quy định cụ thể các ưu đãi, không quy định chung chung dẫn đến khó áp dụng trong thực tế hoặc tùy nghi áp dụng.

Đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, đối tượng được hưởng ưu đãi phải là nhà thầu cung cấp sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ ở Việt Nam, sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường. Ngoài ra,, đại biểu đề nghị xem lại hình thức ưu đãi trong đấu thầu là gói thầu xây lắp dành cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham dự thầu quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 10, do gói thầu này đã chỉ rõ đối tượng được tham gia, chỉ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Trường hợp không có doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham dự thầu thì việc lựa chọn nhà thầu sẽ được quy định như thế nào?” - đại biểu đặt vấn đề.

Góp ý vào nội dung này, Đại biểu Trần Thị Hồng An, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đánh giá rất cao quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu tại Điều 10 với việc bổ sung thêm 5 đối tượng mới, đặc biệt trong đó có bổ sung các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như các nhà thầu có gắn với đổi mới sáng tạo.

Đại biểu tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, việc bổ sung thêm các nội dung liên quan đến sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường là một bước đã cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mà Quốc hội đã thông qua. Tuy nhiên, bên cạnh việc bổ sung các đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu cũng đề nghị cần làm rõ các ưu đãi, vì nếu quy định như trong dự thảo thì vẫn còn chung chung sẽ dẫn đến khó áp dụng khi tổ chức thực hiện.

Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu là một trong những quy định nhận được rất nhiều quan tâm của doanh nghiệp. Theo khảo sát của VCCI, phần lớn các nhà thầu tham gia khảo sát cho rằng “hoàn toàn cần thiết” khi cần quy định trong luật về ưu đãi đối với mua sắm bền vững, mua sắm xanh. Theo các nhà thầu tham gia khảo sát, trên phương diện kinh tế, các quy định này sẽ khuyến khích nhà thầu sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của nhà thầu về mua sắm xanh, mở rộng ra sẽ xây dựng một nền kinh tế bền vững.

Chuyên gia ĐMST Nguyễn Thy Nga, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Hội doanh nhân trẻ Việt Nam

Xuất phát từ hoạt động thực tiễn, Chuyên gia ĐMST Nguyễn Thy Nga, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất, bổ sung nội dung mua sắm công xanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Bổ sung quy định về lộ trình bắt buộc các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm phải xem xét và đặt yêu cầu về sản phẩm, dịch vụ cho nhà cung ứng dịch vụ, cụ thể là yêu cầu các sản phẩm phải thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiêu hao ít năng lượng... hướng tới một nền kinh tế xanh.

Chuyên gia ĐMST Nguyễn Thy Nga cũng đề nghị xem xét không quy định nhà thầu tham gia dự thầu phải có hợp đồng tương tự đối với sản phẩm đổi mới, sáng tạo... vì đây là lĩnh vực mới. Đề nghị xem xét quy định về năng lực kinh nghiệm để nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể đáp ứng; bổ sung quy định về ưu đãi đấu thầu trong mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, cần ưu tiên đặt hàng hoặc mua sắm trực tiếp vì đây là sản phẩm của trí tuệ nhằm khuyến khích và phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của doanh nghiệp. Mua sắm từ các nhóm yếu thế kiến nghị thực hiện theo quy trình lựa chọn nhà thầu có sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời, nghiên cứu các quy định ưu tiên cho những hồ sơ tham gia dự thầu có sử dụng các sản phẩm “xanh”, sản phẩm trong nước thay cho hàng nhập khẩu để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm được Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ. Tích hợp các tiêu chí về môi trường vào quá trình mua sắm công; đồng thời ban hành danh mục các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường cần ưu tiên trong mua sắm công. Bên cạnh đó, Nhà nước xây dựng và thí điểm áp dụng lộ trình mua sắm công xanh, trước hết tại một số cơ quan mua sắm cấp trung ương. 

Về nội dung này, tổng hợp kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới cho thấy, chính sách ưu đãi trong đấu thầu của các nước, tổ chức quốc tế rất đa dạng. Trong đó, nổi bật là ưu đãi trong nước và ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng để khuyến khích hàng hóa trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế. Các biện pháp bao gồm: cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu thuộc đối tượng được ưu đãi; cộng thêm số tiền vào giá dự thầu của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi; ưu tiên thanh toán sớm; chia nhỏ gói thầu; xây dựng danh mục hàng hóa mà chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa được phép tham dự thầu; quy định tỷ lệ phần trăm tổng giá trị mua sắm dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; giới hạn hoặc miễn áp dụng quy định về bảo đảm dự thầu...

Bên cạnh đó, chính sách đấu thầu xanh ngày càng được các quốc gia quan tâm và được quy định cụ thể dưới nhiều hình thức khác nhau như: Kế hoạch hành động quốc gia, Sắc lệnh hành pháp, Nghị định, hay các yêu cầu liên quan đến tính bền vững được lồng ghép trong pháp luật đấu thầu.

Tại một số quốc gia như Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích sản xuất các sản phẩm xanh và thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh. Nhật Bản có “Luật mua sắm xanh 2001” với định hướng biến Nhật Bản trở thành một xã hội ưa tái chế thông qua khuyến khích mua sắm xanh và chia sẻ thông tin về các sản phẩm thân thiện với môi trường trên một cơ sở dữ liệu trung tâm. Ngoài ra, tại Chi-lê, cơ quan mua sắm được khuyến nghị lựa chọn các sản phẩm được phân loại là “hiệu quả, tiết kiệm” theo bảng xếp hạng để ưu tiên các sản phẩm xếp hạng A đến C; mua sắm các sản phẩm tiết kiệm năng lượng gắn với nhãn sinh thái ENERGY STAR. Tại các nước thành viên EU, chính quyền trung ương và địa phương bắt đầu cân nhắc về đấu thầu xanh từ những năm 1990./.

Lê Anh