ĐỀ XUẤT MỘT SỐ PHƯƠNG ÁN BỒI THƯỜNG VÀ HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ BỊ THU HỒI ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ, CÓ SINH KẾ ỔN ĐỊNH, ĐẢM BẢO THU NHẬP

27/02/2023

Đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm để người bị thu hồi đất là dân tộc thiểu số có sinh kể ổn định, bảo đảm thu nhập phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn.

NGUYÊN PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM NGÔ SÁCH THỰC: CHỐNG "THAO TÚNG, ĐẦU CƠ" ĐẤT ĐAI PHẢI CÔNG KHAI, MINH BẠCH CƠ CHẾ

QUY ĐỊNH RÕ TIÊU CHÍ ĐỂ ĐỊNH GIÁ ĐẤT SÁT VỚI THỊ TRƯỜNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN THAM MƯU

Luật Đất đai ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau gần 10 năm thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tiễn.


Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng hơn tới các phương án cho người bị thu hồi đất là dân tộc thiểu số tái định cư, có sinh kể ổn định, bảo đảm thu nhập (ảnh minh họa: Internet).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến đóng góp lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 và sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm để người bị thu hồi đất là dân tộc thiểu số có sinh kể ổn định, bảo đảm thu nhập phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn.

Đóng góp vào nội dung trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW15, cần nghiên cứu, có quy định cụ thể hơn phù hợp với đặc thù khó khăn của miền núi, hải đảo và tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, cần làm rõ nội dung chính sách Bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ (khoản 2 Điều 89). Theo đó, cần quan tâm giá trị bồi thường về đất và chính sách hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 77, 78) phải tương đương với giá trị thực hiện (vật chất và các lợi ích khác) của các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất (thực hiện theo Điều 128).


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La.

Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm (Điều 105) để người bị thu hồi đất là dân tộc thiểu số có sinh kể ổn định, bảo đảm thu nhập phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn như:

Thứ nhất, nếu tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì phải được giao đất ngay và phải phù hợp với tập quán sản xuất, sinh kế của người đất).

Thứ hai, nếu chuyển nghề phi nông nghiệp thì việc đào tạo, dạy nghề phải gắn với nhu cầu thị trường địa phương (không dạy nghề mà thị trường địa phương không có nhu cầu hoặc ít nhu cầu; không ép buộc, dạy các nghề theo kế hoạch của Nhà nước).

Thứ ba, UBND cấp tỉnh/huyện hoặc doanh nghiệp (sử dụng đất thu hồi) có trách nhiệm liên hệ tìm việc làm (trong/ngoài địa phương) phù hợp với trình độ, tay nghề của người có đất bị thu hồi, phối hợp với đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động trong việc tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động.

Thứ tư, có chính sách hỗ trợ thỏa đáng (hỗ trợ “một cục”) để khuyến khích, động viên người dân tự liên hệ, tìm công việc phù hợp (trong các doanh nghiệp, hợp tác xã...) hoặc tìm mua đất chỗ khác, cơ quan thực hiện thu hồi đất xác minh và chi trả cho người dân tự giải quyết.

Đối với quyền tham gia của người dân đối với các quy định của Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bởi thường, hỗ trợ, tái định cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nêu quan điểm: Thực tế thời gian qua cho thấy, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là ở cấp huyện có nhiều bất cập, dẫn đến kết quả lấy ý kiến và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng cao mang tính hình thức, không thực chất. Việc tham gia chính sách của đồng bào dân tộc thiểu số khi xây dựng giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có nhiều hạn chế do: Nhận thức về chính sách, pháp luật hạn chế; luôn tin tưởng và chấp hành chính sách của hỗ Đảng, Nhà nước... dẫn đến khi thực hiện, đời sống khó khăn hoặc người dân tìm hiểu chính sách, có so bì với các dự án khác và dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện. Vì thế, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hoặc các văn bản thi hành luật cần quy định cụ thể hơn, nhất là nội dung, cách thức lấy ý kiến và trách nhiệm thực hiện của địa phương để khắc phục tình trạng này.


GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp.

Liên quan đến nội dung thu hồi đất, GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp cho biết, trên thực tế triển khai thì còn thiếu nội dung “xác định giá đất cụ thể phục vụ bồi thường đất”. Vì vậy, Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung thêm nội dung này sau khi thông báo thu hồi đất, đo đạc địa chính khu đất và tiến hành trước thời điểm họp dân kiểm đếm. Thông thường khi tiến hành kiểm đếm thì người dân luôn hỏi chính sách bồi thường, trong đó người sử dụng đất quan tâm nhất là giá bồi thường đất.

Tại “Khoản 2 Điều 94 về Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở quy định: “hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bố trí tái định cư thông qua hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất và được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở theo quy định của pháp luật.”.

GS.TS Phạm Văn Điển nhận thấy, trong quá trình áp dụng, người dân có đất bị thu hồi thường đề nghị tái định cư (nếu được) vì cấp đất tái định cư có gia hợp lý hơn nên người dân vẫn thích đất tái định cư cho dù vẫn còn thửa đất khác có thể xây dựng nhà ở. Ngoài ra, thửa đất thứ hai có thể ở tại nơi có đất bị thu hồi nhưng cũng có thể ở địa phương khác, tỉnh khác (thu hồi ở thành phố nhưng còn đất ở quê hoặc ngược lại).  Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về thửa đất thứ hai là ở đâu. Trường hợp người sử dụng đất vi phạm do khai báo không trung thực để hưởng chính sách tái định cư tái định cư, hoặc cơ quan thực hiện bồi thường tái định cư do sơ suất để xảy ra sai phạm thì chế tài xử lý thế nào? Khắc phục ra sao khi để xảy ra sai phạm?

Tại “Điều 95 về Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm; cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng”.

Theo GS.TS Phạm Văn Điển, nên bổ sung thêm cả đối tượng là người nghèo thuộc dân tộc thiểu số và miền núi sống ở khu vực biên giới, hải đảo được bồi thường./.

Bích Lan