SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI: CẦN NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH HỖ TRỢ CỘNG ĐỒNG, GIẢM THIỂU BẤT AN KINH TẾ

27/03/2023

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần nghiên cứu các mô hình hỗ trợ cộng đồng để người dân có điều kiện có thể đóng góp, tạo thành các quỹ tự nguyện, giảm bất an kinh tế cho các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp.

SỬA ĐỔI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI

Tìm điểm cân bằng trong quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2023. Với nhiều nội dung mới cụ thể hóa 5 nhóm chính sách đã đề ra, Dự thảo Luật đang được tích cực lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học. Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật lần này là về quy định liên quan đến tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành quy định, từ năm 2018, đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Mặc dù trong các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH nhưng ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để không đóng bảo hiểm xã hội. 

Theo đó mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.

Do vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định với 02 phương án. Trong đó, Phương án 1 quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2 quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, trong thực tiễn phương án 1 (cách tính lương đóng BHXH hiện hành) chưa bảo đảm quyền lợi tốt cho người lao động. Quy định cứng phụ cấp tính đóng BHXH chỉ có thể thực hiện với doanh nghiệp có thang bảng lương thể hiện các khoản cố định (đa số là doanh nghiệp nhà nước). Nhưng hiện nay mới tính đóng được trên ba loại phụ cấp bao gồm chức vụ, thâm niên nghề và thâm niên vượt khung (nếu có).

Theo đại biểu, ở một số doanh nghiệp vẫn xảy ra tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để "lách, né" đóng BHXH. Không ít doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập của người lao động là loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế. Điều này ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già như chúng ta hay thấy nhiều người kêu là lương hưu "quá thấp, không đủ sống".

Đại biểu cho rằng, với phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Các khoản này gồm xác định từ trước và biến động trong quá trình làm việc. Về ý nghĩa, phương án 2 sẽ bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của người lao động.

Băn khoăn về tính khả thi và khả năng tổ chức thực hiện phương án này, đại biểu cho biết, tiền lương, phụ cấp lương của người lao động có thể biết trước được theo hằng tháng nhưng khoản thu nhập khác lại khó xác định trước. Ví như tiền bổ sung thu nhập theo năng suất hay các khoản khác phải hết tháng, thậm chí cuối quý, cuối năm mới biết được. Tiền BHXH sẽ thu theo tháng, nếu như không có được cơ sở dữ liệu đủ tốt về thu nhập của người lao động sẽ rất khó cho việc đảm bảo thu chính xác. Từ đó, có thể gây khó cho cả người sử dụng lao động cũng như cơ quan BHXH.

Do vậy, đại biểu nhấn mạnh cần tìm một điểm cân bằng, một mặt vừa đảm bảo tốt hơn cho quyền lợi người lao động, một mặt phải đảm bảo tính khả thi cho các cơ quan thực thi cũng như thuận lợi cho chủ sử dụng lao động.

Cần nghiên cứu mô hình hỗ trợ cộng đồng, giảm thiểu bất an kinh tế

Đối với quy định về hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng như: Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp xã hội; Người hưởng trợ cấp hàng tháng được hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Đối với quy định về BHXH một lần, dự thảo xin ý kiến với 02 phương án, trong đó, Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13): "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".

Phương án 2 (quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu): Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. 

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Theo đại diện cơ quan soạn thảo, dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần.

Trao đổi về vấn đề này, TS.Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng chấp nhận những rủi ro trong tương lai để xin rút BHXH một lần cho thấy sự bất an kinh tế của một bộ phận người lao động, đặc biệt là với nhóm thu nhập thấp và không ổn định.

TS.Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, trạng thái bất an kinh tế có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trước hết do tình trạng làm việc không có tích lũy, cùng những áp lực từ khó khăn trước mắt, hoặc những tính toán khác cho cuộc sống sau này. Giảm bất an kinh tế đòi hỏi những can thiệp chính sách tổng thể, chứ không thể chỉ trông chờ vào việc sửa đổi một bộ luật. Vì thế, những đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà hoạch định chính sách ở nước ta trong việc dung hòa giữa đáp ứng nguyện vọng hiện nay của người lao động với bảo đảm sự an toàn về cuộc sống của họ trong tương lai.

TS. Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh, điều chỉnh đáng chú ý nhất trong Dự thảo Luật bảo hiểm (sửa đổi) là phương án can thiệp mang tính hành chính, giảm thời gian đóng và chỉ cho rút tối đa 50% số năm đóng BHXH. Bên cạnh đó, dự thảo cũng có điều chỉnh về các hình thức hỗ trợ tài chính, chủ yếu là các chế độ trợ cấp hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế, tuy nhiên chưa đủ tạo thành động lực mạnh để người lao động kiên nhẫn với BHXH.

Cho rằng tác động của biện pháp can thiệp tài chính đến hành vi rút BHXH một lần của người lao động có thể sẽ rất hạn chế, TS.Nguyễn Văn Đáng cùng nhiều chuyên gia cho rằng, cần có một lựa chọn thay thế khác, có thể khuyến khích người lao động tiếp tục gắn bó với BHXH, là bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, các quy định pháp lý hiện tại cũng khiến loại bảo hiểm này chưa phải là điểm tựa đáng tin cậy khi người lao động gặp khó khăn về việc làm và thu nhập.

Cụ thể, như các quy định sau đây khiến người lao động muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ khó thực hiện: họ phải "có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp", hay họ “chỉ hưởng tối đa 12 tháng”. Để giảm bất an kinh tế, giúp người lao động không phải thực hiện những quyết định “lợi bất cập hại” thì phúc lợi từ ngân sách Nhà nước, cụ thể nhất là các chương trình bảo hiểm và trợ cấp xã hội, luôn giữ vai trò hàng đầu.

Về lâu dài, TS.Nguyễn Văn Đáng cho rằng cần tính đến các mô hình hỗ trợ cộng đồng để người dân có điều kiện có thể đóng góp, tạo thành các quỹ tự nguyện. Qua đó, có thể san sẻ gánh nặng với Nhà nước trong việc hỗ trợ những người gặp khó khăn, giúp bảo đảm an toàn cuộc sống cho người lao động trong mọi tình huống.

Hồ Hương