THƯỜNG TRỰC ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN MỞ RỘNG, THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

14/03/2023

Chiều 14/3 tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân. Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DỰ VÀ CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

Trung tướng Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía Bộ Công an có Trung tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện Ban soạn thảo; đại diện Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

Cần đánh giá toàn diện, đầy đủ tác động của Dự án Luật

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Ban soạn thảo đã rất tích cực chuẩn bị cơ bản đầy đủ Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã có thẩm tra sơ bộ, nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý: Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành chưa? Có khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các bên liên quan cần đánh giá toàn diện, đầy đủ, khách quan, toàn diện Dự án Luật, đặc biệt là đánh giá tác động tiêu cực của các chính sách để xác định giải pháp và thiết kế các điều luật khắc phục trên thực tiễn.

 

Đi vào những nội dung cụ thể của dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thống nhất việc quy định sỹ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn đủ ít nhất 03 năm công tác, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cách dùng từ ngữ sao cho dễ hiểu.

Về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân công an, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng việc tăng tuổi phục vụ của lực lượng CAND phù hợp với các chủ trương của Đảng và thống nhất với quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019 về độ tuổi nghỉ hưu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo, tổng hợp ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 tới đây.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

Trước đó, trình bày tờ trình về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2018 và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua tổng kết, rà soát Luật Công an nhân dân (CAND) năm 2018 cho thấy quá trình thi hành Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an; về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác đã được quy định trong Luật Công an nhân dân năm 2018 nhưng thể nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập; quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân.

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó có chỉ đạo “Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật Công an nhân dân và pháp luật có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân (sửa đổi)”.

Từ những lý do nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; dự án Luật là cần thiết.

Về nội dung các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật gồm 03 chính sách:

Chính sách 1: Sửa đổi, bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an theo hướng: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 30 về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND. Theo đó bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 02 tuổi, nữ tăng 05 tuổi); tăng 02 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 05 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 03 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt.

Chính sách 2: Quy định về thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác theo hướng: Bổ sung quy định Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.

Chính sách 3: Quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân theo hướng: Bổ sung quy định cụ thể 06 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm: 01 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng; 05 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố Hà Nội, Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.

Đại tá Vũ Huy Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng và thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân, Đại tá Vũ Huy Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CAND, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng CAND, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chiến đấu của lực lượng CAND để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo rà soát, làm rõ một số quy định về kéo dài hạn tuổi phục vụ, quy định về chế độ, chính sách có liên quan đến Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo thống nhất. Về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân công an cần làm rõ việc bổ sung quy định “trường hợp đặc biệt sỹ quan có thể kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ”; việc thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sỹ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác…

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho ý kiến tại phiên họp.

Cho ý kiến về quy định cấp hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sỹ quan CAND, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, việc bổ sung 06 vị trí cấp Tướng tuy không vượt quá chỉ tiêu mà Bộ Chính trị cho phép nhưng sẽ không còn vị trí dự phòng khi thành lập đơn vị mới. Khi đó, việc bổ sung quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cấp bậc hàm cấp tướng đối với đơn vị thành lập mới sẽ không đảm bảo tính khả thi.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đối đa ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và các đại biểu tại phiên họp. Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, trong đó lưu ý vấn đề thời điểm Luật có hiệu lực thi hành. Đồng thời Ban soạn thảo cần giải thích rõ hơn nữa việc phong cấp hàm; việc thăng cấp bậc hàm trước thời hạn đối với sỹ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo sớm hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và chỉ đạo phiên họp.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tại phiên họp.

Lãnh đạo Bộ Công an và Ban soạn thảo tại phiên họp.

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2018 và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Đại diện Bộ Tư pháp đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với các luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức kết luận nội dung phiên họp.

Trọng Quỳnh - Phạm Thắng