PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN LÀM VIỆC VỚI TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU DÂN CỬ

03/03/2023

Sáng 03/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử. Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, đại diện Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, cơ quan liên quan và cán bộ, công chức Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử.

TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM HOẠT ĐỘNG GIỮA BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU VÀ THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Quang cảnh cuộc làm việc

Báo cáo công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay cho biết, Ban Công tác đại biểu đã chủ trì và phối hợp tổ chức các hoạt động bồi dưỡng cho đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Cụ thể, đã tổ chức được 37 hội nghị bồi dưỡng đại biểu dân cử với hơn 10.700 lượt đại biểu tham dự; thường xuyên cập nhật thông tin hoạt động bồi dưỡng hàng tháng; cập nhật các tin tổng hợp, chuyên sâu, sưu tầm; chủ trì biên soạn sách, tập san; nội dung các tài liệu bám sát kế hoạch hoạt động, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Ban Công tác đại biểu đã xây dựng, phát triển đội ngũ báo cáo viên bồi dưỡng đại biểu dân cử gồm những người có uy tín, hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau liên quan đến tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Quốc hội, HĐND; có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng hạot động ở Quốc hội, HĐND; các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia theo các lũnh vực chuyên môn…

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc

Trong thời gian tới, Ban Công tác đại biểu sẽ tổ chức các hội nghị dành cho đại biểu Quốc hội Khóa XV bám sát các dự án Luật, nội dung giám sát của Quốc hội trong năm 2023; lồng ghép với kỹ năng lập pháp, phân tích chính sách đã được bồi dưỡng ở các năm trước. Tổ chức các hội nghị nhằm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu Quốc hội như: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chính sách xã hội trong giai đoạn mới; chính sách về tài chính y tế trong phòng, chống dịch; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bễn vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Phối hợp với Thường trực HĐND của 44 tỉnh/thành phố tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong các lĩnh vực chuyên sâu thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND; bồi dưỡng người được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Quốc hội Khóa XVI.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử diễn ra hiệu quả, thiết thực giải quyết các vướng mắc, khó khăn, triển khai dự án xây dựng trang web về hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử trên nền tảng các công nghệ mới.

Phát biểu chỉ đạo cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay đã kế thừa, phát huy được những thành quả trong công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử các khoá trước đây.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV này, Lãnh đạo Quốc hội rất quan tâm đến việc nâng cao năng lực, kỹ năng, trình độ của đội ngũ đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhất là đại biểu công tác ở các cơ quan của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm đến công tác hướng dẫn, phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố. Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử cần xác định đối tượng bồi dưỡng của từng hội nghị để tổ chức cho thích hợp; chọn nội dung, chuyên đề sát với nhu cầu người nghe, sát với thực tiễn; nghiên cứu nhằm bảo đảm việc tổ chức các hội nghị diễn ra sôi nổi, tăng cường trao đổi, tranh luận, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mỗi đại biểu. Cùng với đó, cần đổi mới, bổ sung, từng bước hoàn thiện bộ khung tài liệu bồi dưỡng sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng; phù hợp với thời gian bồi dưỡng và chuẩn hoá các giáo trình chủ yếu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, sau mỗi hội nghị, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử cần họp bàn rút kinh nghiệm; báo cáo đầy đủ, kịp thời để Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả công việc.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử diễn ra hiệu quả, thiết thực giải quyết các vướng mắc, khó khăn, triển khai dự án xây dựng trang web về hoạt động bồi dưỡng đại biểu dân cử trên nền tảng các công nghệ mới

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử cần xác định đối tượng bồi dưỡng của từng hội nghị để tổ chức cho thích hợp; chọn nội dung, chuyên đề sát với nhu cầu người nghe, sát với thực tiễn...

Minh Hùng - Nghĩa Đức