ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM ANH: NGƯỜI DÂN CẦN NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ ĐẢM BẢO AN TOÀN, TIN CẬY
ĐBQH VƯƠNG QUỐC THẮNG: MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI) SẼ TIẾT KIỆM CHO XÃ HỘI NHIỀU CHI PHÍ
Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 08 chương và 54 điều vừa được Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến và sẽ tiếp tục được Quốc hội cho thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 05/2023.
Một trong những nội dung mới được đưa vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là quy định giao Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật đối với dịch vụ tin cậy (bao gồm chữ ký số, chữ ký số chuyên dùng công vụ, dịch vụ chứng thực chữ ký số).
Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách và sẽ tiếp tục được thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Đối với dịch vụ tin cậy (mục II Chương III), có ý kiến cho rằng, tên của Chương III chưa bao quát được nội hàm (chữ ký điện tử, dịch vụ tin cậy), đề nghị chỉnh lý cho phù hợp; đề nghị rà soát khoản 2 và khoản 4 Điều 29 quy định về dịch vụ tin cậy là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cho phù hợp với Luật Đầu tư; đề nghị quy định rõ theo hướng khi doanh nghiệp hội đủ điều kiện thì cấp cả 03 loại dịch vụ tin cậy.
Tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý tên Chương III thành “Chữ ký điện tử và Dịch vụ tin cậy” bảo đảm bao quát nội hàm của Chương. Bên cạnh đó, quy định tại Điều 29 được chỉnh lý theo hướng dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh; doanh nghiệp được quyền đăng ký một hoặc các dịch vụ quy định tại Điều này, đồng thời phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong ban hành quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật đối với dịch vụ tin cậy (bao gồm chữ ký số chuyên dùng công vụ) có phù hợp không?
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, được đảm bảo bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ hiện đang được Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp (không bao gồm việc ban hành quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (nay là Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ).
Hiện nay, việc xây dựng, ban hành quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật về chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số đang được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai. Nếu giao cho cơ quan khác xây dựng, ban hành quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật sẽ gây chồng lấn quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số. Do đó, việc giao Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật đối với dịch vụ tin cậy (bao gồm chữ ký số, chữ ký số chuyên dùng công vụ, dịch vụ chứng thực chữ ký số) trong dự thảo Luật là phù hợp.
Đưa ra quan điểm về nội dung trên, trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là hết sức cần thiết, góp phần giúp cho cơ quan Nhà nước thực hiện quyền quản lý trên không gian mạng; đồng thời xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các giao dịch liên quan đến không gian mạng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng, trong dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có quy định mới về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Trước đây, theo quy định của pháp luật đã giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện chữ ký số công vụ. Tuy nhiên, trong dự dự án Luật đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện. Đây là nội dung mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh băn khoăn vì việc thực hiện chữ ký số công vụ được giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai nhiều năm nay đã mang tính ổn định vì có đủ cơ sở hạ tầng tốt. Do đó, cần tránh thay đổi cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến lãng phí, tốn kém cũng như ảnh hưởng tới bí mật Nhà nước, quốc phòng an ninh trong giao dịch điện tử trên không gian mạng.
Về phía Ban cơ yếu Chính phủ, Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Đăng Lực cho biết, nghiên cứu dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), trên cơ sở thẩm tra sơ bộ dự án Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các văn bản pháp luật về cơ yêu có liên quan cũng như thực tiễn triển khai quản lý, cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Ban Cơ yếu Chính phủ thống nhất với đề xuất của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường về các nội dung liên quan đến cơ yếu.
Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Đăng Lực cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Ban Cơ yếu Chính phủ bổ sung, làm rõ hơn về các đề xuất trên. Tại Điều 7 của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử, Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Đăng Lực cho rằng, dự án Luật quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý Nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử và Điều 26 quy định về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là chữ ký điện tử được sử dụng trong các hoạt động công vụ, được cung cấp bởi Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Tuy nhiên, trách nhiệm Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã trong hoạt động giao dịch điện tử; quản lý, cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cần được quy định rõ hơn./.