BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG NHÀ THẦU LÀ HỢP TÁC XÃ TRONG NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ VỀ TƯ CÁCH HỢP LỆ CỦA NHÀ THẦU
Các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới. Tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra nhằm hoàn thiện dự án luật. Theo đó, về việc HTX, liên hiệp HTX phải nộp phí khi công bố nội dung đăng ký (Điều 48), có ý kiến đề nghị cân nhắc việc miễn phí cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX khi công bố nội dung đăng ký trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan đăng ký kinh doanh nhằm khẳng định sự ưu đãi hơn đối với khu vực này so với doanh nghiệp thông thường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định về việc công bố của HTX, liên hiệp HTX tương tự như đối với doanh nghiệp. Cụ thể tại Điều 48 (Công bố nội dung đăng ký của HTX, liên hiệp HTX) quy định HTX, liên hiệp HTX sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký HTX phải công bố nội dung đăng ký trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan đăng ký kinh doanh và phải nộp phí theo quy định của pháp luật. Hiện nay, cũng có quy định tương tự tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 về việc doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải trả phí theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Hệ thống thông tin điện tử của cơ quan đăng ký kinh doanh do Trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh, Cục Quản lý kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, vận hành. Trung tâm này là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, do đó khi doanh nghiệp thông báo công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì phải trả phí nhằm duy trì hệ thống.
Về tổ chức lại, giải thể, phá sản HTX, liên hiệp HTX (Chương VII), một số ý kiến cho rằng quy định tại dự thảo Luật về thứ tự ưu tiên xử lý vốn, tài sản còn lại khi HTX, liên hiệp HTX giải thể, phá sản có sự khác biệt so với quy định của Luật Phá sản; đề nghị bổ sung trường hợp tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập HTX, liên hiệp HTX thì tài sản chung không chia cũng nằm trong nhóm là không được chia cho các thành viên.
Đối với vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án luật tiếp thu và thể hiện tại Điều 101 về việc giải quyết phá sản đối với HTX, liên hiệp HTX được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản; bổ sung quy định các trường hợp xử lý Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia trong các trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể và phá sản HTX, liên hiệp HTX. Theo đó việc xử lý Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia theo nguyên tắc dựa vào nguồn hình thành như đã nêu tại nội dung về Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng quy định ưu tiên trong phân chia tài sản còn lại khi giải thể HTX, liên hiệp HTX là chưa thỏa đáng, chưa bảo vệ được quyền của người lao động, chưa phù hợp với chính sách thu hút nhân lực làm việc trong khu vực kinh tế tập thể theo Nghị quyết số 20-NQ/TW; đề nghị người lao động phải thuộc ưu tiên thanh toán hàng thứ nhất trong trường hợp HTX, liên hiệp HTX bị giải thể, phá sản, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật lao động năm 2019.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tại khoản 4 Điều 100 (Xử lý tài sản khi HTX, liên hiệp HTX giải thể, phá sản) quy định việc phân chia tài sản còn lại khi giải thể thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây: Thanh toán chi phí giải thể bao gồm cả khoản chi cho việc thu hồi, định giá và thanh lý tài sản; Thanh toán nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; Nợ thuế; Khoản nợ khác.
Quy định này tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 54 về thứ tự phân chia tài sản và Điều 101 về thứ tự phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng tại Luật phá sản năm 2014, theo đó các khoản thanh toán cho người lao động chỉ sau chi phí phá sản và được ưu tiên trước cả việc thanh toán các nghĩa vụ tài chính của Nhà nước. Quy định tại khoản 4 Điều 100 dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được xin ý kiến và thống nhất với đại diện Tòa án nhân dân tối cao.
có ý kiến đề nghị cân nhắc nghiên cứu quy định giao cho hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện kiểm toán như một loại dịch vụ công hỗ trợ đối với các HTX quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên thực tế HTX quy mô siêu nhỏ và nhỏ, đặc biệt là HTX ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không có nguồn kinh phí bố trí thực hiện kiểm toán độc lập, nếu dịch vụ kiểm toán được coi như một loại hình dịch vụ công để hỗ trợ HTX thì đây là một chính sách rất thiết thực đối với HTX, tuy nhiên việc giao cho hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện nhiệm vụ kiểm toán HTX đòi hỏi hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cũng phải được tăng cường đủ năng lực, trong đó xây dựng được hệ thống nhân sự có trình độ chuyên sâu, có khả năng tư vấn, kiểm toán HTX, nhất là khi HTX gặp khó khăn liên quan đến công tác quản trị HTX.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH và xét thực tế năng lực hiện tại của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, đại diện cơ quan thẩm tra cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu và có lộ trình phù hợp trong việc xem kiểm toán HTX là một loại hình dịch vụ công và giao cho hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện đối với các HTX quy mô siêu nhỏ và nhỏ theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc “Nghiên cứu giao cho Liên minh HTX thực hiện một số nội dung dịch vụ công phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Liên minh”.