Giám sát đồng thời 3 CTMTQG có nhiều điểm mới so với trước đây
Liên quan đến giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” tại buổi làm việc giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc mới đây, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 47/2022/QH15 về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và đã ban hành Kế hoạch giám sát tối cao về các CTMTQG. Đợt giám sát lần này có nhiều điểm mới, đặc thù so với trước đây. Cụ thể là:
Thứ nhất, sẽ giám sát đồng thời cả 3 CTMTQG, thay vì trước đây chỉ tiến hành giám sát từng chương trình (tức là 3 trong 1). Nhiệm vụ được giao cho 3 cơ quan chủ trì, phối hợp là Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Kinh tế, trong đó, Hội đồng Dân tộc là cơ quan thường trực Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành
Thứ hai, hoạt động giám sát được tiến hành ngay trong quá trình đang triển khai (được xem là giám sát giữa kỳ) thay vì tiến hành giám sát vào thời điểm đã kết thúc chương trình hoặc giai đoạn 5 năm của Chương trình. Đặc biệt trong bối cảnh 3 CTMTQG thực hiện bị chậm nhiều so với tiến độ, yêu cầu và nảy sinh một số vướng mắc. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, nội dung giám sát sẽ tập trung nhiều vào phân tích, đánh giá tính khả thi, phù hợp của các chính sách, dự án, tiểu dự án trong các CTMTQG.
Thứ ba, Báo cáo kết quả giám sát sẽ là báo cáo chung của cả 3 Chương trình. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, nội dung báo cáo cần thể hiện được mối liên hệ, tính thống nhất, chỉ rõ chồng chéo, bất cập trong quản lý chỉ đạo, điều hành (cả về địa bàn và nội dung)… của cả 3 CTMTQG. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ có những xử lý kịp thời, nhằm sớm đưa các CTMTQG vào thực hiện một cách đồng bộ, đồng thời khuyến nghị những nội dung, các CTMTQG cho giai đoạn sau (2026-2031).
Thứ tư, trước khi Đoàn giám sát tiến hành giám sát các bộ, ngành trung ương và địa phương, sẽ có các Tổ công tác đến làm việc trước để chuẩn bị các nội dung liên quan phục vụ cho Đoàn giám sát. Đây là điểm mới so với các đợt giám sát trước đây về các CTMTQG.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, hiện nay Đoàn giám sát của Quốc hội đã ban hành kế hoạch giám sát chi tiết, đề cương gửi Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Về phối hợp thực hiện kế hoạch giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Ủy ban Dân tộc bám sát Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã được ban hành để chuẩn bị báo cáo và cử người tham gia phối hợp với Tổ Công tác phục vụ Đoàn giám sát khi được mời.
Báo cáo giám sát cần làm rõ thêm bất cập, hạn chế về công tác chỉ đạo, điều hành các CTMTQG
Về báo cáo giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, có 2 mốc thời gian gửi báo cáo: Báo cáo lần I gửi Đoàn giám sát trước ngày 15/2/2023 (số liệu tính đến hết 31/12/2022); bổ sung, cập nhật thông tin, số liệu và gửi báo cáo lần II trước ngày 15/07/2023 (cập nhật đến hết 30/6/2023).
Hiện nay bộ phận Thường trực Đoàn giám sát đã nhận được Báo cáo giám sát lần 1 của Ủy ban Dân tộc. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc thêm để bổ sung vào báo cáo một số nội dung sau:
Một là, đánh giá làm rõ những bất cập, hạn chế về công tác chỉ đạo, điều hành các CTMTQG, cả ở cấp trung ương và địa phương, bao gồm cả tổ chức bộ máy điều hành, cơ chế hoạt động và sự phối hợp.
Hai là, nội dung thể chế hóa các nghị quyết của Quốc hội đã đảm bảo đúng, trung và đầy đủ chưa; còn những nội dung nào chưa được thể chế hóa. Đánh giá tính phù hợp, khả thi của các chính sách cụ thể, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; định mức phân bổ nguồn vốn và cơ chế quản lý.
Ba là, đánh giá, làm rõ việc phối hợp, lồng ghép các nội dung quản lý, nội dung chính sách theo hướng tích hợp, đối tượng, địa bàn, nguồn lực để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bốn là, đánh giá kết quả đạt được bước đầu trên thực tiễn về triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách. Dự báo triển vọng hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Triển khai xây dựng Luật Dân tộc
Một trong những nội dung quan trọng khác được quan tam tại buổi làm việc giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc là về vấn đề triển khai xây dựng Luật Dân tộc. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, để đảm bảo đồng bộ hóa chính sách dân tộc, trong nhiệm kỳ khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đã giao cho HĐDT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đề xuất nghiên cứu, xây dựng Luật Dân tộc. Thường trực HĐDT đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu cụ thể.
Về định hướng mục tiêu nghiên cứu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần lý giải, làm rõ được nguyên nhân khách quan và chủ quan của việc chưa thành công quá trình xây dựng Luật Dân tộc trong các giai đoạn vừa qua; đề xuất cơ sở lý luận, phương pháp tiếp cận, định hướng nội dung, nội hàm xây dựng Luật Dân tộc; phân tích hệ thống pháp luật, chính sách về dân tộc theo hướng đồng bộ hóa trên cơ sở quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp 2013.
Để làm rõ các nội dung trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần có cơ chế để mời thêm các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm liên quan đến công tác dân tộc và xây dựng Luật; tổ chức nghiên cứu các chuyên đề chuyên sâu theo từng lĩnh vực; tổ chức hội thảo, khảo sát tại các bộ, ngành, địa phương.
Nêu rõ thời gian thực hiện nghiên cứu dự kiến 2 năm, từ năm 2023 đến năm 2024, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, căn cứ vào tình hình cụ thể sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm.
Xác định đây là nhiệm vụ khó, quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi phải có sự tham gia, vào cuộc của nhiều cơ quan bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, Thường trực HĐDT đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với HĐDT ngay từ khi xây dựng kế hoạch, phân công lãnh đạo tham gia, cử đầu mối phối hợp; bố trí kinh phí để tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo…/.