GÓP Ý “BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH Y TẾ VÀ DINH DƯỠNG TRONG CÁC CHƯƠNG TRÌNH MTQG”

30/03/2023

Sáng 30/3, tại Hà Nội, Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức cuộc họp góp ý “Báo cáo đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách y tế và dinh dưỡng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia”.

Toàn cảnh cuộc họp

Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) Triệu Văn Bình chủ trì cuộc họp.

Cùng dự có: đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; đại diện Ban Dân tộc và Sở Y tế của một số địa phương: Sơn La, Nghệ An, Đắk Nông, Cà Mau; đại diện UNICEF, CARE, Ngân hàng Thế giới (World Bank)...

Tại cuộc họp, các đại biểu nghe PGS.TS.BS Lê Thị Thanh Xuân - Trưởng nhóm Tư vấn, nghiên cứu báo cáo kết quả ban đầu đánh giá thực hiện chính sách y tế và dinh dưỡng trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân đã chỉ rõ một số vướng mắc về xây dựng kế hoạch trong thực hiện chính sách y tế và dinh dưỡng của 3 CTMTQG

Về việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các CTMTQG, PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân nhận thấy, đến nay hiện chưa có hướng dẫn chuyên môn tại địa phương về việc thực hiện các chỉ tiêu y tế và thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” trong các CTMTQG.

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu và đại diện Ban Dân tộc và Sở Y tế của một số địa phương đã nêu ra những vướng mắc của địa phương gặp phải, từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chính sách y tế và dinh dưỡng của 3 CTMTQG.

PGS.TS.BS Lê Thị Thanh Xuân - Trưởng nhóm Tư vấn, nghiên cứu báo cáo kết quả ban đầu đánh giá thực hiện chính sách y tế và dinh dưỡng trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Có ý kiến chỉ ra những vướng mắc về văn bản hướng dẫn, nhất là thiếu hướng dẫn về chuyên môn thực hiện như các chỉ tiêu y tế thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới (sổ khám chữa bệnh điện tử, khám chữa bệnh từ xa); phương pháp đánh giá thông tin dinh dưỡng ở trẻ em 6 đến dưới 16 tuổi; phương pháp xây dựng kế hoạch hành động và kinh phí cho mô hình 1000 ngày đầu đời; chưa rõ duy trì tỉ lệ BHYT ở những vùng không được Nhà nước hỗ trợ.

Đến nay, Dự án “cải thiện dinh dưỡng” thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững chưa thực hiện do ngân sách trung ương chưa cấp. Còn CTMTQG xây dựng nông thôn mới không phân khai kinh phí cho chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng.

Một số đại biểu cho rằng vướng mắc ở các địa phương hiện nay là sự đứt gãy thực hiện can thiệp dinh dưỡng khi ngân sách về nội dung dinh dưỡng giảm, nhất là vùng khó khăn. Ngoài ra, việc lồng ghép giữa 3 CTMTQG và hoạt động từ kinh phí thường xuyên, các dự án hỗ trợ khác trên địa bàn còn hạn chế.

Từ những hạn chế, vướng mắc đã nêu, các đại biểu đề nghị cần xây dựng kế hoạch tổng thể của ngành Y tế (trong đó có nguồn lực của CTMTQG). Đồng thời cần tăng cường sự phối hợp của ngành y tế với các ban ngành khác (vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp), hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về nội dung lồng ghép theo Nghị định 27/2022-NĐ-CP của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị cần phổ biến hướng dẫn trực tiếp cho các tỉnh về nội dung dinh dưỡng giữa 3 CTMTQG.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Ngoài ra, kiến nghị Bộ Y tế bổ sung chỉ số thống nhất giữa chỉ số mục tiêu và mẫu báo cáo thống nhất. Ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi các chỉ số về y tế và dinh dưỡng. Thống nhất về quản lý Nhà nước can thiệp y tế và dinh dưỡng. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động giám sát như kế hoạch giám sát các cấp giám sát độc lập.

Đại diện các Vụ liên quan thuộc Bộ Y tế đã giải trình một số vấn đề mà các đại biểu nêu, đồng thời làm rõ các nội dung liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách y tế và dinh dưỡng trong 3 CTMTQG mà các địa phương quan tâm.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Triệu Văn Bình cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, nhóm chuyên gia sẽ thống nhất nội dung đánh giá, bổ sung, chắt lọc thông tin và số liệu chính xác, hoàn thiện các nội dung việc tổ chức thực hiện chính sáng y tế và dinh dưỡng trong 3 CTMTQG để gửi đến các đại biểu Quốc hội và Đoàn giám sát của Quốc hội trong thời gian tới./.

Một số hình ảnh tại cuộc họp:

Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) Triệu Văn Bình chủ trì cuộc họp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững Nguyễn Lê Bình góp ý vào Báo cáo.

Phó Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Niệm nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách dinh dưỡng và y tế của 3 CTMTQG mà địa phương gặp phải.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho rằng việc chỉ đạo của Sở Y tế chỉ là hướng dẫn chung, đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn về các nội dung cần ưu tiên trong CTMTQG. Đồng thời mở rộng xem xét đối tượng thụ hưởng điều dưỡng.

Bà Nguyễn Thị Huệ -  Trưởng khoa Sức khoẻ sinh sản và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong Dự án 7 và Tiểu dự án 2 của Dự án 3 của CTMTQG giảm nghèo bền vững chưa được giải ngân.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho rằng, nguồn vốn NSTW được cấp cuối năm 2022 nên rất khó cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách y tế và dinh dưỡng của 3 CTMTQG. Đồng thời đề nghị cần quan tâm đến đầu ra của sản phẩm, bao tiêu sản phẩm như thế nào trong Dự án trồng dược liệu quý.

TS. Phan Văn Cương, Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, mặc dù hoạt động nghiên cứu của nhóm tư vấn diễn ra trong thời gian ngắn nhưng trọng tâm cuộc họp nhằm góp ý ban đầu, phát hiện các nhận định, đánh giá, đề xuất trong việc thực hiện chính sách y tế và dinh dưỡng.

Bà Vũ Hoàng Dương - Tổ chức SUNCSA nhận thấy, điểm sáng của các CTMTQG là có hướng dẫn về chuyên môn để các địa phương triển khai, các Chương trình có sự lồng ghép về nguồn vốn. Và 3 CTMTQG có sự phân định rõ ràng về đối tượng, phạm vi, vùng hưởng lợi về can thiệp y tế và dinh dưỡng.                                                                    

Đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế làm rõ một số nội dung về dinh dưỡng trong 3 CTMTQG.

Ông Đinh Anh Tuấn  - Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, Bộ Y tế đánh giá cao kết quả nghiên cứu của nhóm tư vấn trong 3 CTMTQG. Đề nghị nhóm tư vấn, nghiên cứu kiến nghị rõ ràng hơn một số nội dung vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể nội dung liên quan đến y tế và dinh dưỡng.

Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) Triệu Văn Bình phát biểu kết luận cuộc họp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp chụp ảnh lưu niệm.

Bích Ngọc - Phạm Thắng