HỘI NGHỊ BÁO CÁO VỀ CÁC DỰ ÁN LUẬT DO BỘ CÔNG AN CHỦ TRÌ SOẠN THẢO TRÌNH KỲ HỌP THỨ 5
PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những kết quả nổi bật trong hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua?
PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đảm bảo Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao”.
Tôi cho rằng, tinh thần đó đã được thể hiện mạnh mẽ và tập trung trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Quốc hội khóa XV vừa bắt đầu đã phải đối mặt với dịch Covid-19; triển khai khối lượng công việc rất lớn cả trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội khóa XV đã kế thừa, tiếp nối tinh thần và những phẩm chất tốt đẹp của các nhiệm kỳ Quốc hội trước, nhờ đó đạt được những thành tựu đáng trân trọng và tự hào. Nhìn lại những thành tựu cụ thể trong thời gian hoạt động vừa qua, điều tôi tâm đắc nhất là một tinh thần chung đang thấm đẫm trong hoạt động của Quốc hội: Quốc hội khóa mới đã nâng cao hơn nữa tinh thần gắn bó với đất nước, với nhân dân. Điểm này được thể hiện trước hết trong việc khẩn trương, kịp thời nhập cuộc và đưa ra quyết sách đối với những vấn đề nóng bỏng, cấp thiết đối với tình hình đất nước và đời sống cử tri.
Đó là việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường, vượt qua các định kiến cứng nhắc thông thường, linh hoạt, năng động để giải quyết ngay những vấn đề cấp bách, quan trọng, bảo đảm vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới xảy ra, nhất là cùng toàn dân ứng phó với đại dịch covid-19 và xử lý các vấn đề nóng bỏng về kinh tế- xã hội , quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong một thế giới đầy biến động.
Sự phục hồi tích cực của nền kinh tế trong thời gian qua do tác động từ nhiều yếu tố, trong đó thể hiện kết quả điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ngành; sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, đội ngũ doanh nghiệp, song đặc biệt là nhờ sự đồng hành, hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của Quốc hội qua quyết sách "đặc biệt, đặc cách, đặc thù" từ các phiên họp bất thường của Quốc hội.
Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường đã khẳng định thông điệp về một Quốc hội luôn đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân, như lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Quốc hội luôn tự hoàn thiện và đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.
Ngay từ kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã dành nhiều thời gian nhất để thảo luận, cho ý kiến về nội dung phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đời sống người dân. Sau đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã liên tục ban hành một loạt văn bản, nghị quyết để đưa ra những điều chỉnh kịp thời, ứng phó với tình hình diễn biến nhanh chóng và khó lường của dịch bệnh và nhanh những vướng mắc của ngành y tế trong công việc phòng, chống dịch COVID, tạo điều kiện rộng rãi hơn, thuận lợi hơn để ngành y tế và các bộ, ban ngành liên quan tích cực tham gia chống dịch....
Từ góc độ của người làm nghiên cứu và cũng là một cử tri, tôi đánh giá rất cao Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng của đất nước. Quốc hội tổ chức bốn kỳ họp bất thường trong thời gian qua đã thể hiện tinh thần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Việc họp bất thường cũng giúp Đảng, Nhà nước xem xét, xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách trong thực tiễn đời sống, trong đó có cả công tác cán bộ.
Quốc hội cũng không "ngại" bàn thảo nhiều vấn đề nhạy cảm như công tác nhân sự, tiền lương cho người lao động hay Luật Đất đai…
Đăc biệt là nhiệm kỳ này, Quốc hội đã tổ chức thành công Hội thảo cấp quốc gia về văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Có thể nói đây là một sự kiện lớn, có ý nghĩa đối với việc tháo gỡ khó khăn về thể chế, chính sách và giải phóng các nguồn lực nhằm phăm phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam để phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội và cà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội không chỉ ngồi dự mà còn trực tiếp chủ trì, lắng nghe ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị và có bài kết luận quan trọng. Đây là điểm mới thể hiện tinh thần trách nhiệm, đổi mới phong cách làm việc của Quốc hội để thấu hiểu nhu cầu của nhân dân, làm cơ sở cho việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo dõi các phiên họp của Quốc hội, tôi thấy rằng, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và khát khao cống hiến, tận dụng tối đa thời gian, làm việc ngoài giờ và làm thêm các ngày nghỉ, đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, xác đáng để Quốc hội xem xét, thông qua và ban hành số lượng lớn dự thảo, nghị quyết có chất lượng, tháo gỡ khó khăn cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được mong mỏi của cử tri, nhân dân và được cử tri, nhân dân đánh giá, ủng hộ.
