ĐẢM BẢO BAN THƯ KÝ HOẠT ĐỘNG HIỆN ĐẠI, CHUYÊN NGHIỆP, SÁNG TẠO, HIỆU QUẢ

14/04/2023

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký tại phiên họp thứ 20. Mới đây, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 32/2023/UBTVQH15 về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký Quốc hội.

TỔNG KẾT KỲ HỌP BẤT THƯỜNG THỨ 2 VÀ THỨ 3, XEM XÉT DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN THI HÀNH NỘI QUY KỲ HỌP

Tăng cường sự liên thông, đồng bộ trong hoạt động của các thành viên Ban Thư ký

Kể từ khi được ban hành, Nghị quyết số 1093/2015/NQ-UBTVQH13 ngày 21/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký luôn là cơ sở pháp lý vững chắc để Ban Thư ký triển khai công việc tích cực, chủ động, hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Những năm qua, Ban Thư ký luôn có nhiều cải tiến, đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, Nghị quyết số 1093/2015/NQ-UBTVQH13 cũng có nhiều nội dung vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cũng như cơ chế, chính sách bảo đảm hoạt động của Ban Thư ký.

Vì vậy, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký tại Nghị quyết số 1093 là cần thiết. Tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký là nhằm đề xuất những cải tiến, đổi mới về tổ chức và hoạt động nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký; bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, hoạt động của các thành viên Ban Thư ký và giữa Ban Thư ký với Văn phòng Quốc hội và cơ quan giúp việc khác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, quá trình xây dựng Nghị quyết thay thế luôn bám sát mục đích, yêu cầu, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; phù hợp với yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội theo quy định của các luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Bên cạnh đó, cần bảo đảm tổ chức của Ban Thư ký hợp lý, chuyên nghiệp, cơ cấu thành viên bao quát toàn bộ nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội; vận hành thông suốt, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ của Ban Thư ký với nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội; phù hợp với chủ trương tinh gọn, hiệu quả của Đảng và Nhà nước; đồng thời bảo đảm tính kế thừa, sự ổn định, cũng như tính dự báo trong tổ chức và hoạt động của Ban Thư ký trong tổng thể bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội.

Tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về việc cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ của Ban Thư ký, cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký, nguyên tắc hoạt động của Ban Thư ký.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh,việc kiện toàn Ban Thư ký này là để giúp tăng cường năng lực cho Tổng Thư ký Quốc hội và bảo đảm theo thiết chế hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành. Đối với các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ban Thư ký hoạt động kiêm nhiệm do đó về cơ cấu tổ chức, Tổng Thư ký phân công một Phó Tổng Thư ký làm nhiệm vụ thường trực là đúng thẩm quyền; đồng thời nên có thêm một thành viên Ban Thư ký làm thành viên thường trực. Thêm vào đó, nếu thấy cần thiết có thể tăng thêm thành viên của Ban Thư ký, có thể có thêm đại diện của Viện Nghiên cứu lập pháp nhằm tăng thêm sức mạnh cho Ban Thư ký. 

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của Ban thư ký cũng cần rà soát kỹ với quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cần rà soát thêm, cập nhật tất cả những văn bản, những quy định liên quan trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới được mới ban hành để đảm bảo quy định đầy đủ, tránh để sót nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp việc cho Tổng Thư ký và Ban Thư ký. Qua đối chiếu với cơ cấu tổ chức Quốc hội các nước, Văn phòng Quốc hội ở nước ta hiện nay chính là Ban Thư ký của Quốc hội các nước. Như vậy, chúng ta đang tách Ban Thư ký như Quốc hội các nước thành hai bộ phận: Một bộ phận là Ban Thư ký của Quốc hội, hai là Văn phòng Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị rà soát các quy định liên quan, trong đó cần rà soát kỹ các quy định chức năng, nhiệm vụ để thể hiện Ban Thư ký không vượt quá, không cao hơn Văn phòng Quốc hội.

Đảm bảo Ban Thư ký hoạt động hiện đại, chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Soạn thảo hoàn thiện mô hình tổ chức của Ban Thư ký trên cơ sở kế thừa ưu điểm mô hình tổ chức của Ban Thư ký theo Nghị quyết số 1093/2015/NQ-UBTVQH13 ngày 21/12/2015 theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động; đồng thời, phải bám sát các yêu cầu, quan điểm lãnh đạo của Đảng, phù hợp với yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký bảo đảm khái quát toàn bộ nhiệm vụ tham mưu, phục vụ các hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội theo quy định của pháp luật. Rà soát, bổ sung quy định về chế độ, chính sách cho thành viên Ban Thư ký, Ủy viên Thường trực Ban Thư ký trên cơ sở tham khảo các quy định có liên quan, phù hợp với mô hình làm việc kiêm nhiệm của Ban Thư ký Quốc hội.

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 32/2023/UBTVQH15 về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký Quốc hội. Theo đó, Ban Thư ký có nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội về các vấn đề liên quan đến dự kiến chương trình và tổ chức thực hiện chương trình kỳ họp Quốc hội, tổng kết kỳ họp Quốc hội; dự kiến chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo kế hoạch triển khai và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự kiến và tổ chức triển khai các chương trình công tác, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham mưu, phục vụ hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết cũng nêu, Ban Thư ký thực hiện nhiệm vụ, tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dự thảo nghị quyết kỳ họp Quốc hội, kết luận phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo nghị quyết về các nội dung khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp của Ban Thư ký

Ban Thư ký cũng có nhiệm vụ  tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội và trực tiếp tổ chức thực hiện các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội. Phối hợp với Văn phòng Quốc hội tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội; tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc được Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

Về cơ cấu của Ban Thư ký, Nghị quyết quy định: Ban Thư ký gồm có một Phó Tổng Thư ký Quốc hội Thường trực đồng thời là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Một Phó Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Một Ủy viên Thường trực Ban Thư ký đồng thời là Vụ trưởng Vụ Thư ký của Văn phòng Quốc hội.

Ban Thư ký chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tổng Thư ký Quốc hội; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Tổng Thư ký Quốc hội và theo quy trình, thủ tục do Tổng Thư ký Quốc hội ban hành. Phó Tổng Thư ký Quốc hội Thường trực, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ban Thư ký, Ủy viên Ban Thư ký chịu trách nhiệm trước Tổng Thư ký Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Hoạt động của Ban Thư ký phải kết nối, liên thông với nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội; minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo, hiệu quả.

Minh Hùng

Các bài viết khác