THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO BỘ Y TẾ
Tri ân những người Thầy thuốc của Nhân dân
Cách đây tròn 68 năm, ngày 27/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đến Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc, ân cần thăm hỏi, dành sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ y tế. Trong thư, Bác cũng đã căn dặn đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế “phải thương yêu người bệnh; người bệnh phó thác tính mạng của họ với các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ của Đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ y tế cần phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình; coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn; lương y phải như từ mẫu".
Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955
Từ bức thư lịch sử đó, ngày 27/02, Ngày Thầy thuốc Việt Nam trở thành dịp bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn mọi thách thức, xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng cao hơn, tốt hơn nữa nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Trong 68 năm qua, ngành Y tế đất nước ta đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm; hệ thống chính sách tài chính, bảo hiểm y tế; năng lực chuyên môn, trình độ khoa học của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nghiên cứu về sức khỏe… đều có bước phát triển vững mạnh. Nhiều giáo sư, bác sĩ đã trở thành những tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần vì nước, vì dân, sống hết mình vì người bệnh, xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi theo. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, lực lượng y tế đã đứng ở tuyến đầu, không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm, hy sinh để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, trực tiếp cứu chữa người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh.
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2023), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chúc đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn giữ vững nhiệt huyết, yêu nghề, phát huy phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc Việt Nam, góp phần vào công tác chăm sóc sức khoẻ cho toàn thể Nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tặng hoa tri ân đội ngũ y, bác sĩ
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhận định, hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân của Việt Nam trong nhiều năm qua và đặc biệt những năm gần đây được cộng đồng quốc tế và khu vực đánh giá cao, đặc biệt là trong việc kiểm soát COVID-19, các bệnh truyền nhiễm, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chất lượng nguồn nhân lực y tế ngày càng được tăng cường, đa dạng hóa các phương thức đầu tư cho lĩnh vực y tế, thực hiện bảo hiểm y tế toàn, y tế cơ sở ngày càng được quan tâm và từng bước đầu tư, nâng cấp để các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng gần người dân, thuận lợi, dễ tiếp cận, quan tâm nhiều hơn trong gắn kết giữa y tế với tuyên truyền, giáo dục lối sống, chú trọng công tác phòng bệnh trong đó có phòng, chống các yếu tố nguy cơ như tác hại của thuốc lá, rượu, bia…
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, Việt Nam liên tục đã và đang xây dựng chính sách xã hội hướng tới mục tiêu tiến bộ, công bằng, hiệu quả, chính vì vậy các chính sách, pháp luật về y tế luôn được Đảng, Nhà nước coi là trọng tâm để thực hiện mục tiêu lấy con người là trung tâm trong thúc đẩy phát triển toàn diện.
Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng ngành y tế
Chia sẻ nhân dịp Ngày thầy thuốc Việt Nam, hướng đến kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội mong muốn các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục vượt qua thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với chức năng được Đảng, Nhà nước giao, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm cho người dân có cuộc sống, sức khỏe tốt nhất với tinh thần thầy thuốc như mẹ hiền.
TS.Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đại dịch COVID-19 vừa qua đã làm bộc lộ nhiều vấn đề về nguồn nhân lực, thể chế, vấn đề điều hành và cả vướng mắc ở nhiều khâu trong quá trình quản lý, đặt ra cho ngành y tế những khó khăn, thách thức to lớn. Vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nội tại ngành y tế để củng cố niềm tin, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các thầy thuốc với nhân dân. Đảng và Nhà nước cần chia sẻ với ngành y tế, cùng đồng hành, đồng lòng để giải quyết nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là chăm sóc sức khỏe nhân dân, để đất nước có một nền y tế vừa hiện đại, vừa nhân văn và mang đầy bản sắc dân tộc.
TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của ngành y tế, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về một số giải pháp liên quan đến thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 về phòng chống COVID-19 và giải pháp liên quan đến việc gia hạn thuốc có Giấy phép lưu hành đã hết hiệu lực nhưng chưa kịp gia hạn để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm”, đưa ra nhiều quy định mới tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện cho ngành y tế phát triển hiện đại, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tế.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm cho rằng, Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội đều theo dõi rất sát, nắm bắt kịp thời thực tế những khó khăn, bất cập, những kiến nghị của cử tri nói chung và cử tri ngành y tế tại các địa phương nói riêng trong công tác khám chữa bệnh và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng đồng hành và chủ động trong phối hợp với Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong nghiên cứu các giải pháp kể cả trước mắt và lâu dài để khắc phục những bất cập hiện nay về công tác y tế. Quốc hội đã luôn chủ động nắm bắt, nghiên cứu kỹ lưỡng và sẽ quyết định kịp thời các đề xuất của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự ổn định, phát triển của hệ thống y tế.
Cần cải thiện chế độ, chính sách đối với lực lượng y tế
Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới đã nêu rõ, nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhân lực trong lĩnh vực này đã gặp nhiều khó khăn với áp lực công việc lớn, điều kiện làm việc nguy hiểm, cường độ làm việc cao, trong khi chế độ, chính sách chưa tương xứng. Vấn đề xây dựng, điều chỉnh chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đã nhiều lần được nêu trên nghị trường Quốc hội.
Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 20-NQ/TW để đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, cần thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế, xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo, có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực ngành y luôn là vấn đề được quan tâm trên nghị trường Quốc hội
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sỹ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học
Về giải pháp lâu dài, nhiều đại biểu đề nghị cần có sự hoàn thiện về nhiều quy định pháp luật liên quan, không những Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mà còn Luật Dược, Luật Thiết bị y tế, Luật Bảo hiểm y tế, v.v.. cùng nhiều Luật trong trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khác.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị các cơ quan chức năng tổng kết thi hành các Luật đã được ban hành từ 5-10 năm để một mặt phát huy những kết quả đạt được, mặt khác sẽ có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo đáp ứng tốt nhất yêu cầu, điều kiện cần thiết để lực lượng y, bác sỹ, nhân viên y tế yên tâm công tác, tận tâm tận lực cho sự nghiệp cao cả và vẻ vang bảo vệ sức khỏe của nhân dân.