CẦN XÁC ĐỊNH RÕ CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Việc sửa đổi Luật này được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành khác có quy định về giá; đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả; vừa đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế.
Luật Giá sửa đổi kiên trì mục tiêu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước để phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn về: Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; Phương pháp định giá; Bình ổn giá; Kê khai giá; Hiệp thương giá; Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; Điều kiện đối với doanh nghiệp thẩm định giá; Điều kiện đối với thẩm định viên về giá; Hoạt động thẩm định giá của nhà nước.
Quan tâm đến Dự thảo Luật này, ThS.Phạm Thị Bảo Thoa, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Tô Hiệu cho rằng, Dự thảo Luật cần thể chế hóa đầy đủ, chuẩn xác chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước; nhất là đảm bảo tính tuân thủ và chất lượng trong cung cấp dịch vụ thẩm định giá.
ThS.Phạm Thị Bảo Thoa, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Tô Hiệu
Phóng viên: Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang tiếp tục được hoàn thiện, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới đây. Theo bà, những vấn đề trọng tâm cần sửa đổi đã được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật lần này hay chưa?
ThS.Phạm Thị Bảo Thoa - giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Tô Hiệu: Trước tiên, phải khẳng định rằng, mục tiêu sửa đổi Luật Giá lần này đã thể hiện rất rõ quan điểm đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước; nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hướng đến thực hiện các mục tiêu hài hòa lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, người dân và nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Đồng thời, việc sửa đổi luật cũng đảm bảo kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định tại Luật giá và các Luật chuyên ngành có quy định về giá còn phù hợp với thực tiễn; sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất. Loại bỏ những quy định không còn phù hợp, chồng chéo, vướng mắc; Luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới Luật đã ổn định.
Nhận thấy tinh thần này đã được thể hiện tương đối rõ ở Dự thảo Luật lần này, do đó, tôi đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các Bộ, ngành hữu quan trong việc tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo luật.
Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn còn băn khoăn về một số vấn đề mang tính tổng thể. Cụ thể, về tính thống nhất, Dự thảo Luật cần xác định rõ nguyên tắc các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này.
Bên cạnh đó, qua rà soát tôi nhận thấy, Dự thảo Luật còn có đến 13 điều giao Chính phủ, trong đó có nhiều nội dung thuộc phạm vi quy định của Luật. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu thêm để đảm bảo tính cụ thể của Luật.
Phóng viên: Vấn đề về chất lượng trong cung cấp dịch vụ thẩm định giá là một trong những vấn đề đã phát sinh vướng mắc trong thời gian qua. Bà có đánh giá như thế nào đối với những sửa đổi về nội dung này trong Dự thảo Luật Giá?
ThS.Phạm Thị Bảo Thoa - giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Tô Hiệu: Xoay quanh nội dung về dịch vụ thẩm định giá cũng có khá nhiều vấn đề cần quan tâm như: Thẻ thẩm định viên về giá; đăng ký hành nghề thẩm định giá; thẩm định viên về giá; doanh nghiệp thẩm định giá; điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; giá dịch vụ thẩm định giá; cơ chế giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá…
Đối với nội dung này, tôi quan tâm nhiều đến vấn đề thẻ thẩm định viên về giá. Theo nghiên cứu của tôi, tính đến thời điểm đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã cấp khoảng hơn 2.300 thẻ thẩm định viên về giá. Năm 2022 có số lượng giảm bất thường số thẩm định viên đăng ký hành nghề (giảm 15%), đây là sự thay đổi bất thường so với số liệu tăng liên tục trong 8 năm qua.
Theo quy định của Luật Giá hiện hành thì chỉ có duy nhất một loại thẻ thẩm định viên về giá, và người có thẻ hành nghề được phép định giá trị tất cả mọi loại tài sản.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần đảm bảo tính tuân thủ và chất lượng trong cung cấp dịch vụ thẩm định giá. (Ảnh minh họa)
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) lần này đã quy định thẻ thẩm định viên về giá là chứng nhận chuyên môn trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định giá doanh nghiệp cấp cho người đạt yêu cầu tại kỳ thi thẩm định viên về giá. Theo Dự thảo Luật này sẽ có 2 loại thẻ thẩm định viên về giá: Thẻ thẩm định viên về giá tài sản và Thẻ thẩm định giá về giá doanh nghiệp. Đây là điểm thay đổi mới của Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) so với Luật Giá hiện hành.
Qua thực tiễn cho thấy, hoạt động thẩm định giá bất động sản chiếm phần tương đối lớn công việc của các doanh nghiệp thẩm định giá ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Khối lượng công việc hiện tại ở các doanh nghiệp thẩm định giá phần lớn là thẩm định giá bất động sản. Tương tự như vậy, ở một số nước khu vực Châu Âu, 90% hoạt động thẩm định giá là bất động sản.
