KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU GIÁO VIÊN: ĐẢM BẢO NGUYÊN TẮC "CÓ HỌC SINH THÌ PHẢI CÓ GIÁO VIÊN ĐỨNG LỚP"

03/05/2023

Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển ra khỏi ngành. Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương trở thành một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông chưa đạt mục tiêu, tiến độ theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/2014/QH13 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 51/2017/QH14: CHI CHO GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO CHƯA ĐẠT 20% TỔNG CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA CÁC BỘ: TÀI CHÍNH, NỘI VỤ, KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, sử dụng, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp".

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển ra khỏi ngành, đây là vấn đề nan giải của nhiều địa phương, bởi không chỉ thiếu hụt giáo viên mà còn có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục.

Đặc biệt, trong thời điểm ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì toàn ngành phải đối mặt với tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Có những môn học mới phải tuyển dụng giáo viên như Tin học ở cấp tiểu học, giáo viên Nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tình trạng thiếu giáo viên không chỉ xảy ra trong thời gian gần đây mà diễn ra trong nhiều năm. Nguyên nhân là thời gian qua thu nhập, cuộc sống của đội ngũ giáo viên các cấp rất thấp, trong khi đó thực hiện xã hội hóa trong ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, một số giáo viên môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật có cơ hội làm việc ở lĩnh vực khác nên càng khó thu hút và tuyển dụng đội ngũ giáo viên các môn này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn

Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trong quá trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu quan trọng nhất là đạt chuẩn đầu ra về phát triển con người, năng lực của học sinh. Muốn vậy, chất lượng đội ngũ nhà giáo, tư tưởng, tâm thái của nhà giáo có vai trò quan trọng đến sự thành công của Chương trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi, vùng khó khăn; bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp"; ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước thực trạng thiếu giáo viên, Chính phủ đã đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý, quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.

Đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo.

Đề cập một số giải pháp hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Bộ Nội vụ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong quá trình cải cách tiền lương cần xác định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…

Chính phủ quan tâm tới tính đặc thù của công chức, viên chức ngành giáo dục trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức ngành giáo dục nói chung, giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục nói riêng; bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên. Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.

Đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đánh giá về chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định: Tuy tiền lương đối với đội ngũ nhà giáo đã được Nhà nước ưu đãi (mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất 70% và hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo) nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống, chưa tạo được động lực để giáo viên tâm huyết gắn bó với nghề nghiệp; chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng gắn với chất lượng, hiệu quả công tác của nhà giáo...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa.

Vì vậy, Bộ Nội vụ kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát các địa phương về các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chính sách tiền lương của đội ngũ giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề giáo (nếu có).

“Trong thời gian chưa cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW35, trước mắt tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách tiền lương và phụ cấp (nhất là phụ cấp ưu đãi) đối với nhà giáo theo các cấp học đảm bảo tương quan trong cùng đội ngũ nhà giáo, cũng như trong toàn hệ thống chính trị và theo lộ trình phù hợp, đảm bảo theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Luật Viên chức, Luật Giáo dục…”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị quan tâm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên.

Phát biểu tại buổi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh: Đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ liên quan rà soát, đánh giá toàn diện về cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới và đề xuất giải pháp. Đặc biệt, quan tâm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học tích hợp, các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018./.

Lan Hương