Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, gồm 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.
Hiện nay, Dự thảo luật đang trong quá trình được cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan giúp Ủy ban Thườn vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhằm đảm bảo chặt chẽ, khả thi trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (5/2023) tới đây.
Quan tâm tới dự Luật, Luật sư Hoàng Văn Sơn góp ý vào nhiều quy định cụ thể tại Dự thảo liên quan đến: khái niệm người tiêu dùng; các hành vi bị cấm; Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực; Trách nhiệm đối với sản phẩm có khuyết tật;...
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với khái niệm người tiêu dùng: Hiện nay, quy định này có hai quan điểm khác nhau. Tán thành quan điểm, người tiêu dùng bao gồm cả các cá nhân và các tổ chức. Tuy nhiên, luật sư Hoàng Văn Sơn cho rằng, đối với tổ chức phải giới hạn phạm vi được bảo vệ, theo đó hàng hóa, dịch vụ phải trực tiếp sử dụng cho tổ chức đó với mục đích sử dụng hàng hóa, dịch vụ phải được xác định rõ ràng, cụ thể.
Về nội dung quy định tại khoản 4 Điều 3: Luật sư Hoàng Văn Sơn đặt vấn đề, đối với sản phẩm, hàng hóa thì có quy định về khuyết tật. Vậy, dịch vụ có được coi là có khuyết tật không? Ví dụ: Các dịch vụ về môi giới bất động sản do người không có chứng chỉ hành nghề; dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, spa không do người có chuyên môn thực hiện; dịch vụ trông giữ xe; dịch vụ du lịch, dịch vụ vận chuyển hành khách tại thời điểm bán dịch vụ cũng chưa xác định được khuyết tật của dịch vụ... Từ chối cung cấp dịch vụ như: Dịch vụ công chứng, dịch vụ đăng kiểm ... mà không có lý do chính đáng. Tại thời điểm thực hiện dịch vụ, người tiêu dùng không thể và cũng không có khả năng để xác định dịch vụ có khuyết tật hay không.
Về quy định tại khoản 8 Điều 3 của Dự thảo: Luật sư Hoàng Văn Sơn kiến nghị cần bổ sung thêm “Người có ảnh hường” là: Các văn, nghệ sĩ, người dẫn chương trình truyền thông.
Về quy định tại khoản 1 Điều 10 của Dự thảo: Các hành vi bị cấm, cần bổ sung thêm: “Ép buộc người tiêu dùng đang sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình phải mua thêm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của tổ chức cá nhân khác mà người tiêu dùng phải miễn cưỡng thực hiện”. Ví dụ: Hiện nay đang phổ biến việc người gửi tiền tại ngân hàng hoặc vay tiền phải mua thêm gói bảo hiểm.
Về quy định tại khoản 1, 2 Điều 24: Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực trong các trường hợp sau: (1) Hạn chế, loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; (2) Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng.
Theo Luật sư Hoàng Văn Sơn, quy định tại khoản 1, 2 của điều này cần phải sửa đổi lại là “Hạn chế hoặc loại trừ trách nhiệm” chứ không thể “Hạn chế, loại trừ trách nhiệm”. Bởi vì, nếu viết: Hạn chế, loại trừ thì có thể hiểu phải bao gồm cả hạn chế và có cả loại trừ. Trường hợp chỉ có hạn chế, chúng ta vẫn có thể hiểu rằng điều khoản đó vẫn có hiệu lực hoặc điều khoản chỉ loại trừ quyền khiếu nại thì vẫn suy luận là điều khoản có hiệu lực.
Về quy định tại khoản 1 Điều 332: Trách nhiệm đối với sản phẩm có khuyết tật - Quy định như tại Dự thảo là chưa chính xác, bời vì, có sản phẩm có thể gây cả thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe và cả tài sản của người tiêu dùng thì xếp vào nhóm nào? Ví dụ: Sản phẩm có thể gây cháy, nổ thì có thể gây ra thiệt hại cho sức khóe, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng.
Về quy định giải trình tranh chấp bằng trọng tài tại Điều 66: Liên quan đến hiệu lực của điều khoản trọng tài, trong trường hợp điều khoản trọng tài tổ chức, cá nhân kinh doanh đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Do đó, Luật sư Hoàng Văn Sơn kiến nghị, khoản 2 Điều 66 cần bổ sung thêm: Hoặc được quyền lựa chọn tổ chức trọng tài khác được phép hoạt động tại Việt Nam kể cả trường hợp không phải là hợp đồng mẫu.
Thực tế, có nhiều tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lựa chọn tổ chức trọng tài nước ngoài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, mặc dù giá trị tranh chấp không lớn, cho nên người tiêu dùng tại Việt Nam đã phải từ bỏ việc khởi kiện. Bên soạn thảo hợp đồng họ bằng nhiều cách thức để đưa vào hợp đồng điều khoản trọng tài nước ngoài lấy lý do là do người tiêu dùng lựa chọn và soạn thảo./.