PGS.TS. TRẦN THỊ MINH CHÂU: KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN CƠ CHẾ ĐỊNH GIÁ ĐẤT TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến Nhân dân trên phạm vi cả nước, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã ghi nhận, bổ sung thêm nguyên tắc “phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”; thể hiện sự nỗ lực của nhà làm luật trong việc đảm bảo quyền và lợi ích cho người có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, quy định này còn chung chung, thiếu hướng dẫn thực hiện cụ thể bởi muốn thật sự đảm bảo đời sống người dân hậu thu hồi đất thì các khu tái định cư phải được chuẩn bị đầy đủ cả về cơ sở hạ tầng cũng như phù hợp nhu cầu thực tế của người dân, bao gồm những vấn đề về chỗ ở, sinh hoạt và tâm lý.
Theo đó, khu tái định cư phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật như: kết nối giao thông; điện, nước sinh hoạt; xử lý môi trường… và hạ tầng xã hội như: trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, khu thương mại... Ngoài ra, còn phải tính toán đến việc tạo không gian phù hợp với sinh kế và sinh hoạt của người bị thu hồi đất.
Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh đề xuất dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa và làm rõ nội hàm thế nào là “bảo đảm điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”; quy định cụ thể tiêu chí để định lượng, đi vào chi tiết; nêu rõ căn cứ để xác định khu tái định cư có điều kiện sống “bằng hoặc tốt hơn” nơi ở cũ. Đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm thẩm định, giám sát liên quan đến vấn đề này nhằm đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch trong thực tiễn.
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng cần bổ sung rõ các quy định về nguyên tắc, điều kiện tái định cư. Trong đó, làm rõ tính pháp lý của loại đất bị thu hồi để được hưởng chính sách tái định cư; làm rõ chủ thể được tái định cư và các trường hợp được tái định cư.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu
Cùng quan tâm đến quy định này, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật TNHH BIZLINK nêu rõ, quan điểm trên phù hợp với lợi ích và đáp ứng được đông đảo nguyện vọng người dân có quyền lợi liên quan đến vấn đề được bồi thường do Nhà nước thu hồi đất, quy định này cũng bám sát với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đây là một quy định hết sức nhân văn, đảm bảo sự công bằng và tạo cho người dân tâm lý tin tưởng, ghi nhận vào chính sách, quy định của Nhà nước đối với những người có đất bị thu hồi.
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh cho rằng, thực hiện tốt được quy định này sẽ dẫn đến những hệ quả tích cực trong việc giải quyết được hiện tượng thiếu công bằng, giảm thiểu được tâm lý bất công trong trong xã hội khi Nhà nước thu hồi và bồi thường về đất, đồng nghĩa với việc giảm bớt những khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, tiêu chí về “tốt hơn nơi ở cũ” hiện đang không được ghi nhận thông qua bất kỳ một quy định rõ ràng nào của dự thảo Luật, đồng nghĩa với việc thiếu đi một cơ chế xác định rõ thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”. Do đó cần có sự cụ thể hóa về tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ” nhằm tạo sự đồng bộ thống nhất về cách xác định, cách hiểu, đặc biệt đối với những chủ thể có quyền và lợi ích liên quan.
Bên cạnh đó, có chuyên gia chỉ ra rằng, việc thu hồi đất tất yếu dẫn đến việc người dân phải thay đổi môi trường sống cũng như sinh kế. Trên thực tế, khi thu hồi đất, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ căn cứ vào phương án bồi thường được phê duyệt để bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi theo quy định pháp luật. Theo đó, phạm trù “bằng hoặc tốt hơn” là khái niệm chung chung, chưa có tiêu chí cụ thể để xác định, thuyết phục người dân có đất bị thu hồi, dễ gây bức xúc, hiểu nhầm trong khi áp dụng dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Kéo theo đó là việc kéo dài tiến độ giải phóng mặt bằng, dẫn đến chi phí đền bù tăng mạnh, làm chậm tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận dự báo của các nhà đầu tư.
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật TNHH BIZLINK
Ở khía cạnh khác, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng nhận thấy, quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu, mong muốn của người có đất bị thu hồi và đây cũng là trách nhiệm của Nhà nước để tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất yên tâm, ổn định cuộc sống khi bị thu hồi đất. Tuy nhiên, mỗi một gia đình không chỉ dừng lại ở người có đất bị thu hồi mà còn rất nhiều các thành viên có liên quan của người có đất bị thu hồi. Luật Đất đai năm 2013 đã có những quy định để bảo đảm tối đa quyền lợi hợp pháp cho các thành viên trong gia đình có đất bị thu hồi. Về nguyên tắc, các quy định đó phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của đất nước, đó cũng là chính sách an sinh trong việc tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho những người bị thu hồi đất và có liên quan đến việc thu hồi đất.
Theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, nhiều dự án, công trường, công trình được triển khai và việc thu hồi đất là tất yếu để phát triển kinh tế nên cần luật hóa các quy định liên quan đến chế độ đối với những người có đất bị thu hồi, trong đó bao gồm cả những thành viên trong gia đình của người có đất bị thu hồi.
Luật sư Nguyễn Văn Hà cho rằng cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn để bảo đảm tốt hơn cho người bị thu hồi đất và các thành viên liên quan. Đồng thời đề nghị bổ sung nội dung liên quan đến các thành viên khác trong gia đình của người có đất bị thu hồi, để từ đó Nhà nước xem xét chính sách cụ thể để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định cho người bị thu hồi đất và các thành viên có liên quan của gia đình./.