Việc thẩm định giá trị bất động sản là một hoạt động chuyên môn sâu, đòi hỏi người thẩm định giá phải có kiến thức sâu rộng về pháp luật đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Còn những hoạt động định giá các tài sản đặc thù khác lại đòi hỏi có kiến thức chuyên môn rất sâu về các lĩnh vực đó như thương hiệu là tài sản vô hình hoặc định giá giá trị tổng hợp của nhiều loại tài sản kết hợp như định giá doanh nghiệp.
Có thể thấy, mỗi loại tài sản đều có đặc thù riêng, mức độ phức tạp khác nhau, đòi hỏi người thẩm định giá phải thực sự có kiến thức chuyên sâu về chủng loại tài sản mà mình thẩm định giá. Việc phân loại thẩm định viên về giá theo lĩnh vực giúp các thẩm định viên sẽ tập trung chuyên môn vào một mảng tài sản nhất định giúp cho chuyên môn nghiệp vụ sẽ chuyên sâu hơn và về lâu dài chất lượng hoạt động thẩm định giá sẽ tốt hơn. Do vậy, việc phân loại thẩm định viên như Dự thảo Luật là cần thiết để nâng cao chất lượng thẩm định giá tài sản.
Phóng viên: Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá, đặc biệt đảm bảo tính nghiêm minh đối với các hoạt động về dịch vụ thẩm định giá, bà có những đề xuất gì trong hoàn thiện nội dung này?
ThS.Phạm Thị Bảo Thoa - giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Tô Hiệu: Để tăng cường tính nghiêm minh đối với dịch vụ thẩm định giá, tôi đề nghị rà soát các quy định về điều kiện hành nghề; về cơ chế đánh giá tín nhiệm đối với thẩm định viên, công ty thẩm định giá và công khai kết quả đánh giá hàng năm…
Đối với thẩm định viên về giá, cần phân loại thẩm định viên theo phân cấp bậc và cấp thẻ thẩm định viên về giá theo lĩnh vực chuyên sâu. Cụ thể, Luật Giá (sửa đổi) nên quy định phân loại thành nhiều loại thẻ hành nghề thẩm định giá như: Thẩm định viên thẩm định giá bất động sản; Thẩm định viên thẩm định giá trị doanh nghiệp; Thẩm định viên thẩm định giá tài sản là động sản; Thẩm định giá tài sản vô hình… Việc nghiên cứu phân cấp theo kinh nghiệm và trình độ của thẩm định viên đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Nếu Việt Nam nghiên cứu áp dụng thì việc quản lý thẩm định viên dễ dàng hơn đồng thời thẩm định viên cũng luôn có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn để đạt mức độ chuyên gia cao cấp nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp này.
Hiện nay, Bộ Tài chính tổ chức kỳ thi thẩm định viên về giá mỗi năm 1 lần và thẻ thẩm định viên về giá được phép thẩm định giá mọi loại tài sản. Trong khi đó, nhiều thẩm định viên còn rất thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nhiều thẩm định viên còn rất lúng túng trong việc thực hiện các vụ thẩm định giá tài sản thực tế. Theo tôi, nên tổ chức kỳ thi cấp thẻ làm nhiều giai đoạn để người làm thẩm định giá vừa am hiểu lý thuyết vừa có ứng dụng thực tế, không nên hạn chế chỉ cho những người đã công tác 36 tháng tại doanh nghiệp thẩm định giá mới được phép dự thi.
Đồng thời, xem xét, nghiên cứu việc mở rộng đối tượng thi thẻ thẩm định viên về giá cho mọi đối tượng vì thực tế cần có rất nhiều người có chuyên môn, kinh nghiệm khác nhau trong xã hội tham gia thực hiện thẩm định giá các loại tài sản khác nhau.
Đối với doanh nghiệp thẩm định giá, Dự thảo Luật đã quy định tương đối rõ về việc đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Theo đó, doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong các trường hợp như: Không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này trong 03 tháng liên tục; Phát hành Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo kết quả thẩm định giá do người không phải là thẩm định viên về giá ký với vai trò thẩm định viên về giá; Các trường hợp đình chỉ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật xử lý vi phạm hành chính.
Doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau: Kê khai không đúng hoặc gian lận, giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Không phát hành Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo kết quả thẩm định giá trong thời hạn 1 năm; Không khắc phục được vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bị đình chỉ; Bị giải thể, phá sản hoặc tự chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Theo tôi, cần rà soát kỹ nội dung này, đảm bảo vừa bao quát, vừa cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai trong thực tiễn. Các văn bản hướng dẫn thi hành cũng phải được ban hành kịp thời, thống nhất. Như vậy sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả thi hành Luật, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!