QUY ĐỊNH RÕ THỜI ĐIỂM KẾT THÚC THƯƠNG LƯỢNG TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TRANH CHẤP GIỮA NGƯỜI TIÊU DÙNG VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

25/02/2023

Để bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch mua sắm sản phẩm, hàng hóa, nhiều luật sư cho rằng, trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần quy định rõ thời điểm kết thúc thương lượng trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân

CÂN NHẮC VIỆC DOANH NGHIỆP PHẢI CUNG CẤP DỮ LIỆU THEO THỜI GIAN THỰC TRONG GIAO DỊCH VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO MẬT THÔNG TIN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG THAM GIA GIAO DỊCH VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010). Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung.


Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 07 Chương, 79 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021. Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cẩu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Hiện nay, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật đang trong quá trình hoàn thiện dự án Luật để dự kiến, Quốc hội sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, luật sư với dự án Luật là quy định về vai trò của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng; tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng...


Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức.

Cho ý kiến vào nội dung trên, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu quan điểm: Khoản 3, Điều 55 và các khoản 3, 4, 5, Điều 56 quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng trong việc thương lượng. Việc này có nghĩa là người tiêu dùng được quyền đồng thời đề nghị cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc thương lượng diễn ra rất nhiều trên thực tế. Kết quả thương lượng do các bên thiện chí thực hiện mà không có giá trị pháp lý bắt buộc; vai trò tham gia của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội chỉ có ý nghĩa hỗ trợ. Vì vậy, không cần thiết yêu cầu cùng một lúc cả 2 tổ chức này tham gia hỗ trợ trong mọi trường hợp mà cần xem xét chỉ nên quy định người tiêu dùng yêu cầu một trong hai tổ chức tham gia hỗ trợ, trừ một số trường hợp đặc biệt như tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời trong thời hạn quy định hoặc tổ chức được yêu cầu không tham gia hỗ trợ khi đã hết thời hạn quy định.

Ngoài ra, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, các khoản 5 và 6, Điều 56 quy định về thời hạn báo cáo kết quả cho cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội dựa vào “thời điểm kết thúc thương lượng”. Tuy nhiên, không xác định được khi nào là thời điểm kết thúc thương lượng. Do vậy, cần xác định thời điểm kết thúc thương lượng; đồng thời cần ấn định ngày chậm nhất phải báo cáo trong trường hợp không xác định được thời điểm kết thúc thương lượng.


Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Cho ý kiến về trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, bà Phan Thị Hương Giang- Đại học Kinh tế -Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tại khoản 2 Điều 30 dự thảo luật về “Trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng”,  tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng theo đúng quy trình đã công bố.

Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn về thời hạn giải quyết khiếu nại để thấy rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đo, bà Phan Thị Hương Giangđề xuất đưa vào trong quy định này nội dung về thời hạn giải quyết khiếu nại. Theo đó, khoản 2 Điều 30 bổ sung như sau: “tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng theo đúng quy trình đã công bố”. Cách quy định như trên cũng có sự phù hợp với quy định tại điều 56 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng./.

Bích Lan