ĐẢM BẢO KHẢ THI, CỤ THỂ TRONG QUY ĐỊNH VỀ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG QUA BIÊN GIỚI ĐẾN NGƯỜI SỬ DỤNG DỊCH VỤ TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM

20/04/2023

Tại phiên họp thứ 22 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, đặc biệt cần đảm bảo khả thi, cụ thể trong quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

Tại phiên họp thứ 22 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế số, xã hội số. Huy động các thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.

Về nội dung cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, Điều 24 của dự thảo Luật quy định, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu phải đảm bảo nguyên tắc người sử dụng dịch vụ được lựa chọn doanh nghiệp viễn thông để kết nối vào mạng viễn thông công cộng. Không được truy nhập, khai thác, sử dụng thông tin của người sử dụng nếu chưa được người sử dụng đồng ý. Tiến hành kịp thời các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngừng cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do thông tin đang được lưu trữ là trái pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long

Cũng theo quy định trong dự thảo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát thông tin của tổ chức, cá nhân khác trong quá trình xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Chính phủ quy định việc sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực khác phải tuân theo quy định của luật này và pháp luật khác có liên quan.  

Đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, Điều 25 trong dự thảo Luật quy định, việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các dịch vụ quy định tại Điều 23, Điều 24 của Luật này, phải thực hiện như sau: Thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam; Đảm bảo các yêu cầu về an toàn, an ninh quốc phòng, các mục tiêu chính sách công cộng chính đáng. Doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia thỏa thuận thương mại với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam phải có phương án kỹ thuật cần thiết để bảo đảm an ninh thông tin và thực hiện ngăn chặn khẩn cấp, ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quang cảnh phiên họp

Việc cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện như sau: Trường hợp không thu cước người sử dụng, tổ chức phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông về thông tin liên hệ của tổ chức cung cấp dịch vụ. Trường hợp có thu cước hoặc không thu cước người sử dụng nhưng có số lượng người sử dụng hoặc phát sinh lưu lượng tại thị trường Việt Nam vượt mức ngưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật này phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại khoản 7 Điều 5; Điều 6; điểm b và điểm d khoản 2 Điều 13 của Luật này và các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây hiện chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành. Theo Cơ quan chủ trì soạn thảo thì 02 dịch vụ này được xem là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, do đó cần phải có chế tài quản lý. Về nội dung này, Thường trực Ủy ban nhất trí cần phải có sự quản lý của Nhà nước đối với các dịch vụ này; tuy nhiên đề nghị cần rà soát, làm rõ sự khác biệt về các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp giữa dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông. Việc áp dụng các quy định pháp luật về dịch vụ viễn thông đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây phải được cân nhắc để tránh việc làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến lợi ích mà các dịch vụ này mang lại cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần cân nhắc các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 25 để đảm bảo tính khả thi. Bên cạnh đó theo dự thảo Luật, ngoài các nghĩa vụ chung của nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới (Điều 25), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây còn có các nghĩa vụ khác, bao gồm cả việc tiến hành kịp thời các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc ngừng cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do thông tin đang được lưu trữ là trái pháp luật (Điều 24).

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, quy định “theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, “do thông tin đang được lưu trữ là trái pháp luật” có nội hàm rất rộng, dễ tạo ra gánh nặng nghĩa vụ và sự không chắc chắn về yêu cầu pháp lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, rà soát, sửa đổi theo hướng quy định chi tiết cụ thể hơn, tránh phát sinh các vướng mắc trong thực tế.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm “...các mục tiêu chính sách công cộng chính đáng” (khoản 2 Điều 25) trong khi không giải thích rõ nội hàm của khái niệm này có thể dẫn đến cách hiểu, cách vận dụng không thống nhất trong thực tiễn. Do đó, các đại biểu đề nghị cân nhắc, thể hiện rõ ràng nội dung “các mục tiêu chính sách công cộng chính đáng” để bảo đảm tính cụ thể, khả thi của quy định này.

Minh Hùng