SỬA ĐỔI CƠ CHẾ LỒNG GHÉP VỐN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG ĐẦU TƯ DÀN TRẢI

05/05/2023

Trong quá trình giám sát về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các Bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát của Quốc hội nhận thấy, các địa phương đang gặp khó trong việc ban hành cơ chế và triển khai lồng ghép vốn do không xác định được nội dung, phương pháp lồng ghép.

TỔ CÔNG TÁC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA TỪNG BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG TRONG THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” là một trong những chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023. Trong quá trình giám sát về nội dung này tại các Bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát của Quốc hội nhận thấy, các địa phương đang gặp khó trong việc việc ban hành cơ chế và triển khai lồng ghép vốn, để đảm bảo nguyên tắc không chồng chéo, trùng lặp.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, thực hiện các Nghị quyết số: 120/2020/QH14, Nghị quyết số 24/2021/QH15, Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, trong đó đã quy định chi tiết về nguyên tắc lồng ghép vốn các 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Theo đó, việc lồng ghép vốn không chỉ thực hiện giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, mà còn được thực hiện lồng ghép giữa các chương trình, dự án khác để huy động tối đa nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Trên cơ sở các nguyên tắc lồng ghép quy định tại Điều 10, Nghị định số 27 của Chính phủ, các địa phương đã chủ động tiến hành xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, Nghị định nêu rõ: Lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là việc sử dụng vốn của nhiều chương trình, dự án để đầu tư thực hiện công trình, dự án, hoạt động có cùng mục tiêu, nội dung và được thực hiện trên cùng một địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Sau khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được Nhân dân và chính quyền các địa phương trong diện được thụ hưởng phấn khởi và kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát cả 3 Chương trình quốc gia trong đó trọng tâm việc ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách, qua đó phát hiện sớm, toàn diện, cụ thể những những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động xây dựng cơ chế, ban hành chính sách, tổ chức thực hiện; có địa phương đưa nội dung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia thành nội dung giao ban hàng tuần. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn vì sao sự vào cuộc tích cực nhưng kết quả chưa đạt như kết quả như mong muốn. Đại biểu nêu thực tế, cùng chung một địa bàn nhưng nội dung hỗ trợ của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trùng nhau, nên không thể tiến hành phối hợp, lồng ghép nguồn vốn.

Theo thống kê, trong năm 2022, 34/63 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, một số địa phương phản ánh việc lồng ghép nguồn vốn không phù hợp với thực tiễn triển khai tại địa phương do không xác định được nội dung, phương pháp lồng ghép.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan cho biết, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định vai trò quan trọng trong điều hòa, tích hợp các cơ chế chính sách lớn, trong đó có cơ chế lồng ghép vốn. Đây là cơ chế được nhiều địa phương kiến nghị tháo gỡ vướng mắc. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế lồng ghép vốn áp dụng phổ quát cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nên không tránh khỏi có khó khăn trong triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, cơ chế này giao cho địa phương thực hiện, còn Trung ương chỉ quy định về nguyên tắc là không hợp lý. Bởi có những vấn đề ở trung ương chưa được xác định rõ ràng, địa phương chắc chắn không thể thực hiện. Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan đề nghị sửa đổi nội dung tại Nghị định 27/2022/NĐ-CP về lồng ghép vốn, trong đó quy định cụ thể cơ chế nào cần Chính phủ xử lý, thậm chí có những vấn đề được giải quyết  ở cấp cao hơn.

Để giải quyết những vướng mắc tại địa phương về cơ chế lồng ghép vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực, cơ quan đầu mối tháo gỡ vướng mắc trong việc tích hợp, lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, ban hành khung chung về lồng ghép nguồn vốn làm cơ sở cho các địa phương cụ thế hóa trong thực hiện.

Qua giám sát thực tế tại địa phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan cho biết, hiện nay đã có 20 tỉnh ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá lại hệ thống văn bản cơ chế lồng ghép của địa phương, trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá, sửa đổi nội dung về lồng ghép tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết có tình trạng một đối tượng thuộc diện được hưởng cả 3 chính sách thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì tham mưu cơ chế lồng ghép nguồn vốn, bởi nếu giao riêng cho từng Bộ chủ trì thực hiện triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ khó triển khai trên thực tế. Hơn nữa, hiện nay vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa ban hành hoặc ban hành chưa đủ cơ chế lồng ghép vốn theo quy định: 35/63 địa phương chưa ban hành cơ chế đặc thù, 41/63 địa phương chưa ban hành cơ chế hỗ trợ. Điều này có thấy đang có sự lúng túng trong ban hành cơ chế hỗ trợ về lồng ghép vốn, cơ chế đặc thù và cơ chế hỗ trợ.

Làm rõ những nội dung thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội đề cập, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc lồng ghép vốn là công việc khó khăn trong giai đoạn hiện nay, không giống như giai đoạn 2016-2020. Bởi các Nghị quyết của Quốc hội đã nêu nguyên tắc không được trùng lắp về đối tượng, mục tiêu giữa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Do vậy, việc lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu rất phức tạp, đặc biệt là nguồn vốn trung ương. Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu ví dụ một xã A thuộc đối tượng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không bố trí vốn của 2 Chương trình mục tiêu còn lại cho xã này để đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp của các nghị quyết của Quốc hội đặt ra.

Trong giai đoạn trước, một xã có thể được hỗ trợ vốn của nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nhưng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, không được dùng vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia này cho dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia khác. Điều này sẽ tác động đến dự toán và kế hoạch trung hạn Quốc hội đã giao chi tiết cho từng địa phương. Do vậy, việc dịch chuyển nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia này sang Chương trình mục tiêu quốc gia khác sẽ vi phạm quy định tại Nghị quyết của Quốc hội. Nếu muốn tháo gỡ vướng mắc này cần báo cáo Quốc hội xem xét quyết định, như vậy sẽ mất thời gian.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc lồng ghép nguồn vốn dễ thực hiện hơn nếu sử dụng vốn địa phương, bởi nguồn vốn địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của Hội dồng nhân dân, vì vậy Hội đồng nhân dân có thể điều chỉnh vốn từ chương trình này sang chương trình khác, giữa các huyện, các xã bằng nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Việc lồng ghép vốn địa phương khả thi hơn lồng ghép vốn trung ương, do vậy trong quá trình sửa đổi Nghị định 27, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang sửa đổi và sẽ hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện cơ chế lồng ghép vốn.

Lan Hương