Ý KIẾN XUNG QUANH VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Cho đến nay, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện việc lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia đóng góp cho dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 07 Chương, 79 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021. Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cẩu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Một trong những nội dung trọng tâm được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tập trung xin ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách là việc bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội nêu quan điểm: Về phía các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu Việt một cách bài bản, khoa học, đúng quy trình và phương pháp, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp trên thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khoa học về xác định chất lượng sản phẩm, đăng ký bản quyền, thương hiệu sản phẩm với các cơ quan, bộ ngành được giao nhiệm vụ về xác định bản quyền, sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng thương hiệu không thể chỉ thực hiện trong một vài năm mà đòi hỏi phải xây dựng trong một thời gian dài.
Quá trình triển khai xây dựng thương hiệu cần được thực hiện một các nhất quán và linh hoạt. Một doanh nghiệp mạnh phải là một doanh nghiệp sở hữu những thương hiệu mạnh. Thương hiệu mạnh sẽ đem lại những kết quả, giá trị và chỗ đứng bền vững trên thị trường của doanh nghiệp làm cho uy tín và năng lực của doanh nghiệp tăng lên, đem lại lợi nhuận cao và quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần coi trọng việc cải tiến quy trình, quy định các dịch vụ truyền thống củng cố và phát triển hệ thống phân phối trong nước hiện có, nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc bảo hộ, đăng ký thương hiệu, triển khai các chương trình quảng bá sản phẩm và tôn vinh sản phẩm doanh nghiệp. Nhờ có thương hiệu, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được tâm trí, nhu cầu, niền tin của khách hàng. Các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo, tập huấn về công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; rà soát, củng cố ban quản lý cấp tỉnh, huyện, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân có liên quan đến nhãn hiệu đã được bảo hộ phù hợp với từng sản phẩm trong phát triển kinh tế hiện nay.
TS.Nguyễn Tiến Dĩnh – Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện việc bảo vệ quyền lợi khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa, ngoài trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp thì trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần chú trọng đến trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của người dân.
Nhằm hỗ trợ người dân có được ý thức trên, TS.Nguyễn Tiến Dĩnh – Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Các địa phương, hiệp hội cần quan tâm hơn tới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức – pháp luật; tư vấn, hỗ trợ các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là nội dung và là nhiệm vụ quản lý Nhà nước rất quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa hiện nay nhằm giúp cho người tiêu dùng hiểu rõ quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng để có thể tự bảo vệ mình. Ngoài ra, điều này còn giúp người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thấy được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất, kinh doanh những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung có điều, khoản về vấn đề này.
Mặt khác, TS.Nguyễn Tiến Dĩnh cũng gợi ý, Nhà nước cần đầu tư thành chương trình tuyên truyền, phát huy các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến khích các tổ chức xã hội thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chuyên môn đối với Nhân dân đạt hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Trước những ý kiến, đề xuất của đại diện các cơ quan, chuyên gia, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban sẽ cùng với cùng với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu những ý kiến của các chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi xin ý kiến của Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 4/2023 và trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến để thông qua dự thảo Luật này trong Kỳ họp thứ 5 tới./.