Tôi khá ấn tượng với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội khóa XV đã đẩy mạnh chất vấn đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành ở những lĩnh vực được dư luận xã hội, nhân dân đặc biệt quan tâm và những vấn đề nóng, bức xúc… Các phiên chất vấn không chỉ được tổ chức ở các kỳ họp Quốc hội mà còn được tổ chức ở các phiên họp của Ủy ban thường của Quốc hội. Khi chất vấn, đại biểu Quốc hội từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã nêu câu hỏi phản ảnh sát với diễn biến thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri và nhân dân tới các bộ trưởng, trưởng ngành. Các bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, rất nghiêm túc và cầu thị, lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, thẳng thắn giải trình làm rõ nhiều vấn đề, rồi đưa ra các giải pháp, cam kết cho lĩnh vực của mình; qua đó đã tăng cường trách nhiệm của các vị bộ trưởng, trưởng ngành trước cử tri và nhân dân.
Quốc hội cũng chú trọng việc giám sát hậu chất vấn, giám sát thi hành các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn. Có nghĩa rằng, giám sát xong không có nghĩa là để đấy, mà là giám sát xem việc thực hiện các lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành như thế nào, việc giải quyết tới đâu, hiệu quả ra sao? Đây là một điểm rất nổi bật của Quốc hội khóa XV trong việc truy đến cùng trách nhiệm của các vấn đề cử tri phản ánh.
Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì trong giải quyết các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước thông qua hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội trong thời gian tới?
PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Sắp tới, đứng trước những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, nhất là quá trình cạnh tranh toàn cầu và khu vực diễn ra ngày càng quyết liêt, khó lường và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bênh toàn cầu, sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới cả ở trong nước và quốc tế mà Quốc hội phải quan tâm giải quyết.
Muốn hoàn thành tốt trọng trách trong chặng đường sắp tới, Quốc hội cần quán triệt tư tưởng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy nhà nước và Quốc hội theo phương châm lấy dân là gốc, phải vì nhân dân, dựa vào cử tri, bám sát hơi thở của đời sống thực tế đang diễn ra của đất nước, phải thực sự đặt lợi ích của Quốc gia, dân tộc, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Khi đó, Quốc hội sẽ đưa ra được những quyết định sáng suốt; các đạo luật mới mới được chuyển hóa vào đời sống và hoạt động hiệu quả, có sức sống bền bỉ, và niềm tin của nhân dân vào Quốc hội cũng sẽ không ngừng được nâng cao.
Mặt khác, mỗi đại biểu Quốc hội phải nâng cao tinh thần trách nhiệm với nhân dân, gương mẫu trước nhân dân, luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân, hiểu nhân dân, lắng nghe nhân dân và phục vụ nhân dân.
Để Quốc hội đưa ra được những quyết định sáng suốt, hoạt động hiệu quả, có sức sống bền bỉ và niềm tin của nhân dân vào Quốc hội cũng sẽ không ngừng được nâng cao, thì "trái tim" của Quốc hội là mỗi đại biểu Quốc hội cần gần nhân dân, hiểu nhân dân, lắng nghe nhân dân và phục vụ nhân dân.
Trong giai đoạn tới, trước mắt là Kỳ họp thứ 5 sắp diễn ra, trên hết, tôi kỳ vọng Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần hăng hái hơn nữa, nhiệt tình hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, sát dân hơn nữa, với vai trò, cương vị của một đại biểu Quốc hội dân cử, bám sát hơi thở đời sống thực tế, hết lòng vì lợi ích của nhân dân, của cử tri, để Quốc hội luôn hoàn thành trọng trách là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Tôi mong rằng Quốc hội sẽ tiếp tục gắn bó chặt chẽ, mật thiết, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thông qua đó đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của đời sống xã hội và hợp lòng dân. Quốc hội khóa XV phát huy những nền tảng sẵn có, tiếp tục duy trì, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động, lấy những thành tựu đó làm cơ sở, nền tảng để giải quyết bằng được những vấn đề cấp thiết của đất nước, phục hồi phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, tôi tin rằng Quốc hội sẽ có nhiều đóng góp tích cực vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Với sự quyết liệt, sáng tạo và đổi mới, thích nghi nhanh của người đứng đầu Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi tin chắc chắn rằng, với những tư duy mới, cách làm mới, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục song hành, tiếp tục ban hành những chính sách kịp thời giúp đất nước có những bước chuyển mình đột phá, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra cho một nhiệm kỳ có ý nghĩa then chốt, khởi động hành trình xây dựng đất nước hùng cường, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!