KHẨN TRƯƠNG BAN HÀNH VĂN BẢN HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN CỦA CTMTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

28/03/2023

Đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội cho rằng, việc ban hành chậm các văn bản triển khai CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Đề nghị Bộ khẩn trương hoàn thiện việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án, nội dung được giao; đánh giá các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện phân bổ vốn; đánh giá về thủ tục, tiến độ, khả năng giải ngân vốn cho các dự án, tiểu dự án…

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN, HOÀN THÀNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Đề nghị Bộ VHTTDL hoàn thiện nội dung báo cáo, bám sát đề cương

Qua nghiên cứu Báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới, Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội nhận thấy, Báo cáo của Bộ đã đủ về số lượng, tuy nhiên thời hạn gửi báo cáo của Bộ còn chậm so với thời gian quy định. Cấu trúc của Báo cáo về cơ bản đã theo yêu cầu của đề cương, nhưng một số nội dung trong báo cáo còn sơ sài, chưa cung cấp được nhiều thông tin. Vì vậy, để Tổ Công tác đánh giá toàn diện về quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Bộ tiếp tục hoàn thiện một số nội dung (đã có trong đề cương nhưng chưa báo cáo):

Tổ trưởng Tổ Công tác, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan

- Bổ sung nội dung về việc xây dựng và đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể thực hiện các nội dung thành phần 5 năm và hằng năm.

- Bổ sung đánh giá các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện phân bổ vốn; thuận lợi, khó khăn, bất cập, hạn chế trong quản lý, tổ chức thực hiện phân bổ vốn; đánh giá về thủ tục, tiến độ, khả năng bố trí vốn đối ứng của địa phương, khả năng giải ngân vốn cho các dự án, tiểu dự án, nội dung.

- Bổ sung báo cáo về việc ưu tiên lồng ghép các dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao để góp phần thực hiện các nội dung thành phần và các tiêu chí nông thôn mới theo phân công.

- Về kết quả thực hiện Dự án Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hoá thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hoá - thể thao huyện; tu bổ, tôn thạo các di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch nông thôn; dự án Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn: Tổ Công tác nhận thấy nội dung này báo cáo còn chung chung; đề nghị bổ sung khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; nêu rõ những chuyển biến khi thực hiện giữa giai đoạn trước và giai đoạn sau hoặc từ khi triển khai thực hiện giai đoạn mới (2021) đến nay.

- Bổ sung giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.

- Bổ sung nội dung về công tác thông tin, tuyên truyền.

Văn bản hướng dẫn thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới cơ bản đầy đủ, đồng bộ về nội dung, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện Chương trình

Đánh giá kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới về việc ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện, Tổ Công tác của Đoàn giám sát cho biết, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành 02 văn bản hướng dẫn triển khai theo thẩm quyền. Đối với các nhiệm vụ được phân công phối hợp, Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chương trình chuyên đề phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tổ Công tác nhận thấy, việc ban hành các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới là điểm nổi bật trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoan 2021-2025 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương tình, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách sau 10 năm thực hiện ở giai đoạn trước.

Như vậy, đến thời điểm báo cáo, Tổ Công tác nhận thấy, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương, các bộ ngành nói chung và Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch nói riêng đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ về nội dung, hướng dẫn thực hiện, tạo cơ sở pháp lý để tổ chực thực hiện Chương trình.

Việc ban hành chậm các văn bản triển khai CTMTQG xây dựng nông thôn mới ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình

Tuy nhiên, Tổ Công tác chỉ ra rằng, hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chậm, theo đó, việc ban hành một số văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng chậm. Cụ thể, sau hơn 8 tháng từ khi Nghị quyết 25 của Quốc hội được thông qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mới ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các Tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp; sau hơn 11 tháng mới ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, việc ban hành chậm các văn bản triển khai Chương trình đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình.

Tổ Công tác cho rằng, việc ban hành chậm các văn bản triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ tại khoản 2 Điều 2 tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/08/2022, trong đó có nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương thực hiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn, hướng dẫn thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục dựng, khai thác các hoạt động văn hoá truyền thống phục vụ phát triển du lịch nông thôn; hướng dẫn thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn; công nhận cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, đến nay chưa ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung này.

