CẦN QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ CỤ THỂ, PHƯƠNG ÁN BỒI THƯỜNG THỎA ĐÁNG KHI TIẾN HÀNH THU HỒI ĐẤT

14/03/2023

Tham gia ý kiến vào dự án Luật đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân cả nước, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đề nghị dự thảo Luật cần quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng với các trường hợp tiến hành thu hồi đất, đồng thời cần có phương án bồi thường thỏa đáng để ổn định đời sống người dân.

XÂY DỰNG LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CHỒNG CHÉO, MÂU THUẪN TRONG CÁC QUY ĐỊNH VỀ THU HỒI ĐẤT

Cần quy định tiêu chí rõ ràng, phương án bồi thường thỏa đáng

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích thuần túy của chủ đầu tư nhằm tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc tràn lan khi nhà nước thu hồi đất dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi. Đồng thời, áp dụng cử chỉ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp.

Qua thực tế giải quyết các vụ việc, nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý cho biết, thiệt hại mà người dân gánh chịu không chỉ bao hàm quyền sử dụng đất mà còn rất nhiều tài sản khác gắn liền hoặc thiệt hại liên quan đến sinh kế. Do vậy, cần có các quy định cụ thể, tiêu chí rõ ràng để phương án bồi thường thỏa đáng để không làm phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự xã hội và quan trọng hơn là quyền lợi của người bị thu hồi đất được đảm bảo. Thêm vào đó, cần cụ thể hóa điều kiện, tiêu chí, nội hàm thu hồi đất nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

Đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An 

Góp ý về chính sách bồi thường, tái định cư, đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, cần phải làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích thuần túy của chủ đầu tư, nhằm tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc, tràn lan khi nhà nước thu hồi đất dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi; đồng thời, từ đó áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp.

Tham gia đóng góp ý kiến, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, khi Nhà nước thu hồi đất là thu hồi quyền tài sản của người sử dụng, nên cần quan tâm hơn nữa quyền của người sử dụng đất như quyền được bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do đó, trong quy trình thu hồi phải đưa nội dung là kiểm soát điều kiện của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì mới triển khai hoạt động thu hồi.

Hiện nay, khung giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường, khung giá đất của cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 đến 60% giá thị trường. Như vậy, thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất, vì hiện nay không ít trường hợp bị lạm dụng. Đồng thời, phải làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi, đất gắn với mục đích sử dụng đất được cấp theo phương thức như hiện nay hay định giá theo giá trị của đất bất động sản hình thành tương lai khi đã có một số lượng lớn vốn được bỏ ra đầu tư.

Thể hiện rõ cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước

Cùng tham gia ý kiến, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai từ khâu điều tra đánh giá đất đai; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; đến thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như dự thảo Luật đất đai mà nên quy định trong tất cả các Chương.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng nêu rõ, thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật và sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp. Bởi vậy, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: Dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp.

Cùng với đó, cần bổ sung quy phạm về sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương ngay từ khâu đầu tiên của quy trình thu hồi đất để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, việc kiểm định đất đai, nhà ở, cây cối, ao hồ... để định giá đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Một số chuyên gia cho biết, tại “khoản 2, Điều 85 về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm”. Theo thực tế triển khai thì còn thiếu nội dung “xác định giá đất cụ thể phục vụ bồi thường đất”. Vì vậy cần bổ sung thêm nội dung này sau khi thông báo thu hồi đất, đo đạc địa chính khu đất và tiến hành trước thời điểm họp dân kiểm đếm. Thông thường khi tiến hành kiểm đếm thì người dân luôn hỏi chính sách bồi thường, trong đó người sử dụng đất quan tâm nhất là giá bồi thường đất.

Tại “Khoản 2 Điều 94 về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở có quy định hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bố trí tái định cư thông qua hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất và được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia, trong quá trình áp dụng, người dân có đất bị thu hồi thường đề nghị tái định cư nếu được vì cấp đất tái định cư có giá hợp lý hơn nên người dân vẫn thích đất tái định cư cho dù vẫn còn thửa đất khác có thể xây dựng nhà ở. Ngoài ra, thửa đất thứ hai có thể ở tại nơi có đất bị thu hồi nhưng cũng có thể ở địa phương khác, tỉnh khác khi thu hồi ở thành phố nhưng còn đất ở quê hoặc ngược lại. Vì vậy, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về thửa đất thứ hai là ở đâu? Trường hợp người sử dụng đất vi phạm do khai báo không trung thực để hưởng chính sách tái định cư, hoặc cơ quan thực hiện bồi thường tái định cư do sơ suất để xảy ra sai phạm thì chế tài xử lý thế nào? Khắc phục ra sao khi để xảy ra sai phạm…

Minh Hùng