QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI) PHẢI CHẶT CHẼ, KHẢ THI - KHẮC PHỤC TRIỆT ĐỂ BẤT CẬP CỦA LUẬT HIỆN HÀNH
Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt
Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án Luật, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, so với quy định hiện hành, Dự thảo đã bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (Mục 2 Chương II). Quy định này được hiểu nhằm giải quyết cho các trường hợp các dự án, dự toán thuộc trường hợp phải phải thực hiện đấu thầu, nhưng không thể tổ chức theo quy trình đấu thầu thông thường. Dự thảo đã thiết kế riêng quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt. Vì đây là quy định mới và là các trường hợp ngoại lệ, không phải áp dụng theo quy trình đấu thầu thông thường nên cần thiết phải quy định đủ rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện, tránh bị lạm dụng và tạo rủi ro pháp lý cho các đối tượng thực hiện.
Tuy nhiên, các quy định tại Mục 2 Chương II Dự thảo còn khá chung chung và chưa đủ rõ ở một số điểm, cụ thể:
Về các trường hợp lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (Điều 27), điểm c khoản 2 Điều 27 Dự thảo quy định “Gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh, bảo đảm và điều kiện khác trong quá trình thực hiện hợp đồng” thuộc trường hợp đặc biệt là phù hợp. Tuy nhiên, việc mua sắm vắc xin của trường hợp này phải gắn với điều kiện cụ thể nào đó. Ví dụ, việc mua sắm vắc xin covid -19 phải gắn với trường hợp đại dịch covid -19 đang diễn ra, cần thiết phải có vắc xin để phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh. Còn trong trường hợp không có dịch bệnh, các nguy cơ tác động đến lợi ích công cộng (sức khỏe, tính mạng con người) chưa đủ rõ ràng, thì việc mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm với các yêu cầu của nhà sản xuất như quy định tại điểm c khoản 2 Điều 27 Dự thảo là chưa hợp lý.
Hội thảo của VCCI về công tác đấu thầu
Do đó, đề nghị xem xét bổ sung điều kiện vào quy định tại điểm c khoản 2 Điều 27 Dự thảo theo hướng: gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh, bảo đảm và điều kiện khác trong quá trình thực hiện hợp đồng trong trường hợp dịch bệnh đang và/hoặc nguy cơ diễn ra.
Về quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (Điều 29), theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28 Dự thảo, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định: Phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp dự án, gói thầu quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Dự thảo đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; Phương án lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi quản lý quy định tại điểm b, c và đ khoản 2 Điều 27 Dự thảo
Điều 29 Dự thảo quy định về quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, tuy nhiên chỉ quy định về quy trình Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 27. Không rõ, đối với trường hợp quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều 27 Dự thảo, Phương án lựa chọn nhà thầu sẽ được phê duyệt theo quy trình nào?
Mặt khác, quy định tại Dự thảo cũng chưa rõ thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 Dự thảo cũng như quy trình để phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp này.
Điểm c khoản 2 Điều 1 Dự thảo “dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội” là trường hợp phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. Theo quy định này thì bất kỳ khoản mua sắm nào để duy trì hoạt động thường xuyên của các chủ thể trên có nguồn gốc từ vốn nhà nước, đều phải tổ chức đấu thầu. Theo đó, rất nhiều khoản chi trong chi thường xuyên có giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến một vài triệu đồng như các khoản sửa chữa thường xuyên phát sinh đột xuất như: sửa xe ô tô, máy tính, máy in, điều hoà; sửa một vài chỗ hư hỏng nhỏ như nền nhà, cửa sổ, bàn làm việc, tủ tài liệu; …cũng nằm trong danh mục phải tổ chức lựa chọn nhà thầu. Điều này gây khó khăn trong hoạt động của các chủ thể trên.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại, Công nghiệp Việt Nam
Điểm d khoản 2 Điều 27 Dự thảo lại quy định “Gói thầu thuộc dự toán mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Có thể quy định này sẽ giải quyết cho bất cập được nêu ở trên, tuy nhiên lại chưa đủ rõ ràng về các nội dung như: thẩm quyền quyết định, Chính phủ sẽ quy định về vấn đề gì (điều kiện để gói thầu này thuộc trường hợp đặc biệt – để phân biệt với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Dự thảo? quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt này như thế nào?). Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch của quy định và thuận lợi trong quá trình thực hiện, cần quy định rõ các vấn đề trên.
