QUY ĐỊNH RÕ TIÊU CHÍ THU HỒI ĐẤT, BẢO ĐẢM SỰ THỐNG NHẤT CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

14/03/2023

Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua một cách kỹ lưỡng, thận trọng, theo quy trình thông qua tại 3 kỳ họp. Hiện nay, dự án Luật đang được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trong phạm vi cả nước. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần quy định rõ tiêu chí thu hồi đất, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP PHỐI HỢP TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Cần quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chí thu hồi đất

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, dự kiến sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Đây là một trong những luật quan trọng bậc nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta; bởi phạm vi tác động rất sâu, rộng, ảnh hưởng đến tất cả mọi đối tượng trong xã hội, nhất là đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua một cách kỹ lưỡng, thận trọng, theo quy trình thông qua tại 3 kỳ họp. Đây cũng là trọng tâm trong công tác lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV này.

Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã dành thời gian rất thoả đáng để thảo luận về dự án luật này, với một phiên họp tổ và một ngày thảo luận tại hội trường. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập đến rất nhiều nội dung của Dự án luật nhưng tựu trung lại thì có một số vấn đề lớn được quan tâm, như thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất; việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phát triển quỹ đất…

Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhiều đại biểu Quốc hội mong đợi các ý kiến thảo luận tại kỳ họp vừa qua sẽ được cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp và phân tích kỹ lưỡng; xác định những vấn đề lớn cần tập trung nghiên cứu, làm rõ trong Dự thảo, từ đó, đề xuất với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có các hình thức nghiên cứu, thảo luận theo các chuyên đề để có thể đề ra được các giải pháp cụ thể, phù hợp đối với từng nội dung, trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 sắp tới đây.

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm nhất của Luật Đất đai sửa đổi là việc thu hồi đất, giao đất. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra yêu cầu cần quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là Dự án Luật Đất đai sửa đổi cần có những quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo hướng bảo đảm đúng tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Đồng thời, Dự án Luật cũng cần quy định cụ thể về cách thức thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại cũng như một số dự án khác.

Đảm bảo sự thống nhất trong quy định pháp luật về giải phóng mặt bằng

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, từ lâu nay, việc đền bù, giải phóng mặt bằng luôn được nhận diện là công đoạn gây mất nhiều thời gian nhất, là nguyên nhân gây chậm trễ trong việc triển khai các dự án, nhất là các dự án đầu tư công. Nhận thức vấn đề này nên Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã có điều khoản quy định trong trường hợp cần thiết thì có thể tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng. Điều này đáp ứng đề nghị của nhiều địa phương và doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án. Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng được coi là dự án độc lập, được thực hiện đầy đủ, toàn bộ các hoạt động ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt.

Tuy nhiên, quy định này chỉ mới giải quyết được một phần về mặt thủ tục. Thực tế cho thấy trong thời gian vừa qua cũng đã có những dự án được phép thí điểm tách việc giải phóng mặt bằng thành dự án riêng nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu mong đợi, điển hình như việc giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng sân bay Long Thành. Do vậy, vấn đề đặt ra là các quy định của Dự án Luật cần giải quyết được các vấn đề liên quan đến công tác thu hồi đất, xác định giá đất, tái định cư…

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra rằng, Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua còn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này, chưa thể chế hoá được yêu cầu của Nghị quyết số 18 về việc có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, mà mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận chính sách này mà chưa có các quy định cụ thể để bảo đảm thực thi chính sách trên thực tế.

Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận việc đền bù, giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư công không chỉ phụ thuộc vào các quy định của Luật Đất đai mà còn liên quan đến các văn bản luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Do vậy, trong quá trình tiếp thu, chính lý hoàn thiện Dự án Luật Đất đai sửa đổi, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu một cách đồng bộ, bảo đảm sự kết nối thống nhất trong các quy định có liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng trong các văn bản luật khác nhau.

Theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, hiện nay Luật Đầu tư công quy định việc tách riêng nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; trong khi đó Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang quy định việc tách được thực hiện “đồng thời với việc phê duyệt chủ trương đầu tư”. Điều này có thể làm phát sinh cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện, vì vậy, cần có sự rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Minh Hùng