Kết quả thực hiện các nội dung do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn thực hiện

Đánh giá kết quả thực hiện các nội dung do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn thực hiện, về công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn để triển khai các dự án, Tổ Công tác của Đoàn giám sát cho biết, đến nay có 2 dự án đã giải ngân; tính đến thời điểm báo cáo, tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; đến cuối năm 2023, ước giải ngân đạt 100%.

Tuy nhiên, còn 1 dự án đến nay vẫn chưa thực hiện giải ngân nhưng đến cuối năm 2023 vẫn ước giải ngân hết số vốn. Tổ Công tác đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về việc thực hiện các dự án thành phần của Chương trình do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn thực hiện, Tổ Công tác nhận thấy, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện 2 tiêu chí về văn hoá (tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về các danh hiệu văn hóa). Tổ Công tác cho rằng, việc tổ chức thực hiện hiệu quả 2 tiêu chí văn hóa nông thôn mới góp phần hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, hạn chế những tác động tiểu cực, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng sống của Nhân dân.

Liên quan đến Dự án Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hoá, thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hoá - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch nông thôn, Tổ Công tác nêu rõ, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và nguồn lực đầu tư từ ngân sách trong những năm đầu triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, song các địa phương vẫn duy trì và tăng cường đầu tư các nguồn lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa - thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn. Tính đến cuối năm 2022, có 6.712 xã (chiếm 81,7%) đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (tăng 0,8 điểm phần trăm so với cuối năm 2021).

Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc việc huy động nguồn lực xã hội để xây dựng, khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất văn hoá trong triển khai xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn do nguồn lực đất đai và ngân sách hạn chế, khả năng huy động sức dân có hạn. Tổ Công tác của Đoàn giám sát cho rằng, việc phấn đấu đạt mục tiêu về cơ sở vật chất văn hóa (đến năm 2025 là có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa theo Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới) còn gặp nhiều thách thức, cần có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Tổ Công tác; cập nhật thông tin, số liệu và gửi lại Tổ Công tác đúng thời gian quy định. Khẩn trương hoàn thiện việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án, nội dung được giao của CTMTQG xây dựng nông thôn mới.

Về Dự án Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn, Tổ Công tác nhận thấy, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân; phát động các phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ, văn hóa, văn nghệ quần chúng; nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; mở rộng mô hình kết nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đảm bảo đa dạng về văn hóa vùng miền, dân tộc phục vụ phát triển du lịch.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả khá tích cực; tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; cảnh quan môi trường được cải thiện hướng đến xanh - sạch - đẹp; công tác xã hội, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được quan tâm. Đến hết năm 2022 đã có 7.552 xã (chiếm 92%) đạt tiêu chí về văn hóa; so với mục tiêu đến năm 2025 là có 80% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 16 về văn hóa thì kết quả cho đến nay đã cao hơn nhiều so với mục tiêu.

Tuy nhiên, Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội cho rằng, đời sống vật chất văn hóa tinh thần của một bộ người dân còn chưa cao; chưa khắc phục được sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền; việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng bộ, có nơi chưa thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng các sân chơi thể thao còn nhiều khó khăn nên việc huy động các nguồn lực cũng như khai thác, phát huy hệ thống các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở còn nhiều hạn chế. Ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hoá, thể thao hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của người dân.

Khẩn trương hoàn thiện việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án, nội dung được giao thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới

Đánh giá công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, Tổ Công tác của Đoàn giám sát nêu rõ, năm 2021, các hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện còn hạn chế do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và không được bố trí kinh phí thực hiện. Việc kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung dự án không tiến hành riêng mà chủ yếu lồng ghép trong các nội dung làm việc của các Đoàn công tác liên Bộ đi khảo sát, thẩm định đơn vị cấp huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và các hoạt động kiểm tra theo chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành trung ương.

Năm 2023, Báo cáo chưa đề cập đến công tác kiểm tra, đánh giá quá trình triển khai thực hiện các nội dung thành phần thuộc Chương trình.

Từ những phân tích nêu trên, Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Tổ Công tác; cập nhật thông tin, số liệu và gửi lại Tổ Công tác đúng thời gian quy định.

Khẩn trương hoàn thiện việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án, nội dung được giao; kịp thời nắm bắt các vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai văn bản hướng dẫn của Bộ để có văn bản trả lời, hướng dẫn cụ thể gửi tới các đại phương. Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi văn bản hướng dẫn cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần tích cực theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án thành phần được giao chủ trì quản lý tại các địa phương để chủ động rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khơi thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra./.

Bích Ngọc