SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG: BỔ SUNG NGƯỜI NGHÈO LÀ ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

03/03/2023

Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đề nghị Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về người tiêu dùng được tặng thẻ quà tặng, người tiêu dùng là người nghèo, người tiêu dùng dịch vụ tài chính.

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI): GIỚI HẠN PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG LÀ TỔ CHỨC ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi nhằm hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vẫn còn nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương chưa được quy định trong Dự thảo Luật

Quan tâm đến các quy định về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, TS.Nguyễn Kiên Bích Tuyền, Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM và các chuyên gia chỉ rõ, Điều 7 của Dự thảo luật có đề cập đến các nội dung nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, như: Người cao tuổi theo quy định của pháp luật người cao tuổi; Người khuyết tật theo quy định của pháp luật người khuyết tật; Trẻ em theo quy định của pháp luật trẻ em; Người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về công tác dân tộc; Phụ nữ đang mang thai; Phụ nữ sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Người bị bệnh hiểm nghèo.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4

Quy định này thể hiện tính nhân văn, nhân ái, nhưng sự liệt kê trên chưa thật sự đầy đủ vì còn một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương nữa là người nghèo. Việc chưa liệt kê người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương sẽ tạo cảm giác là nhóm người này không thật sự cần thiết được: Có chính sách và bảo đảm thực hiện quyền ưu tiên về giá, phí và các ưu đãi khác trong hoạt động mua bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan; Có cơ chế chính sách chống phân biệt đối xử, xúc phạm người nghèo trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin cá nhân, tiếp cận hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan; Có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật đối với người nghèo.

Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam Trịnh Văn Dương cũng nhấn mạnh quy định chính sách của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng chỉ rõ, Nhà nước thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao lợi ích người tiêu dùng. Khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, phân phối, xuất nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công nghệ thân thiện môi trường. Tham gia chủ động và có trách nhiệm vào các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững của khu vực và thế giới. Như vậy, việc đưa người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương sẽ đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện trong chính sách của Nhà nước.

Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam Trịnh Văn Dương

Đồng thời, theo Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam, việc quy định như vậy cũng đảm bảo tinh thần về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định trong Dự thảo Luật. Đó là, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của Luật này và các Luật khác có liên quan. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác; giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự bình đẳng. Trong quá trình tiêu dùng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, được bảo đảm bình đẳng giới, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội.

Bổ sung người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương

Đưa ra đề xuất cụ thể đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Giám đốc Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam Trịnh Văn Dương cho rằng cần bổ sung thêm giao dịch liên quan đến thẻ quà tặng có trả tiền trước.

Hiện nay nhiều trường hợp người tiêu dùng được nhận thẻ quà tặng từ người thân, bạn bè nhưng sau ngày thẻ hết hạn, họ đến doanh nghiệp để đổi hàng từ thẻ quà tặng, đổi dịch vụ từ thẻ quà tặng thì bị từ chối cung cấp vì lý do hết hạn. Một số nhà cung cấp giải thích rằng đối với một số hàng hóa có tính đặc thù (như lương thực, thực phẩm, trái cây, hải sản v.v...) thì cần giới hạn thời hạn của thẻ quà tặng liên quan đến những hàng hóa đó vì chúng dễ bị hư hỏng. Tuy nhiên, lập luận này không thực sự phù hợp với những hàng hóa còn lại như quần áo, túi xách hay những hàng hóa không dễ bị hư hỏng trong một thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, hàng hóa của doanh nghiệp đang kinh doanh là hàng hóa dễ dàng luân chuyển, bán cho nhiều khách hàng khác nhau, hàng hóa đó không chỉ bán cho người được tặng thẻ, và quan trọng là người tặng thẻ quà tặng đã trả tiền trước. Vì vậy, việc bổ sung điều khoản liên quan đến đến thẻ quà tặng có trả tiền trước trong dự thảo luật là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của vì chủ thể nhận được thẻ quà tặng hiện chưa được quan tâm bảo vệ quyền lợi đúng mức.

Tham gia ý kiến, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Theo đó, người tiêu dùng dịch vụ tài chính hiện nay đa phần là người nghèo, là công nhân, khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế. Đây cũng là nhóm người dễ bị tổn thương, là cộng đồng, nhóm người có vị thế về kinh tế, xã hội thấp hơn đòi hỏi có sự chú ý bảo vệ đặc biệt so với những cộng đồng, nhóm người khác trong xã hội.

Cần bổ sung người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương trong dự thảo (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, cần bổ sung người nghèo vào nhóm những người bị dễ bị tổn thương. Trong các quy định pháp luật, đối tượng người nghèo cũng được liệt kê trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bên cạnh trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo. Việc đưa người nghèo vào nhóm người dễ bị tổn thương là phù hợp, vì người nghèo còn được xem là dễ bị tổn thương hơn bất kỳ nhóm nào khác trước các vấn đề như thảm họa thiên nhiên, bệnh tật phát sinh, sức khỏe, thu nhập bị giảm, sự đối xử bất công, hoặc lời nói xem thường của người bán đối với họ khi đi mua hàng hóa, dịch vụ.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, khi sử dụng các dịch vụ tài chính, người tiêu dùng thường phải đối diện với những thách thức từ sự phức tạp của các sản phẩm và dịch vụ tài chính, chi phí tiếp cận, không quen thuộc với các hợp đồng pháp lý, tính mới của các loại dịch vụ tài chính công nghệ, dẫn đến có nguy cơ vi phạm pháp luật, bị mất thông tin cá nhân... Điều này sẽ đặt người tiêu dùng dịch vụ tài chính vào vị thế bất lợi và cần có cơ chế bảo vệ.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định rõ ràng, thống nhất và phù hợp hơn về quyền của người tiêu dùng dịch vụ tài chính trong Luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến từng vấn đề như: về lãi suất, về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán, v.v... Điều này là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 82/NQ- CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Minh Hùng