SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: ĐẢM BẢO QUYỀN KHAI THÁC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC CỦA CÁC NHÂN, TỔ CHỨC

22/02/2023

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi luật cần đảm bảo quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các nhân, tổ chức.

LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI): CẦN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ ĐỂ NÂNG CAO TÍNH CHỦ ĐỘNG VỀ NGUỒN NƯỚC

Đảm bảo quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các nhân, tổ chức

Luật Tài nguyên nước năm 2012 qua gần 10 năm thực hiện, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên nước để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khiến chất lượng tài nguyên nước suy giảm, đặt ra nhiều thách thức lớn.

Bên cạnh đó, có nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Một số nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thực thi chưa hiệu quả, khó khăn khi triển khai trên thực tế do có sự giao thoa với pháp luật khác và giao thoa trong quá trình tổ chức thực hiện; tài nguyên nước chưa được quản lý tổng hợp, thống nhất… Từ thực tế đó đòi hỏi cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là dự án Luật quan trọng, liên quan đến lợi ích, đời sống của toàn bộ dân cư (Ảnh minh họa)

Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Là dự án Luật quan trọng, liên quan đến lợi ích, đời sống của toàn bộ dân cư, Dự án luật quan trọng này nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đặc biệt là các vấn đề còn chồng chéo trong chính sách liên quan đến tài nguyên nước; vấn đề quản lý phát triển và bảo vệ nguồn nước; vấn đề ô nhiễm nguồn nước; vấn đề an ninh nguồn nước; đảm bảo quyền lợi cho người dân được tiếp cận nguồn nước sạch; các doanh nghiệp khai thác sử dụng nguồn nước được công bằng và thực hiện theo đúng quy định pháp luật; vấn đề quản lý hài hòa giữa các ngành kinh tế có sử dụng tài nguyên nước…

Tham gia ý kiến về dự án Luật này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ghi nhận quyền tài sản đối với quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các cá nhân, tổ chức trong Dự thảo hiện còn rất yếu. Theo đó, Dự thảo mới chỉ quy định tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước còn được chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ. Quy định này hạn chế rất nhiều quyền tài sản của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp pháp, giảm khả năng phân bổ và tận dụng các nguồn lực để sản xuất kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại, Công nghiệp Việt Nam

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại, Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng: Mọi tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp pháp đều được ghi nhận quyền, bất kể có nộp tiền hay không nộp tiền cấp quyền, bất kể thuộc diện được cấp phép hay diện được miễn đăng ký, cấp phép. Quyền khai thác sử dụng tài nguyên nước của các nhân, tổ chức là quyền tài sản theo pháp luật dân sự, theo đó bao gồm đầy đủ các quyền như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, chuyển nhượng, sử dụng làm tài sản bảo đảm và các quyền tài sản khác.

Điều 48 của Dự thảo quy định về việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều khoản hết sức quan trọng vì nó là cơ sở để xác lập quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, bao gồm các nghĩa vụ làm thủ tục và nghĩa vụ tài chính. Các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo quy định trực tiếp trong luật, mà không giao Chính phủ quy định ở cấp Nghị định, nhằm bảo đảm tính minh bạch, ổn định của pháp luật.

Thể chế hoá chủ trương phát triển kinh tế nước

Bàn về dự án Luật này, Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho rằng, dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung quy định về thuế, phí về tài nguyên nước để phản ánh đúng, đủ giá trị của tài nguyên nước làm nguyên tắc định hướng khi sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thuế, phí. Cụ thể, quy định giá tính thuế tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, giá và phải căn cứ các yếu tố: mục đích sử dụng, mức độ khan hiểm, mức độ căng thẳng của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế, xã hội trong khu vực. Đồng thời, quy định dẫn chiếu “Việc ban hành, tổ chức thực hiện thuế, phí về tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, phí” để bảo đảm tính đồng bộ hệ thống pháp luật;

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước, cụ thể: sửa đổi, bổ sung đối tượng tính tiền cấp quyền khai thác sử dụng nước (tính tiền cấp quyền đối với các trường hợp khai thác sử dụng nước cho nông nghiệp, kinh doanh cấp nước sinh hoạt, không tình tiền cấp quyền với các trường hợp khai thác, sử dụng nước biển; khai thác, sử dụng nước với hình thức ngăn sông, suối, kênh, rạch không gắn với lưu lượng khai thác của công trình); quy định căn cứ xác định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước phải tính đến các yếu tố: số lượng, chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác.

Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà

Về vấn đề này, một số chuyên gia kiến nghị cần bổ sung quy định “Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được ưu tiên sử dụng cho các hoạt động về bảo vệ, phát triển, tích trữ nước; cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác nước; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng kiến nghị bổ sung các công cụ kinh tế mới như chi trả các dịch vụ liên quan đến tài nguyên nước để thể chế hoá chủ trương phát triển kinh tế nước, xem nước là hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường, xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước có sự tham gia điều tiết, quản lý của nhà nước.

Quan tâm đến việc hạch toán tài nguyên nước, một số chuyên gia đề nghị bổ sung quy định về nội dung về tập hợp các tài khoản tích hợp hệ thống, đồng bộ các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước với thông tin kinh tế của các ngành kinh tế, hoạt động dân sinh để xác định hiện trạng, biến động và dự báo về giá trị của tài nguyên nước cho các hoạt động kinh tế - xã hội, làm công cụ phản ánh giá trị tài sản của tài nguyên nước trong các hoạt động khai thác sử dụng nước, theo các lĩnh vực, ngành kinh tế, theo các vùng, lưu vực sông và trong từng thời kỳ phát triển kinh tế của đất nước. Kết quả hạch toán tài nguyên nước là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều hòa, phân bổ và thực hiện các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông

Ngoài ra, cần bổ sung quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với các hoạt động có liên quan đến tài nguyên nước để thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển, phục hồi nguồn nước./.

Hồ Hương