PHỤ NỮ VIỆT NAM PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG, ĐÓNG GÓP LỚN LAO VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

08/03/2023

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là ngày hội mang ý nghĩa bình đẳng giới sâu sắc, có tác động mạnh mẽ, to lớn đối với các thế hệ phụ nữ trên toàn thế giới, đồng thời cũng là ngày để trân trọng, tri ân những phẩm chất cao quý, đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang, đóng góp lớn lao vào sự phát triển bền vững của đất nước.

THƯ CHÚC MỪNG CỦA TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG NHÂN NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 08/3

Phát huy truyền thống “Anh hùng - Bất khuất-  Trung hậu - Đảm đang”

Bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ cuối thế kỷ XIX, đội ngũ nữ lao động đã có sự gắn kết chặt chẽ và cùng nói lên tiếng nói chung nhằm cải thiện điều kiện lao động, nâng cao vị thế, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ nói chung. Trải qua nhiều năm đấu tranh, mở rộng phạm vi và thay đổi phương thức linh hoạt, cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới.

Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Copenhagen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ. Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là ngày hội mang ý nghĩa bình đẳng giới sâu sắc, có tác động mạnh mẽ, to lớn đối với các thế hệ phụ nữ trên toàn thế giới. 110 năm qua, các nỗ lực bình đẳng giới và phát triển phụ nữ đã tác động và có ý nghĩa sâu sắc trong việc phát triển phụ nữ nói riêng và phát triển xã hội nói chung.

Tại nước ta, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 còn được coi là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng – hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần dân tộc và ý chí đấu tranh của phụ nữ Việt Nam cũng được bắt nguồn từ truyền thống và lan truyền mạnh mẽ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ghi nhận những hy sinh thầm lặng của phụ nữ Việt Nam cho sự nghiệp giải phóng đất nước 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao vị trí, vai trò của người phụ nữ đối với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cách đây hơn 60 năm, nhân kỷ niệm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế phụ nữ (08/3/1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên, khen ngợi chị em phụ nữ. Cuối bức thư Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phụ nữ là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Người đã thấu hiểu được sự vất vả, hy sinh thầm lặng của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt, không những tham gia kháng chiến mà còn phải cáng đáng việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Ghi nhận những cống hiến to lớn của chị em phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, Bác đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng cao quý: “Anh hùng - Bất khuất-  Trung hậu - Đảm đang”

Chú trọng bảo vệ quyền lợi, nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi quyết sách

Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực rèn luyện, cống hiến, tận tụy lao động, sáng tạo, tiếp tục nâng cao trình độ về mọi mặt để vươn lên trong công việc và cuộc sống. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiều tấm gương điển hình đã được ghi nhận, truyền cảm hứng cho phụ nữ và cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ có thêm động lực, nhiệt huyết và quyết tâm để tiếp bước các thế hệ đi trước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng nêu rõ, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, quan tâm phát triển mọi mặt cho phụ nữ, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, phát huy năng lực sáng tạo và có những đóng góp xứng đáng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Trong điều kiện phục hồi kinh tế- xã hội sau đại dịch Covid-19, lực lượng lao động nữ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Quốc hội đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, Quốc hội đã cho ý kiến và thông qua nhiều dự án Luật có các nội dung đến bình đẳng giới, đảm bảo quyền con người và trao quyền cho phụ nữ như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)…

Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung, hỗ trợ phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới nói riêng, như: Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022 và 2023 trong đó tập trung: “bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh”; Nghị quyết số 30/2021/QH15, trong đó nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ: “… Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đấu chống dịch...” Đây là cơ sở để Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt các chính sách dành riêng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Cùng với đó, Quốc hội đẩy mạnh việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực… khiến cho các văn bản luật, pháp lệnh dễ đi vào cuộc sống và đảm bảo bình đẳng giới thực chất thông qua các quy định, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cụ thể. Trong quá trình xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội cũng quan tâm xem xét tác động giới, tác động về mặt kinh tế - xã hội của những quyết sách này, chú ý tới việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phân bổ ngân sách.

Quốc hội luôn chú trọng bảo vệ quyền lợi, nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ

Vừa qua, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện với nhiều chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ cụ thể; các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được triển khai quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương, trong đó có những nội dung, giải pháp thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề liên quan đến nhu cầu thiết thân của phụ nữ, trẻ em.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng các chuyên gia cũng cho biết, ngay trong những ngày đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/QĐ- TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", đây là một sự khởi đầu rất ý nghĩa đối với phụ nữ cả nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Phát huy sức sáng tạo của phụ nữ cho sự phát triển bền vững đất nước

Đánh giá về công tác phụ nữ thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định, bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng đã đạt được, công tác này còn những khó khăn, hạn chế như tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí cấp chiến lược còn thấp so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị; phong trào phụ nữ phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo và tính chủ động của phụ nữ; việc tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới còn hạn chế; hoạt động hỗ trợ phụ nữ duy trì việc làm ổn định sau dạy nghề và giảm nghèo hiệu quả chưa cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, dù Việt Nam tham gia từ rất sớm vào việc đấu tranh cho bình đẳng giới, nhưng bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vấn đề định kiến giới ở Việt Nam vẫn còn tương đối nặng nề, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Tuy Luật Bình đẳng giới đã được ban hành năm 2006 và lồng ghép giới đã trở thành một quy trình, thủ tục pháp lý bắt buộc khi xây dựng các văn bản Quy phạm pháp luật, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, để đạt được bình đẳng giới thực sự trên mọi lĩnh vực, nhất là trong quan niệm và tư tưởng của mỗi cá nhân. Theo đại biểu, chừng nào còn những gia đình nuôi khát vọng phải sinh được con trai bằng mọi giá, chừng nào chúng ta còn phải đề ra chỉ tiêu tối thiểu cho sự tham gia của nữ giới vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, vào Quốc hội và HĐND các cấp thì chừng đó chúng ta còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa cho bình đẳng giới.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nêu rõ, một trong những rào cản lớn là nhận thức của mỗi người phụ nữ về vai trò của mình. Không ít phụ nữ vẫn nghĩ mình là cái bóng của chồng, từ chối nhiều cơ hội phấn đấu, ngại mọi sự thay đổi, ngại thử thách, sống an phận, khép mình và dễ dàng bằng lòng với mọi sự thua thiệt, coi đấy là đức hy sinh và còn tự hào về điều đó. Tất cả những nhận thức sai lầm đó đều là rào cản nặng nề cho sự phát triển của phụ nữ hiện đại. Đại biểu bày tỏ tin tưởng, bên cạnh sự quan tâm của các cấp các ngành, của toàn xã hội, cộng thêm nhận thức đúng đắn và sự nỗ lực phấn đấu thì những người phụ nữ hiện đại sẽ luôn thành công và hạnh phúc.

Chia sẻ về vấn đề này, sinh viên Nguyễn Thảo Linh, Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ cho rằng, phụ nữ còn phải đối mặt với nhiều vấn nạn nan giải như tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, ly hôn trong các cặp vợ chồng trẻ, giá trị gia đình, giáo dục gia đình đứng trước nhiều thách thức trước tác động của mạng xã hội. Thực tế cho thấy việc bảo đảm các điều kiện về kinh tế, văn hóa - xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy vai trò, vị thế vẫn còn nhiều khó khăn.

Các nữ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV

Các chuyên gia cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan; thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ hy vọng, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tích cực xây dựng và triển khai các Chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa,để khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ; để phụ nữ Việt Nam tiếp tục được tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Hồ Hương