THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Thực hiện nhiệm vụ đối với các lĩnh vực do Ủy ban phục trách, Ủy ban Xã hội đã có các cuộc làm việc về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn vừa qua. Theo đó, Ủy ban đã tiến hành giám sát, khảo sát thực tế tại 07 tỉnh, thành phố; đề nghị một số Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động tổ chức giám sát nội dung này tại địa phương; đề nghị một số bộ, ngành và một số tập đoàn, tổng công ty báo cáo; tổ chức một số cuộc làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số cơ quan có liên quan. Qua các cuộc làm việc, Ủy ban xã hội, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để ngành bảo hiểm xã hội hoàn thành được mục tiêu đề ra, hướng đến giá trị cốt lõi là đảm bảo an sinh, phát triển bền vững.
Thẳng thắn nhìn nhận những ưu điểm, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Kể từ khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được ban hành đến hết năm 2021, đã có 81 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và các nội dung trong luật khác có liên quan (Luật An toàn, vệ sinh lao động, Bộ luật Lao động) về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN). Đặc biệt, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW). Đây là Nghị quyết đầu tiên của Trung ương ban hành riêng về chính sách bảo hiểm xã hội, định hướng cho các cơ quan, địa phương trong toàn hệ thống chính trị và cả nước trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển BHXH giai đoạn 2020 - 2030.
Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
Quan các cuộc làm việc và khảo sát, Ủy ban Xã hội cho biết, về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có chất lượng và bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chính sách, chế độ về BHXH, BHTN, BHLNLĐ-BNN, góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện, tạo thuận lợi hơn để người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận, thực hiện các chính sách, chế độ; Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Đảng đã được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và thống nhất trong toàn quốc. Sự chuyển biến về nhận thức, về quan điểm tư tưởng với một quyết tâm chính trị rất cao trong cả hệ thống chính trị được nâng lên một bước. Đây là cơ hội, định hướng cho các Bộ, ngành và BHXH Việt Nam cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, hướng tới mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân đều được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Xã hội, vẫn còn nội dung theo quy định của Luật chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn hoặc có quy định, hướng dẫn nhưng chưa đi vào cuộc sống một cách thực chất. Vẫn còn tình trạng ban hành văn bản chậm so với quy định và yêu cầu.
Bê cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn tập trung về giải quyết hậu quả của thất nghiệp thông qua chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, tư vấn kết nối việc làm mà chưa thiết kế các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, hạn chế sa thải, tuyển dụng lao động thất nghiệp dài hạn khó tìm việc làm như thông lệ các nước. Mặt khác, người lao động thất nghiệp chủ yếu nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo nghề để chuyên đổi công việc.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN chưa đạt hiệu quả cao, mới đạt yêu cầu trên diện rộng, mang tính phổ quát nhưng chưa thực hiện thường xuyên; Việc kết nối, chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân còn chưa hoàn toàn liên thông;
Nâng cao tỷ lệ bao phủ, thực hiện chuyển đổi số
Đưa ra ý kiến nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của ngành BHXH Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng, ngành BHXH cần thực hiện một số đột phá quan trọng trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ ở dữ liệu, quy trình thủ tục hành chính, mà cần tiến tới chuyển đổi số toàn diện.
Quá trình này kéo theo sự thay đổi về mọi mặt trong hoạt động của ngành, từ quy trình làm việc, con người, hạ tầng, chính sách, thói quen, các mối quan hệ, cho đến văn hóa tổ chức… Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có thông điệp nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, trong đó nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Do đó, ngành BHXH Việt Nam cần sớm có kế hoạch, lộ trình cụ thể để tiến tới chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực của Ngành.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện bộ công cụ khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành BHXH Việt Nam, tiến tới triển khai đánh giá trực tiếp ý kiến của người dân về mức độ hài lòng đối với ngành BHXH Việt Nam trong quá trình xử lý, giải quyết chính sách, chế độ. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhân lực ngành BHXH Việt Nam giỏi chuyên môn nghiệp vụ, yêu nghề, gắn bó với nghề.
Hiến kế góp phần cho thành công của công tác BHXH, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhận định, các ưu đãi tài chính của Chính phủ đối với thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện cho thấy sự cam kết chính sách. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm quốc tế, đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ để mở rộng diện bao phủ. Tại một số tỉnh/ thành phố ở Việt Nam, các kênh truyền thông qua hội nghị trực tiếp, mạng lưới đại lý và tài liệu truyền thông còn hạn chế. Nhóm người có tiềm năng tham gia từ các hiệp hội, hợp tác xã chưa được tiếp cận, vận động một cách sáng tạo…
Chia sẻ một số kinh nghiệm chọn lọc từ các nước như: Rwanda, Ấn Độ, Colombia trong thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đề xuất, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần lập một khung chuỗi các hoạt động để xác định hành trình của khách hàng (người tham gia) qua các giai đoạn từ khi tiếp cận chính sách đến khi dừng tham gia có đánh giá tương tác ở mỗi giai đoạn. Hoạt động này sẽ cung cấp thông tin tổng quan về môi trường hoạt động của chương trình và xác định lỗ hổng trong triển khai và vấn đề trong hoạt động.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác BHXH, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố bám sát vào chỉ đạo của BHXH Việt Nam xây dựng các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, trong đó tập trung các giải pháp: Chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT, BHTN vào Nghị quyết của HĐND các cấp, đồng thời giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp huyện, cấp xã; tham mưu kế hoạch, nội dung giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN.
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế; Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các DN, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia và nộp đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.