Cũng cho ý kiến về quy định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Trưởng phòng Đấu thầu - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Hữu Lợi cho rằng, về hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (quy định tại các điều 25, 26 và 27 Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi), cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ thêm phương thức giao thầu (không thông qua quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu) để thực hiện các công trình khẩn cấp quy định tại Điều 130 Luật Xây dựng được sửa đổi tại khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng và các gói thầu cần thực hiện trong tình huống khẩn cấp. Ví dụ gói thầu mua sắm trang thiết bị Y tế, thuốc chữa bệnh... nhằm kịp thời trong tình huống phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Liên quan vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đề nghị, Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần có chương riêng về đấu thầu thuốc hoặc nội dung này cần được Chính phủ hướng dẫn cụ thể. Theo đó, về thẩm quyền mua sắm thuốc, bệnh viện hiện đã thực hiện tự chủ nhưng thuốc phải do Bộ Y tế, địa phương thẩm định, phê duyệt. Việc này sẽ đánh mất sự tự chủ, thời gian mua sắm thuốc kéo dài không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh.
Đảm bảo tính rõ ràng trong các quy định về hợp đồng với nhà đầu tư
Đối với các quy định về hợp đồng với nhà đầu tư, đại diện VCCI cho biết, Mục 2 Chương VII Dự thảo quy định về các nội dung liên quan đến hợp đồng với nhà đầu tư. Một số vấn đề cần được xem xét như sau:
Về nội dung hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh (Điều 71), điểm c khoản 1 Điều 71 Dự thảo quy định hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh có nội dung “thiết kế, tổ chức thi công; vận hành, sản xuất, kinh doanh của dự án”. Theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là một trong các phương thức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ sử dụng vốn của mình để triển khai thực hiện dự án và tổ chức hoạt động kinh doanh đối với dự án này. Nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm đối với hiệu quả của dự án đầu tư và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, các pháp luật chuyên ngành khác.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần đảm bảo tính rõ ràng trong các quy định về hợp đồng với nhà đầu tư
Với tính chất này, không rõ trong hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh sẽ thỏa thuận vấn đề gì? Quy định này cũng có khả năng không thống nhất với quy định tại Điều 72 Dự thảo về thời hạn của hợp đồng. Theo quy định tại Điều 72 Dự thảo thì thời hạn của hợp đồng kéo dài cho đến khi “hoàn thành nghĩa vụ đầu tư, xây dựng công trình”, trong khi đó nội dung này thì thỏa thuận đến cả khi “vận hành, sản xuất, kinh doanh của dự án”. Do đó, đề nghị bỏ cụm từ “vận hành, sản xuất, kinh doanh của dự án” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 71 Dự thảo.
Về sửa đổi, chấm dứt hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh (Điều 74), khoản 1 Điều 74 Dự thảo liệt kê các trường hợp hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh được sửa đổi là: “Khi dự án đầu tư thuộc trường hợp và đáp ứng điều kiện để điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư”; “Khi chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan”; Khi điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật được các bên thỏa thuận tại hợp đồng.
Theo quy định tại pháp luật đầu tư thì trường hợp thứ hai và ba đều thuộc trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư, tức là thuộc trường hợp một. Việc liệt kê theo hướng trên khiến cho quy định bị rối và khiến cho nhà đầu tư không biết phải thực hiện thủ tục như thế nào khi thuộc các trường hợp hợp đồng phải sửa đổi. Bởi vì, khoản 2 Điều 74 chỉ hướng dẫn thủ tục cho sửa đổi hợp đồng thuộc trường hợp 1, không rõ khi thuộc trường hợp 2, 3, 4 thì sẽ phải thực hiện thủ tục như thế nào.
Vì vậy, để đảm bảo tính rõ ràng, VCCI đề nghị điều chỉnh lại Điều 74 theo hướng: Liệt kê các trường hợp sửa đổi hợp đồng theo đó, các trường hợp phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; các trường hợp không thuộc trường hợp số 1; Quy định quy định sửa đổi hợp đồng trong trường hợp phải điều chỉnh dự án đầu tư, chủ trương đầu tư và trường hợp không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, tiêu đề của Điều 74 Dự thảo quy định về “sửa đổi, chấm dứt hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh” nhưng Điều 74 lại không quy định về trường hợp chấm dứt hợp đồng này. Đề nghị bổ sung các trường hợp chấm dứt hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.